Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sóc Trăng Nuôi Kiến Vàng Trong Vườn Cây Ăn Trái

Sóc Trăng Nuôi Kiến Vàng Trong Vườn Cây Ăn Trái
Ngày đăng: 18/10/2014

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng trái ngon và sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ít sử dụng hóa chất đang càng ngày càng lớn. Nhưng để bảo vệ nông sản, nhà nông gần như bắt buộc phải sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Vì thế, việc phục hồi các mô hình sử dụng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng là rất cần thiết.

Việc nuôi kiến vàng để khống chế mật số sâu hại là một biện pháp sinh học. Trong tự nhiên, kiến vàng thường xuất hiện trên nhiều loại cây ăn trái nhưng mật số thường không cao; Ở những vườn phun xịt nhiều thuốc trừ sâu thì hầu như không có kiến vàng.

Qua nhiều khảo nghiệm cho thấy, mật độ kiến vàng cao sẽ làm giảm số lượng sâu vẽ bùa, kiến hôi, bọ xít, nhện và các loại bệnh khác.

Ông Nguyễn Văn Lợi ở ấp Tân Thành, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, một nhà vườn lâu năm cho biết, trồng cây có múi sợ nhất là bệnh vàng lá gân xanh, ngoài ra còn có sâu vẽ bùa, rầy mềm, nhện đỏ… Nhưng hơn năm năm nay, nhờ nuôi kiến vàng trong vườn mà số lượng cây trái nhiễm sâu bệnh rất ít, do đó chi phí thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể.

Kiến vàng mẫn cảm với hóa chất nên việc giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giúp duy trì đàn kiến trong vườn. Nhờ vậy trái cây vườn nhà ông Lợi bán ra sạch và an toàn hơn các vườn khác, có độ ngọt tự nhiên, được thương lái mua với giá cao.

Ông cho biết “Con kiến vàng là bạn của nhà nông, mình làm nông nghiệp phải có áp dụng phòng trừ dịch hại tổng hợp, kiến ăn sâu rầy, nên giảm thuốc bảo vệ thực vật, trường hợp bức thiết nhất tôi mới sử dụng thuốc, nhờ kiến vàng mà tôi giảm khoảng 60% lượng thuốc trừ sâu hàng năm”.

Điều đáng chú ý là việc nuôi kiến vàng bảo vệ vườn cây ăn trái vừa giúp giảm thuốc hóa học, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, đảm bảo năng suất và tăng lợi nhuận. Như 1,3ha vườn của ông Lợi một năm tốn khoảng 100 triệu đồng mua thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể những lúc có dịch bệnh vàng lá gân xanh, sâu đục trái trên cây có múi… thì số lần phun thuốc càng dày đặc hơn.

Nhưng khi nuôi kiến vàng trong vườn thì chi phí phun thuốc giảm hơn phân nửa. Tổng cộng một năm vườn cam sành, quýt đường, bưởi da xanh của ông Lợi cho thu nhập khoảng 30 tấn trái, thu về trên 500 triệu đồng, trong đó lợi nhuận trên 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí nhân công, phân bón và một phần là thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Văn Hậu cũng ở ấp Tân Thành cho biết, để có nguồn kiến vàng nhiều trong vườn nên đi thu thập kiến từ các vườn khác về, để kiến có điều kiện phát triển và phân bố đều trong vườn, cần tạo điều kiện cho kiến di chuyển từ cây này sang cây khác để săn mồi và làm tổ.

Kiến vàng rất mẫn cảm với thuốc trừ sâu, vì thế nên hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học. Khi bắt buộc phải sử dụng nên phun vào buổi chiều, khi kiến ít hoạt động và đã tập trung về tổ hoặc lúc sáng sớm. Để việc nuôi kiến vàng hiệu quả cần chú ý mật số kiến phải đủ, phân bố đều trong vườn và ổn định quanh năm:“ Nuôi kiến vàng rất có lợi, nó diệt được sâu rầy, giữ được đọt non, có thể làm giảm thuốc cỡ 60%, nuôi kiến cũng dễ vì nó có sẵn trong vườn, muốn tăng đàn thì mình đi kiếm bắt thêm từ các vườn khác, rồi sử dụng thuốc trừ sâu phải chú ý để kiến không chết”.

Ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú có hơn 512 ha vườn, chủ yếu là cây có múi. Các nhà vườn đều biết qua kỹ thuật nuôi kiến vàng nhưng chưa nhiều người dám áp dụng vì sợ không thành công, kiến vàng cần có thời gian sinh sôi, phát triền đàn, trong khi dịch hại trên cây trồng thì diễn biến rất nhanh, nên nông dân lo ngại là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, tại huyện Kế Sách, nơi tập trung diện tích cây ăn trái nhiều nhất tỉnh, với gần 14.000 ha, thì lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng càng nhiều hơn, càng khó duy trì thiên địch trên cây trồng.

Nhưng nuôi kiến vàng trong vườn cây ăn trái là biện pháp sinh học có hiệu quả cao, ít tốn kém, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hiệu quả thực tế đã được nhà nông công nhận, cái khó là làm sao để nhân rộng mô hình này. Điều này thì cần sự góp sức của các nhà khoa học và ngành chức năng; Qua đó góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giảm bớt tồn dư hóa chất trong nông sản và bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi đặc sản cá chiên Nhiều nông dân đổi đời nhờ nuôi đặc sản cá chiên

Nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã "đổi đời" nhờ đầu tư nuôi cá chiên - một loài cá đặc sản, quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

12/11/2015
Cả trăm nghìn đồng một kg gạo dược liệu Cả trăm nghìn đồng một kg gạo dược liệu

Gạo chức năng hay còn được gọi là gạo "dược liệu" đang được cả thị trường xuất khẩu lẫn trong nước ưa chuộng dù giá cao gấp đôi, gấp tư loại thường.

12/11/2015
Giật mình nông sản hữu cơ kiểu tự xưng Giật mình nông sản hữu cơ kiểu tự xưng

Hiện tại trên thị trường đang xuất hiện khá nhiều thực phẩm, nông sản hữu cơ, song điều nghịch lý là chưa có cơ quan nào chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ cho nông sản, các sản phẩm dán nhãn hữu cơ trên thị trường phần lớn là… tự xưng.

12/11/2015
Bắt mắt như trái ớt lồng sản vật lạ miền núi xứ Quảng Bắt mắt như trái ớt lồng sản vật lạ miền núi xứ Quảng

Có kích cỡ trung bình như trái cà pháo, với nhiều màu sắc khác nhau: trắng đục, tím, đỏ... nên trái ớt lồng được ví là một trong những loại sản vật lạ ở miền núi xứ Quảng.

12/11/2015
Nuôi tôm hùm như chăm con mọn Nuôi tôm hùm như chăm con mọn

Đó là chia sẻ của những người làm nghề nuôi tôm hùm như ông Nguyễn Chí Lem (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).

12/11/2015