Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗ lực cứu con tôm

Nỗ lực cứu con tôm
Ngày đăng: 17/11/2015

Tại nhiều nơi, tỷ lệ hộ nuôi thua lỗ tới 80%, một con số báo động.

Thua lỗ trên diện rộng

Chỉ tay về hướng cánh đồng tôm đìu hiu với hàng loạt chòi canh hoang vắng không người trông coi, ông Trần Văn Tài, 62 tuổi, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), thở dài:

“Hết rồi chú ơi, con tôm bây giờ bê bết quá, càng nuôi càng lỗ khiến người dân nợ ngập đầu.

Mà ở xứ ven biển này, nếu không nuôi tôm biết làm gì để sống”.

Theo ông Tài, những năm 2000 khi người dân ở đây mới bắt đầu nuôi tôm, nhờ đất mới, nguồn nước tốt… nên liên tục trúng mùa.

Bản thân ông và nhiều hộ xung quanh không ngừng mở rộng diện tích nuôi, đồng thời dồn hết kỳ vọng vào con tôm.

Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái khi tôm nuôi bắt đầu bị bệnh và chết hàng loạt, dù trị đủ các loại thuốc vẫn không hết.

Những năm 2010, 2011, 2012… dịch bệnh nhiều hơn, có hộ thả đi thả lại 3 - 4 đợt nhưng tôm chết cứ chết, thiệt hại chất chồng.

“Do tôm nuôi chết nhiều quá nên 2 năm qua tôi chỉ nuôi vài ao cầm chừng, còn mấy ao khác tạm thời bỏ không cho cá tự nhiên sinh sống…”, ông Tài bộc bạch.

Thu hoạch tôm thẻ ở Sóc Trăng do dịch bệnh và giá thấp, người nuôi không có lời

Ông Huỳnh Văn Vũ, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), nhìn nhận: “Từ đầu năm 2015 đến nay, nếu 10 hộ nuôi tôm thì có tới 8 - 9 hộ thua lỗ, chỉ 1 - 2 hộ hòa vốn hoặc lãi chút đỉnh.

Gia đình tôi có vay ngân hàng 30 triệu đồng để nuôi tôm và nợ kéo dài tới hơn 10 năm chưa trả hết…”.

Tại Bến Tre, hàng loạt hộ nuôi tôm cũng đứng ngồi không yên vì dịch bệnh.

Ông Lê Văn Tú, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, lắc đầu: “Vụ rồi tôi thả 3 ao tôm trên diện tích hơn 1ha.

Khi tôm được 1 tháng tuổi thì bị bệnh đường ruột chết la liệt, tổn thất nửa tỷ đồng.

Nhiều hộ lân cận cũng bị tương tự khiến ai nấy cũng buồn”.

Theo ông Phạm Văn Quắn, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), ngoài dịch bệnh thì giá tôm cũng dao động ở mức thấp.

Tôm thẻ loại 100 con/kg giá có 80.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá chỉ 140.000 đồng/kg… khiến nông dân thiệt trăm bề.

Liên kết tìm lối ra

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn, ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu nhìn nhận, thời con tôm “lên đời” qua rồi, nay đi đâu cũng nghe con tôm “ăn sổ đỏ, ăn đất, nuốt tài sản” của dân… rất đau lòng.

Trong khi người nuôi lâm nợ thì ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng nỗ lực tìm nguyên nhân để có hướng khắc phục… Hàng loạt cuộc hội thảo, kể cả mời chuyên gia nước ngoài đến ĐBSCL tìm hiểu bệnh tôm và cách phòng trị, nhưng mọi việc chưa có lối ra.

Là người có kinh nghiệm, ông Võ Hồng Ngoãn hiến kế “cứu” con tôm: Phải mạnh dạn xóa tình trạng mạnh ai nấy làm, nuôi tràn lan không theo quy hoạch, thời vụ và cần liên kết lại thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã.

Trên cơ sở đó thống nhất lịch thả giống, chăm sóc, thu hoạch.

Trong thời gian nuôi, nếu ao tôm hộ nào bị nhiễm bệnh phải thông báo cho các hộ xung quanh biết để phòng tránh lây lan.

Thay đổi thói quen thả tôm sú mật độ dày để chuyển sang nuôi thưa nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiểu dịch bệnh và tăng chất lượng con tôm.

Trước mắt, không nên mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, mà tăng cường mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng, tôm lúa, tôm cua xen canh… để tái tạo lại môi trường.

Ông Ngoãn lưu ý, 2 vấn đề quan trọng quyết định thành bại của nghề nuôi tôm là con giống và môi trường; nếu con giống tốt nhưng môi trường ô nhiễm thì nuôi sẽ không hiệu quả, ngược lại môi trường đảm bảo mà con giống bị nhiễm bệnh thì người nuôi cũng thua.

“Chúng tôi đang đề xuất liên kết giữa nông dân với các trại tôm giống, doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng trong mô hình nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm.

Trước mắt đã có một số trại giống đồng ý liên kết theo cách: Trại giống hỗ trợ trong 2 tháng đầu đối với tôm sú giống và 1 tháng tôm thẻ giống; trong thời hạn này nếu xảy ra dịch bệnh, trại giống không thu tiền nhằm chia sẻ rủi ro với người nuôi.

Cách làm này cần mở rộng với doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung cấp thức ăn… nhằm nâng cao cộng đồng trách nhiệm cùng nông dân trong việc phát triển bền vững con tôm”, ông Ngoãn đề xuất.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 tỷ USD thì mặt hàng tôm đóng góp hơn 3 tỷ USD.

Năm 2014, mặt hàng tôm tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục khi đóng góp tới 4,1 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu chung 7,9 tỷ USD của ngành thủy sản.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay xuất khẩu tôm gặp khó khăn, hầu hết các thị trường chính đều giảm nhập khẩu; lo ngại nhất là hàng loạt lô hàng tôm bị nhiều nước cảnh báo, trả về do nhiễm kháng sinh.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD.

Hiện ngành tôm đang nỗ lực “làm mới” để vượt khó và kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2016.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình thâm canh cây điều, cây xoài tại Phù Cát cho năng suất, hiệu quả cao Mô hình thâm canh cây điều, cây xoài tại Phù Cát cho năng suất, hiệu quả cao

Ngày 19.5, tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Sở NN&PTNT phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tổ chức hội nghị đầu bờ tham quan mô hình thâm canh cây điều, cây xoài và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới tiết kiệm, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả các loại cây trồng.

21/05/2015
Đề xuất nâng hàm lượng ẩm trong cá tra lên tối đa 84,1% Đề xuất nâng hàm lượng ẩm trong cá tra lên tối đa 84,1%

Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Thủy sản vừa đề xuất nâng hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu lên mức tối đa là 84,1%, thay vì 83% như đã quy định trước đó tại nghị định cá tra.

22/05/2015
Giá xuống thấp, hàng ngàn ha cao su bị chặt bỏ Giá xuống thấp, hàng ngàn ha cao su bị chặt bỏ

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, hơn 1.800 ha cao su đã bị chặt hạ. Riêng huyện Bù Đốp đã có tới gần 400 ha cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây tiêu và điều.

22/05/2015
Hành tím Vĩnh Châu tăng giá gấp 5 lần, xuất hiện nạn găm hàng Hành tím Vĩnh Châu tăng giá gấp 5 lần, xuất hiện nạn găm hàng

Những ngày qua, giá hành tím tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bắt đầu tăng trở lại hơn gấp 5 lần so với trước khi “giải cứu”. Đã xuất hiện tình trạng găm hàng chờ giá cao.

22/05/2015
Hỗ trợ tối đa cho vải thiều xuất ngoại Hỗ trợ tối đa cho vải thiều xuất ngoại

Ngày 21/5, tiếp tục chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu (XK) vải thiều tại tỉnh Lạng Sơn nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa tiêu thụ vải thiều.

22/05/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.