Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sinh Sản Nhân Tạo Thành Công Giống Cá Lăng Đuôi Đỏ Tại Phú Yên

Sinh Sản Nhân Tạo Thành Công Giống Cá Lăng Đuôi Đỏ Tại Phú Yên
Ngày đăng: 23/07/2013

Sau khi học tập kinh nghiệm và tiếp nhận quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ tại Bình Định, kỹ sư Lưu Quốc Thắng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã ứng dụng cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá này ở Phú Yên.

Thúc đẩy phong trào nuôi cá nước ngọt

Ông Lê Quang Hiệp, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên (gọi tắt là trung tâm) nhận định: “Phú Yên là tỉnh ven biển nên thói quen sử dụng cá nước mặn làm thực phẩm trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường, sự biến đổi khí hậu cũng như tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi từ biển đã khiến nguồn hải sản dần suy giảm.

Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân khi nguồn cá trong tự nhiên dần trở nên khan hiếm, kỹ sư Lưu Quốc Thắng đã tiến hành thực hiện đề tài “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ tại Phú Yên”, nhằm giúp các kỹ thuật viên trung tâm nắm vững công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ, để có thể chủ động sản xuất khi cần”.

Cá lăng đuôi đỏ là loài cá nhiệt đới phân bố ở châu Á, đặc biệt là các nước ở lưu vực sông Mê Kông. Ở Việt Nam, chúng phân bố rộng rãi ở các thủy vực nước ngọt và nước lợ nhẹ miền Nam. Việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo các giống cá lăng vàng, cá lăng hầm, cá lăng đuôi đỏ, cá lăng nghệ đã được thạc sĩ Ngô Văn Ngọc và nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tiến hành thành công vào năm 2005 và chuyển giao cho một số tỉnh Nam Bộ.

Sau đó, loại cá này được nuôi thử nghiệm tại Trại giống thủy sản Mỹ Châu (Bình Định) và cho kết quả tốt. Thấy được hiệu quả từ mô hình này, Trại giống thủy sản Mỹ Châu đã chuyển giao kinh nghiệm cho các cán bộ Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên.

Cá lăng đuôi đỏ có kích thước lớn nhất trong tất cả các loài cá thuộc họ Bgridae. Thịt cá lăng đuôi đỏ trắng, dai, giòn và có hương vị đặc trưng. Trước đây, loài cá này chỉ được đánh bắt trong tự nhiên, nhưng hiện nay đang dần trở nên khan hiếm nên có giá bán khá cao, dao động từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg. Cá lăng đuôi đỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều vùng, miền trong cả nước.

Kỹ sư Lưu Quốc Thắng chia sẻ: “Đưa giống cá lăng đuôi đỏ vào sản xuất, nhóm thực hiện đề tài mong muốn bước đầu có thể tiếp nhận và ứng dụng thành thạo công nghệ sản xuất loại cá này, sau đó, phổ biến công nghệ, giúp các cơ sở sản xuất giống có thể chủ động sản xuất và cung cấp giống cho người nuôi trong tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng đuôi đỏ; góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương”.

Thay đổi để hoàn thiện quy trình

Kỹ sư Lưu Quốc Thắng cho biết: Quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ tại Phú Yên chủ yếu dựa trên quy trình sản xuất được trung tâm tiếp nhận. Tuy nhiên, do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên giữa các vùng, miền nên nhóm thực hiện đề tài phải có sự điều chỉnh linh hoạt, giúp cá lăng đuôi đỏ phát triển tốt ở điều kiện tự nhiên của vùng đất Phú Yên.

Về cơ bản, quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ bắt đầu từ việc lựa chọn giống cá bố mẹ đạt chuẩn: khỏe mạnh, không dị hình, hoạt động nhanh nhẹn. Cá cái có bụng căng tròn, cảm giác mềm đều, khi lấy trứng ra đưa vào đĩa nước thấy trứng căng tròn, màu vàng trong suốt, rời rạc và có đường kính 2mm.

Cá đực có gai sinh dục dài và nổi màu ửng hồng ở đầu mút. Sau khi chọn được con giống phù hợp, các cán bộ kỹ thuật trung tâm tiến hành tiêm kích dục tố LHRH-A3 và DOMPERIDONE 1 lần cho cá đực và 3 lần cho cá cái với liều lượng và thời điểm tiêm phù hợp, sau đó thả cá vào lại trong bể phun nước có sục khí. Đợi đến lúc trứng cá chín thì tiến hành vuốt trứng cá cái và lấy tinh trùng cá đực để tiến hành thụ tinh nhân tạo.

Để thụ tinh nhân tạo giống cá lăng đuôi đỏ, các cán bộ kỹ thuật cho trứng và tinh trùng cá vào thau; dùng lông gà khuấy đều trứng trong 30 giây sau đó bổ sung thêm nước (30% nước so với lượng trứng) và tiếp tục khuấy đều trong 3 phút. Cho thêm 2 lít dung dịch Tanin (với liều lượng 8g/10 lít nước sạch), để khử dính trứng.

Gạn đổ dung dịch Tanin và rửa lại 2 lần bằng nước sạch. Lặp lại công việc khử dính 3 lần rồi cho trứng vào bình weis (dụng cụ ấp trứng cá) để ấp nở trứng cá. Trong quá trình ấp trứng cá, các kỹ thuật viên thường xuyên kiểm tra lưu lượng nước trong bình, hút trứng chết 5 đến 7 lần/ngày và vệ sinh thành bình.

Sau khi ấp trong bình weis từ 22 đến 24 giờ thì tiến hành kiểm tra trứng để dự báo thời điểm cá nở và chuẩn bị dụng cụ tiến hành thu cá bột, chuyển cá vào bể composite (1 m3/bể) với mực nước 30cm và mật độ thả 5.000 con/m3.

Tiến hành theo quy trình trên, nhóm thực hiện đề tài đã ươm thành công giống cá lăng đuôi đỏ. Từ giai đoạn cá bột, các kỹ thuật viên tiếp tục ương thành cá giống và vỗ béo cá để đưa ra thị trường.

Kỹ sư Lưu Quốc Thắng cho biết, khi đưa giống cá lăng đuôi đỏ về phát triển ở Phú Yên, nhóm thực hiện đề tài đã gặp phải những khó khăn nhất định như: điều kiện thời tiết, ao nuôi, môi trường nước, nhiệt độ đều có sự khác biệt lớn với vùng sông nước Nam Bộ…

Trong đó, khó khắc phục nhất là bệnh trên cá. Bệnh giun tròn ký sinh trong buồng trứng của cá mẹ làm cho trứng bị vỡ và thoái hóa, gần như mất khả năng thụ tinh; bệnh treo râu làm cá hoạt động kém và chết trong 1 đến 2 ngày sau khi nhiễm bệnh. Đây đều là các bệnh mới, tốc độ lây lan nhanh, gây hiệu quả nghiêm trọng nhưng trước đây chưa có tài liệu nào nói đến.

Để điều trị bệnh trên cá, các cán bộ kỹ thuật đã linh động cho cá sử dụng kháng sinh Amocillin, thuốc tẩy giun Fucacar, sản phẩm diệt ký sinh Hadaclean A với liều lượng thích hợp. Bên cạnh đó, những người thực hiện đề tài còn phải tiến hành giữ vệ sinh ao nuôi; vuốt bụng, xả trứng có giun và chuyển cá sang ao nuôi mới. Việc này làm giảm thiểu đáng kể bệnh trên cá, đồng thời giúp cá phát triển tốt hơn.

Cá lăng đuôi đỏ là vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao nên nhóm nghiên cứu kiến nghị cho tiếp tục mở rộng mô hình, nhằm đa dạng các đối tượng nuôi, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

4 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào Indonesia 4 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào Indonesia

Kể từ ngày 17/2/2016, các quốc gia, trong đó có Việt Nam muốn xuất khẩu thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật vào Indonesia phải thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu của nước này để xem xét, công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

23/09/2015
Bưởi có giá, nông dân phấn khởi Bưởi có giá, nông dân phấn khởi

Nhiều nhà vườn trồng bưởi trong tỉnh Trà Vinh đang rất phấn khởi, do giá bưởi luôn ở mức cao và ổn định, đặc biệt là hai loại bưởi da xanh và bưởi năm roi.

23/09/2015
Còn nhiều thách thức với ngành lúa gạo Còn nhiều thách thức với ngành lúa gạo

Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” hôm 22.9, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối cho biết (Bộ NNPTNT) cho biết, Việt Nam có 4,1 triệu ha đất trồng lúa.

23/09/2015
Nho chuỗi ngọc trong suốt giá 2 triệu đồng/kg là cây dại Nho chuỗi ngọc trong suốt giá 2 triệu đồng/kg là cây dại

Loại quả có cái tên tiếng Việt mỹ miều nho chuỗi ngọc trong suốt đang được rao giá 2 triệu đồng/kg thực chất là loại cây dại mọc trước sân nhà mỗi gia đình tại một số quốc gia.

23/09/2015
Tạo cơ nghiệp từ cây mãng cầu Xiêm Tạo cơ nghiệp từ cây mãng cầu Xiêm

Anh Lê Văn Gạo (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông) được nhiều nhà vườn ở trong và ngoài tỉnh biết đến với thành công từ việc mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mãng cầu Xiêm đạt hiệu quả kinh tế cao.

23/09/2015