Sau đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long hiệu quả nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát
Kết quả bước đầu
Hiện nay, diện tích cây thanh long của tỉnh Bình Thuận là 24.212 ha. Năm 2014, bệnh đốm nâu trên cây thanh long đã gây thiệt hại cho người trồng. Cụ thể, diện tích bị nhiễm bệnh đốm nâu cao nhất vào tháng 8 - 9/2014, lên đến 12.870 ha, chiếm 53,1% diện tích thanh long toàn tỉnh.
Do vậy, để tiêu diệt nguồn bệnh và hạn chế tối đa sự lây lan, cuối tháng 11/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động “Tháng hành động phòng chống bệnh hại thanh long” trên địa bàn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Tiếp đó, UBND tỉnh tiếp tục triển khai đợt cao điểm phòng, chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long trên địa bàn tỉnh, từ ngày 28/11/2014 đến ngày 30/3/2015.
Ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng phòng nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động, tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long đến bà con. Từ khi phát động đến nay, kết quả bước đầu khá tích cực. Cụ thể, diện tích thanh long mắc bệnh đốm nâu trong tháng 3/2015 còn 1.527 ha, giảm 5.051 ha so tháng 12/2014.
Sau đợt cao điểm, toàn tỉnh đã tổ chức vệ sinh vườn thanh long được 8.863 ha; tổ chức 192 lớp tập huấn với 10.678 cán bộ, nông dân tham gia; cấp phát 38.904 tờ rơi; cung ứng 878 gói chế phẩm BIO-ADB và thu gom, tiêu hủy 700 tấn cành, trái thanh long bị bệnh. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh vườn, xử lý cành, trái bị bệnh được các địa phương chú trọng.
Trong đó, một biện pháp khá hữu hiệu để phòng trừ bệnh đốm nâu là ủ cành thanh long bằng chế phẩm BIO-ADB đã được nông dân trồng thanh long trong tỉnh quan tâm, nhân rộng.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trong mùa mưa
Đây chính là nhận định của ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp tổng kết đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long diễn ra mới đây. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này một phần do nhiều nông dân có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa thật sự tin tưởng vào biện pháp phòng trừ bệnh của ngành nông nghiệp. Việc chỉ đạo triển khai các biện pháp kỹ thuật chưa đảm bảo tính đồng loạt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Khối lượng diện tích thu gom cắt tỉa cành chưa nhiều... Từ đó dẫn đến diện tích nhiễm bệnh ở mức thấp, nhưng không vững chắc, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn, nhất là trong mùa mưa sắp đến...
Do vậy, các địa phương trồng thanh long cần nhận thức rõ nguy cơ bùng phát bệnh đốm nâu. Mặt khác, tập trung chỉ đạo, triển khai đồng loạt quyết liệt, không được chủ quan, lơ là, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người trồng thanh long.
Theo Ban chỉ đạo phát triển thanh long bền vững tỉnh, các địa phương cần tiếp tục vận động các hộ trồng thanh long thực hiện ủ cành thanh long làm phân hữu cơ bằng chế phẩm BIO-ADB. Khắc phục tâm lý chủ quan của cán bộ, nhân dân còn trông chờ vào thuốc đặc trị bệnh... Qua đó góp phần phòng, chống bệnh đốm nâu hại thanh long đạt hiệu quả cao hơn nữa, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bùng phát trong mùa mưa tới.
Có thể bạn quan tâm
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông (Mastacembelus armatus) tại tỉnh Phú Thọ” bước đầu đạt được kết quả rất khả quan, góp phần lưu trữ nguồn gen, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và mở ra hướng mới để xóa nghèo cho người dân địa phương.
Diện tích ương nuôi cá tra giống tăng nhanh trong khi giá bán sụt giảm, gây khó khăn cho các hộ nuôi.
Ban chấp hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa thống nhất kiến nghị Chính phủ cho thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, dự kiến triển khai từ 15/3 đến 30/4/2012, khi đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ lúa đông-xuân
Nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL hầu như diễn ra quanh năm nhưng thường tăng cao vào các thời điểm thu hoạch lúa.
Hiện nay, ở huyện Cư M’Gar, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hộ mạnh dạn cưa đốn hàng nghìn ha cà phê vối hết chu kỳ kinh doanh, chọn chồi tái sinh để ghép chẻ nối ngọn bằng các dòng cà phê vô tính chọn lọc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình anh Ama Nghé, ở xã Ea Tur là một điển hình với 1 ha cà phê sau khi cưa đốn chọn chồi tái sinh và ghép chẻ nối ngọn đã cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.