Sẽ Sớm Ban Hành Chế Tài Xử Lý DN Bỏ Rơi Cánh Đồng Mẫu
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với NTNN về vụ việc doanh nghiệp ở Đồng Tháp không thu mua lúa cho nông dân dù đã ký kết hợp tác làm cánh đồng mẫu
Theo ông Ngọc, đây là một thực tế không thể tránh khỏi trong nền sản xuất nhỏ theo cơ chế thị trường và cơ quan chức năng đang từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật để quản lý.
Trước khi thử nghiệm làm cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở ĐBSCL, ông từng nói đã lường trước được các rủi ro. Thực tế đã có việc doanh nghiệp quay lưng với người nông dân tham gia sản xuất CĐML. Rủi ro này liệu có phải nằm ngoài dự tính ?
- Thực tế này đã được chúng tôi nhìn nhận và có những đánh giá xác đáng. Chính vì vậy, khi triển khai xây dựng CĐML, chúng tôi lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn sản xuất... như Công ty Phân bón Bình Điền (An Giang), Tổng Công ty Lương thực Miền Nam...
Đối với những doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, cần xử lý như thế nào ?
- Trước mắt cần phê phán các doanh nghiệp vi phạm, thiếu trách nhiệm với các nội dung đã cam kết, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp điển hình, điểm sáng trong việc cùng Nhà nước, nông dân thực hiện sản xuất CĐML. Hiện nay, chưa có chế tài xử lý những doanh nghiệp "xù" hợp đồng hay lật kèo người nông dân, vì thế sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất để sớm có những chế tài xử lý vi phạm. Đây là một "cuộc chiến" lâu dài, khá tốn kém, cần có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.
Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc có doanh nghiệp quay lưng lại với CĐML ?
- Tôi nghĩ số doanh nghiệp vi phạm không nhiều, chủ yếu là những doanh nghiệp không có đủ năng lực như thiếu máy sấy, kho chứa... nên khi thu hoạch rộ sẽ không thể bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân. Cũng có thể, doanh nghiệp chậm trễ thu mua nông sản để ép giá nông dân. Vì thế, đối với nông dân khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cần phải xem xét đến năng lực cũng như uy tín của doanh nghiệp để tránh được những rủi ro không đáng có.
Tuy nhiên, từ thực tế này cũng phải công bằng đánh giá nông dân đôi khi cũng gây sức ép với doanh nghiệp. Ngay khi Chính phủ có chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cũng đã xuất hiện hiện tượng nông dân găm hàng để chờ tăng giá.
Vậy cần giải pháp nào để đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân ?
- Trong tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay, theo tôi cần thiết và tập trung mạnh hơn cho tái đầu tư ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên tái đầu tư cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ trong việc xây dựng kho chứa, máy sấy... Đây là một bước đi đúng đắn, lâu dài và bền vững, tránh những hiện tượng doanh nghiệp "bỏ rơi" nông dân như hiện nay.
Ông Nguyễn Trí Ngọc
“Việc ký kết với doanh nghiệp làm CĐML 1 hay 2 mùa vụ còn tùy theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu quy trình, cơ cấu để có thể ký kết hợp đồng làm từ 2- 3 vụ”.
Có thể bạn quan tâm
Không ít nông sản đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bán với giá cả như sản xuất thường là một thực tế diễn ra tại rất nhiều hợp tác xã hiện nay. Nhưng đằng sau câu chuyện đầu ra, nhiều chuyên gia nhận định “cái được trước mắt là qua những buổi tập huấn làm theo quy trình, ít nhiều nông dân nhận thức được thế nào là sản xuất an toàn”.
Những năm qua, nông dân Sóc Trăng đã sử dụng giống lúa thơm dòng ST, đặc biệt là lúa ST5 đưa vào sản xuất với diện tích cao, trong đó có nhiều cánh đồng lớn sử dụng giống này. Do dễ trồng, cho năng suất và giá trị cao nên nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng giống lúa được công nhận cấp Quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua giá bán đã giảm nhiều, thậm chí nông dân còn không bán được lúa nên đã có nhiều nông dân bỏ sản xuất giống cấp Quốc gia.
Bí xanh giống Thiên Thanh 5 được cho là ít sâu bệnh, nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả/sào. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 10 – 13 nghìn đồng/kg, người trồng bí sẽ thu hơn 10 triệu đồng/sào.
Do không có thương lái đến thu mua nên sau khi thu hoạch xong đa phần bà con tự vận chuyển ra nhà máy để bán. Mía cân chỉ đạt từ 8 - 9 chữ đường, với giá 650 - 700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân trồng mía lỗ 700.000 - 800.000 đồng/công.
Vụ thu hoạch mía năm 2014 - 2015 đã bắt đầu hơn một tháng nay. Theo phản ánh của nông dân nhiều nơi, việc thu hoạch mía năm nay có nhanh hơn so với các năm trước, tâm lý sợ mía khô, sợ mía cháy của bà con nông dân cũng giảm bớt. Có điều - cũng theo lời bà con nông dân, cây mía hiện nay không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước nên không tạo được sự an tâm để nông dân có thể tiếp tục gắn bó với cây mía.