Sâu Hại Dữ Dội Hành Tím
Vụ hành 2014 nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt nguy cơ trắng tay vì sự tấn công của sâu bệnh hại hành.
Khác với không khí tất bật, hồ hởi trong những ngày thu hoạch rộ của những năm trước, vụ hành 2014 nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt nguy cơ trắng tay vì sự tấn công của sâu bệnh hại hành.
Sâu xanh da láng hại hành làm cho năng suất bị giảm, chất lượng hành thương phẩm cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí nhiều hộ phải bỏ hành không chăm sóc vì không thể cứu vãn được diện tích hành trước dịch bệnh được xem là bất thường trong hàng chục năm qua.
Vụ hành năm nay, nông dân Vĩnh Châu xuống giống được hơn 6.000 ha, đến nay diện tích hành bị ảnh hưởng đã lan ra hầu hết trên địa bàn thị xã với gần 1.000 ha bị sâu xanh da láng, ruồi đục hành, bọ trĩ, nấm phá hại. Trong đó phường 2 và các xã Lạc Hòa, Vĩnh Hải được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năng suất giảm từ 500 - 800 kg/công.
Theo nhiều hộ, từ khi trồng hành chưa lần nào họ gặp tình trạng sâu xanh da láng hại hành tăng đột biến như năm nay. Mỗi bụi có từ 20-30 con sâu, mỗi lá cũng có từ 3-5 con. Dù đã cố gắng phun xịt thuốc để diệt, nhưng sâu cũng không hề hấn gì. Vì chỉ sau một ngày phun thuốc là số lượng sâu xanh da láng và các loại sâu hại khác lại có dấu hiệu tăng lên gấp nhiều lần hơn nữa và đang có dấu hiệu “lờn thuốc”.
Sâu bệnh bắt đầu hại hành từ lúc 20 ngày tuổi trở đi, chúng tấn công lá rồi bắt đầu chui xuống củ và nằm lại trong đất nên việc phun xịt không có kết quả. Thậm chí, nhiều hộ dù đã thu hoạch và đang phơi hành để chờ thương lái đến cân nhưng vẫn phải “đau đầu” vì sâu chui vào trong củ ăn sạch sành sanh, giá bán tại rẫy chỉ đạt từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí và những thiệt hại do sâu hại gây ra, với người trồng hành mùa ở Vĩnh Châu năm nay, được huề vốn đã là may mắn.
Anh Sơn Sol, một người dân tại khóm Cà Lăng A Biển (phường 2, thị xã Vĩnh Châu) than thở: “Chưa năm nào mà sâu hại hành nhiều như năm nay cả, chỉ tính riêng phun thuốc sâu đã tốn gần cả triệu đồng trên diện tích 500 m2. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà chỉ 500 m2 trồng hành mùa, nhưng đến nay đành phải bỏ trắng không thu hoạch được vì sâu hại tấn công quá dữ”.
Không đến mức phải bỏ hành nhưng anh Sơn Thên, cùng ngụ khóm cũng lo ngay ngáy vì số lượng hành đã thu hoạch, đang phơi chờ bán vẫn đang bị sâu ăn củ. Theo anh, nhiều năm trước sâu hành cũng có, chỉ có từ 30-40 bụi/công nên dễ trị. Còn năm nay, càng phun xịt thuốc nhiều, sâu hại càng sinh sôi nhiều.
Trước tình trạng gia tăng bất thường của sâu hại trên hành mùa, ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng TX Vĩnh Châu cho biết: “Sâu bệnh hại cây hành đang diễn ra trên diện rộng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nguy cơ thiếu hành giống cho vụ SX kế tiếp là rất cao. Trước mắt, với diện tích bị nhiễm bệnh nặng, bà con hạn chế phun xịt thuốc vào những ngày nắng nóng và không pha nhiều loại thuốc trên một lần xịt, vì như thế không thể diệt được sâu hại mà chỉ làm cho chúng thêm nhờn thuốc dẫn đến khó trị về sau.
Đồng thời lựa thời điểm phun xịt vào những lúc trời mát, trời tối vì lúc đó sâu đã chui ra khỏi lá hành, việc phun thuốc sẽ phát huy được hiệu quả và đảm bảo an toàn cho hành thương phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Cây na (còn gọi là mãng cầu ta) là một trong những loại cây ăn quả dễ thích nghi với điều kiện môi trường nên đã được người dân một số địa phương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lựa chọn trồng xen trong vườn cà phê
Theo Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), hiện doanh nghiệp đã phát triển được 134 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ Certified good inside trên địa bàn Đồng Nai.
Khác với mọi năm đến thời điểm này, giá chanh đào xuống liên tục. So với đầu vụ, giá giảm gần một nửa. Nhiều hộ dân lo lắng cho tương lai của cây chanh đào. Liệu đây có phải là cây xóa đói - giảm nghèo nữa không?
Mới đây, 9 hộ dân trồng xoài 3 màu ở cù lao Giêng (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang) đã được công nhận VietGAP.
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá nho đỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang giảm mạnh. Thu nhập bị giảm sút, nhiều hộ nông dân trồng nho đang loay hoay “tính kế” phá nho đỏ để trồng các loại cây ngắn ngày... đơn cử tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).