Sâu Bệnh Hại Dừa
Sự phá hại của sâu, bệnh và động vật là một trong những yếu tố chính làm giảm năng suất dừa ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như ở các nước trồng dừa trên thế giới. Người ta tìm thấy có trên 150 loài sâu bệnh gây hại các bộ phận khác nhau trên cây dừa như thân, lá, hoa, trái. Tuy nhiên, trong số nầy chỉ có một số loài gây hại trầm trọng và có thể làm chết cây dừa. Trong bài nầy sẽ giới thiệu một số loại côn trùng, động vật và một số loại bệnh gây hại quan trọng cũng như có thể làm chết cây dừa.
I. Côn trùng và động vật hại dừa:
1. Bọ dừa (Brontispa longissima Gestro): Bọ dừa hay còn gọi là bọ cánh cứng xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 1999 và phát triển nhanh thành dịch gây hại trên qui mô rộng khắp các tỉnh phía nam.
a. Mô tả: Bọ cánh cứng trải qua 4 giai đoạn phát triển là trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng. Bọ có kích thước từ 9-10mm, ngang 2-2,25mm, râu dài 2,75mm, có tập tính hoạt động về đêm. Vòng đời của bọ cánh cứng từ 130-135 ngày. Con cái bắt đầu đẻ trứng khi được 2 tuần tuổi và nó có thể đẻ đến 120 trứng trong suốt vòng đời. Giai đoạn gây hại của bọ cánh cứng là giai đoạn ấu trùng và thành trùng. Thành trùng gây hại nặng hơn ấu trùng. (Hình 1 và 2)
Hình 1: Bọ dừa
Hình 2: Vòng đời Bọ dừa
b. Tác hại: Thành trùng và ấu trùng bọ cánh cứng tấn công bề mặt của lá chét chưa mở. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô, mất khả năng quang hợp. Tùy thuộc vào mức độ gây hại mà hoa cái bị rụng, không đậu trái hoặc đậu rất ít, năng suất giảm. Cây dừa bị bọ cánh cứng tấn công dễ dàng nhận biết bởi các lá ngọn bị cháy khô, lá chét cong queo (Hình 3).
Hình 3: Lá cháy khô
c. Phòng trừ:
- Biện pháp cơ học: Chăm sóc tốt cây dừa để rút ngắn thời gian nở bung bó lá ngọn, hạn chế môi trường sinh sản của bọ cánh cứng và tăng sức đề kháng cho cây; cắt bỏ, tiêu hủy lá bị bọ cánh cứng tấn công. Đối với những cây dừa con trong vườn ươm và dừa mới trồng với số lượng ít nên bắt thủ công.
- Biện pháp hóa học: Dùng thuốc Ambush phun 4 tuần 1 lần. Để phòng sự tấn công của bọ cánh cứng lên cây dừa con sắp trồng nên nhúng cây con vào dung dịch Ambush và khuấy đều dung dịch phun lên bề mặt lá trước khi chuyển ra trồng: 3g Ambush + 15g chất kết dính Agral, pha vào 15 lít nước. Dùng 21g Padan 95WP, Furadan 3G hoặc Basudin 10H trộn với 80g mạt cưa túm vào bao vải mỏng treo ở ngọn cây đạt hiệu quả cao và hiệu quả có thể kéo dài đến 90 ngày. Dùng Vicarb 95BHN dưới dạng bột đựng trong bao giấy xốp đặt lên ngọn dừa, thuốc sẽ xông hơi lưu dẫn lên đọt dừa trong nhiều tuần, đạt kết quả cao và hạn chế ô nhiễm môi trường. Dùng Actara bơm vào thân cây dừa, cách gốc dừa 1-1,5m. Đục lổ nghiêng 45 độ, sâu khoảng 3-4cm, bơm thuốc, dùng đất sét bít lỗ lại.
- Biện pháp đấu tranh sinh học: Dùng ong ký sinh (Asecodes hispinarum), loài ong này có kích thước rất nhỏ, có màu đen, hút mật hoa và khi đẻ trứng nó cố gắng đẻ vào bên trong cơ thể nhộng của bọ cánh cứng và cuối cùng tiêu diệt nhộng, thế hệ ong ký sinh mới bắt đầu sau 3 tuần. Quần thể ong ký sinh phát triển sẽ khống chế sự phát triển của quần thể bọ cánh cứng ở một mức độ thấp không gây hại cho cây dừa. (Hình 4)
Hình 4: Ong Ký sinh
2. Kiến vương (Oryctes rhinoceros L.): Kiến vương là một loại côn trùng phổ biến và gây thiệt hại nhiều nhất cho cây dừa. Thành trùng tấn công cây dừa ở đủ mọi lứa tuổi, ăn các lá non đang phát triển, đục vào chồi và đỉnh tăng trưởng của dừa, trường hợp nặng có thể gây chết cây dừa.
a. Mô tả: Kiến vương trải qua 4 giai đoạn phát triển: trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng:
- Trứng: Kiến vương đẻ trứng trong những thân dừa và gốc dừa mục, ẩm, đống rác, phân trâu bò, rơm mục, thân bắp, lá mía… Trứng có hình tròn, màu trắng, có đường kính từ 3-4mm. Sau 7-18 ngày trứng phát triển thành ấu trùng.
- Ấu trùng: Ấu trùng kiến vương có màu trắng đục, thường gập cong thân lại với đầu màu nâu và mang 3 đôi chân. Ấu trùng phát triển đầy đủ có kích thước từ 60-105mm (Hình 5).
Hình 5: Ấu trùng kiến vương
Kiến vương trải qua giai đoạn ấu trùng trong khoảng từ 80-130 ngày tại nơi trứng được đẻ ra.
- Nhộng: Nhộng có màu nâu nhạt, được bao phủ bởi một cái kén làm từ đất và xơ dừa. Nhộng phát triển trong kén từ 14-29 ngày.
- Thành trùng: Đây là giai đoạn gây hại của kiến vương. Thành trùng có màu đen hơi nâu với 1 cái sừng tương đối dài ở trên đầu cong về phía sau (Hình 6).
Hình 6: Thành trùng kiến vương
Thành trùng có thể sống được 4 tháng. Một con cái có thể đẻ từ 70-140 trứng. Kiến vương thường ăn chồi và lá chưa tách trong bó lá ngọn.
b. Tác hại: Đối với cây dưới 1 năm tuổi kiến vương luôn tấn công vào gốc của cây nơi thân còn đủ mềm. Trong một vài trường hợp, kiến vương cũng chui qua đất để khoét vào thân cây. Trong trường hợp này có thể phòng bằng cách rải thuốc trừ sâu trộn vào lớp đất mặt. Đối với cây dừa trưởng thành kiến vương tấn công vào bó lá ngọn và đỉnh tăng trưởng của cây dừa. Vì vậy khi lá mọc ra có hình tam giác và lá chét bị cắt có hình răng lược. Nếu liên tục bị tấn công cây sẽ mất sức phát triển do bộ lá bị hư hại, nhưng nguy hiểm nhất chính là đuông, nấm sẽ xâm nhập vào thân dừa qua chổ vết thương do kiến vương gây ra.
c. Biện pháp phòng trừ: Để phòng trị kiến vương hại dừa có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Vệ sinh vườn: Vệ sinh cây không để chổ cho kiến vương gây hại. Kiểm tra định kỳ, bắt bằng tay. Dọn dẹp hoặc đốt những đống rác, thân, lá dừa hoai mục,.. không tạo môi trường cho kiến vương đẻ trứng.
- Áp dụng các biện pháp đấu tranh sinh học: Nấm Metarhizium anisopliae (MA) hoặc vi khuẩn Baculovirus.
- Dùng thuốc hóa học: Đầu mùa mưa nên rãi Padan 90WP, Servin 85 WP, Basudin 10H vào bẹ lá để ngừa sự phá hại của kiến vương. Khi cây dừa đã bị kiến vương tấn công có thể bỏ các loại thuốc hạt như Basudin 10H vào hang sau đó dùng đất sét trét lại.
- Trồng cây bảo vệ: Trồng xen cây họ đậu thân đứng trên các dãy phân lô hoặc các hàng bảo vệ trên vườn dừa để cản đường bay và xâm nhập của kiến vương.
3. Đuông (Rhynchophorus ferruginenus O.): Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công đọt non, đến khi phát hiện ra thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá hủy, cây dừa chết mà không thể cứu được. Ngoài ra, đối với cây còn tơ hay cây sắp vươn lóng đuông cũng có thễ tấn công ở gốc thân. Nhìn chung, cây dừa từ 2-15 năm tuổi đều có thể bị đuông tấn công nhưng cây dừa từ 3-6 năm tuổi là giai đoạn bắt đầu hình thành gốc và thân thì dễ bị tấn công hơn.
a. Mô tả: Vòng đời của đuông dừa trải qua 4 giai đoạn là trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng. Trong đó, chỉ có ấu trùng gây hại cây dừa.
- Trứng: Một con đuông cái có thể đẻ trung bình 240 trứng, trứng nở sau 3-5 ngày. Nó đẻ trứng trên vết nứt, nơi bị tổn thương của thân và ngọn cây gây ra bởi con người, động vật khác hoặc côn trùng, ví dụ như kiến vương... Trứng có màu kem và hơi dài.
- Ấu trùng: Giai đoạn gây hại của đuông. Ấu trùng có màu kem, đàn hồi và dài, không chân với đầu màu nâu (Hình 7).
Hình 7: Ấu trùng Đuông
Ấu trùng ăn cây dừa để sống trong vòng 50 ngày.
- Nhộng: Nhộng nằm trong 1 cái kén làm bằng mô gỗ dừa (phần mềm gần vỏ cây). Sau 19 ngày phát triển thành thành trùng.
- Thành trùng: Có màu nâu hơi đỏ hoặc màu đen. Có một cái sừng dài với mũi sừng hơi cong xuống (Hình 8 và 9). Thành trùng sống đuợc 3-4 tháng. Vòng đời của đuông là 195 ngày từ trứng đến khi trưởng thành, sau đó chết.
Hình 9: Thành trùng Đuông
b. Tác hại: Con đuông trưởng thành đẻ trứng trên thân bị thương tích và trên những vết nứt của thân. Khi trứng nở, ấu trùng khoét những lổ nhỏ trên thân hoặc trên ngọn cây. Chúng ăn và lột xác theo mọi hướng thậm chí khoét những lổ lớn và sâu hơn. Những điểm bị đuông tấn công thường để lại xác bả của các mô gổ dừa và nhựa màu nâu hơi đỏ. Khi ấu trùng bắt đầu tấn công và ăn đọt dừa (đỉnh sinh trưởng), những lá non bắt đầu héo và ngã xuống, báo hiệu cây dừa sắp chết.
c. Biện pháp phòng trừ: Khi xác định chính xác những điểm tấn công của đuông trên cây dừa. Có thể tiến hành phòng trừ bằng cách khoan sâu vào thân cây khoảng 10-25cm hướng lệch xuống 15cm bên trên vùng bị tấn công. Có thể khoan 1- 2 lổ ở mỗi điểm bị đuông tấn công. Sau đó cho vào lổ khoan các loại thuốc trừ sâu như Basudin. Bịt kín lỗ lại bằng đất sét. Sau 3-4 ngày, kiểm tra hiệu quả của thuốc bằng cách kề tai vào thân dừa, nếu vẫn nghe tiếng rạo rạo và nhựa mới từ thân tiếp tục chảy ra thì nên xử lý thuốc lại lần hai, nếu đuông đã chết không còn gây hại thì có thể dùng đất sét bịt kín lỗ lại hay hàn kín các lỗ lại vĩnh viễn bằng một mãnh gỗ có chiều rộng và chiều sâu hơi lớn hơn kích thước của lỗ. Thêm vào đó lắp các lỗ lại và sơn các vết sẹo thân bằng một loại bột than. Nhằm ngăn cản sự tấn công của đuông cần tránh những tổn thương trên thân dừa, là nơi tạo chổ đẻ trứng cho đuông. Dùng bột than để sơn lên các vết thương của cây con. Kiểm soát kiến vương bởi vì các điểm tấn công của kiến vương có thể trở thành nơi đẻ trứng cho đuông. Đốn và đốt những cây dừa đã bị ảnh hưởng nặng của đuông và giết những côn trùng ở tất cả những giai đoạn khác nhau. Loại bỏ xác cây dừa non, gốc dừa đã chết, nơi có thể trở thành chổ đẻ trứng của đuông. Thăm đồng và kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời sự xuất hiện của đuông. Bắt đuông và các côn trùng gây hại khác ở giai đoạn phá hoại chủ yếu của chúng và sơn phủ các vết sơn bằng một lớp bột than.
4. Sâu nái (Parasa lepida): Khác với con bọ dừa, sâu nái ăn lá dừa già, trường hợp gây hại nặng tán lá trở nên xơ xác, cây không quang hợp được dẫn đến giảm năng suất dừa.
a. Mô tả: Sâu nái trưởng thành đẻ trứng riêng lẻ hoặc thành từng ổ trứng ở mặt dưới của lá chét. Trứng trơn láng có hình tròn hoặc hình bầu dục. Vỏ trứng trong suốt, dưới kính hiển vi có thể nhìn thấy sự phát triển của ấu trùng bên trong xuyên qua vỏ trứng. Ấu trùng của sâu nái có thể được phân thành hai nhóm chính dựa trên sự khác biệt về mặt hình thái. Cả hai loại sâu đều kéo kén tròn, dai trong 1-2 ngày. Chúng rất khác nhau trong cấu trúc, màu sắc và vị trí của kén. Bướm trưởng thành luôn chui ra khỏi kén vào buổi chiều. Nó cần khoảng 1-2 giờ để bướm chui hoàn toàn ra khỏi kén và làm khô đôi cánh. Bướm rất tích cực vào ban đêm và bị thu hút bởi ánh sáng nên có thể diệt bướm bằng cách dùng bẩy. Bướm không ăn và phần miệng không phát triển. Con cái mang đầy trứng khi chui ra khỏi kén. Giai đoạn thành trùng thường rất ngắn. (Hình 10 và 11)
Hình 10: Sâu nái
Hình 11: Sâu nái
b. Tác hại: Giai đoạn ấu trùng là giai đoạn phá hoại chủ yếu của loài sâu này. Ở giai đoạn đầu ấu trùng ăn lớp biểu bì bên dưới của lá. Đến khi già chúng ăn toàn bộ phiến lá chỉ để lại gân lá. Nếu gây hại nặng ấu trùng có thể làm rụng lá.
c. Biện pháp phòng trừ: Phòng trừ sâu nái rất khó khăn, đặc biệt đối với các cây dừa cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp sau đây có thể giảm tối thiểu tác hại của sâu nái:
- Biện pháp đấu tranh sinh học: Sử dụng côn trùng ký sinh như là ruồi (tachinids) và ong bắp cày (Hymenopterans) giảm tối thiểu sự gây hại của sâu nái. Chúng đẻ trứng trên ấu trùng và nhộng của sâu nái. Khi những con sâu non nhô ra khỏi trứng, sẽ làm mồi cho những con côn trùng ký sinh này.
- Kiểm soát môi trường canh tác: Sử dụng máy kéo để cày xới đất tiêu diệt các kén của loài sâu này.
- Biện pháp cơ học: Đối với dừa nhỏ, bắt và giết các con sâu không gây ngứa và kén của nó để giảm quần thể sâu nái đến một mức độ không gây hại kinh tế cho dừa. Những con bướm trưởng thành là những côn trùng bay đêm, chúng bị thu hút bởi ánh sáng. Vì vậy, dùng bẫy ánh sáng là một giải pháp có hiệu quả. Các bẫy này có thể được cài đặt ở ngoài đồng khi các con bướm trưởng thành bắt đầu chui ra khỏi kén. Đặt khoảng 10 bẫy đèn cho 1ha là hợp lý.
- Biện pháp hóa học: Thuốc trừ sâu chỉ được khuyến cáo đối với các cây dừa nhỏ. Mặc dù kỹ thuật hấp thụ qua rễ đối với thuốc trừ sâu Azodrin có thể được áp dụng, nhưng nhìn chung dùng thuốc hóa học để trừ sâu nái là không kinh tế.
5. Chuột (Ratus):
a. Tác hại: Ở vùng không có nước ngọt trong mùa khô như vùng gần biển, thiệt hại do chuột gây ra có thể lên đến 30-40%. Chuột cắn phá rễ, trái dừa trong vườn ươm, cây dừa mới trồng và khoét trái trên quày. Chuột thường gây hại nặng ở những vườn ươm um tùm nhiều cỏ. Chuột tấn công nhiều nhất ở trái dừa từ 2-6 tháng tuổi. Chuột đục khóet ở phần mềm gần cuống để ăn cơm dừa và uống nước (Hình 12 và 13).
Hình 12: Chuột hại dừa
Hình 13: Trái dừa bị Chuột khoét
b) Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh vườn và tán dừa để phá nơi trú ẩn của chuột.
- Đặt vòng thiếc hoặc nhựa trơn láng rộng 40cm bao quanh thân dừa cách gốc dừa 2m ở các cây dừa không giao tán (Hình 14).
Hình 14: Đặt vòng thiếc trên thân dừa
Tuy nhiên biện pháp đặt vòng thiếc sẽ kém hiệu quả ở những vườn trồng quá dày hay có nhiều cây tạp trong vườn.
- Dùng thuốc hóa học: dùng bã độc phosphor kẽm theo tỉ lệ 19 phần mồi và 1 phần thuốc, trộn đều làm thành bánh 200g đặt ở gốc hay ngọn cây.
- Bẫy chuột bằng các bẫy ống tre, bẫy lồng.
II. Bệnh hại dừa:
1. Bệnh đốm lá: Đây là bệnh thường gặp trên cây dừa. Bệnh gây ra bởi hai loại nấm là Pestalozzia palmarum Cke và Helminthosorium sp.. Triệu chứng gây hại đầu tiên của nấm P. palmarum là lá xuất hiện những đốm vàng, sau lớn dần thành vết cháy hình bầu dục, ở giữa có màu xám nhạt, bên ngoài có viền nâu đậm và một quần màu xanh. Khi các đốm cháy nối liền nhau tạo thành vết cháy lớn hơn (Hình 15).
Hình 15: Bệnh đóm lá
Đầu và bìa lá chét bị khô cháy. Triệu chứng gây hại do nấm Helminthosporium sp. gây ra đầu tiên là những đốm nhỏ có màu nâu. Các đốm lớn dần và liên kết lại với nhau làm cho lá bị khô, cháy (Lê Ngọc Thạch và Trần Văn Hâu, 1999). Bệnh thường xuất hiện ở những vùng bị thiếu kali. Bệnh gây thiệt hại nhiều ở cây con. Bệnh làm giảm khả năng quang hợp nên cây con chậm phát triển. Ở cây lớn, bệnh làm cây chậm cho trái hay giảm năng suất dừa. Nên bón phân Kali cho dừa đặc biệt là ở vườn ươm cây con để giúp cây ít nhiễm bệnh và mau cho trái.
2. Bệnh thối đọt (Phytophthora palmivora Butler): Nấm gây hại cây dừa bằng cách tấn công vào đỉnh sinh trưởng làm cho củ hủ bị thối, cây không sinh trưởng được nữa và sẽ chết sau khi các lá già khô và rụng (Hình 16).
Hình 16: Đọt dừa thối
Cây chết sau 3-5 tháng bị nhiễm bệnh. Cây dừa bị bệnh thối đọt mới nhìn rất giống như cây bị đuông tấn công, tuy nhiên quan sát kỹ sẽ không thấy ấu trùng của đuông dừa nhưng có mùi thối rất khó chịu. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có ẩm độ cao. Bệnh rất khó trị vì thường phát hiện chậm, khi đỉnh sinh trưởng đã bị tấn công. Nên đốn và tiêu hủy cây bị bệnh để tránh sự lây lan, đặc biệt là các cây trồng xen như ca cao, tiêu. Nếu phát hiện sớm có thể xử lý bằng các loại thuốc gốc đồng, Aliette hay Ridomil.
3. Nứt, rụng trái: Nứt, rụng trái có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như sự tấn công của nấm Fusarium sp., do thiếu Kali, do thiếu nước hoặc ngập úng. Do đó tùy theo nguyên nhân gây ra mà có biện pháp phòng trị thích hợp. Tuy nhiên, việc tưới cho dừa trong mùa nắng, tránh bị ngập úng trong mùa mưa, bón phân hữu cơ hàng năm làm cho đất tơi xốp, bón phân cân đối đặc biệt là phân Kali hoặc rãi muối hột vào các bẹ lá 1-2 lần/năm là những biện pháp có thể hạn chế hiện tượng nứt, rụng trái trên dừa. (Hình 17)
Hình 17: Nứt trái
Có thể bạn quan tâm
Thạc sĩ Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam - cho biết, trong tháng tám này sẽ phối hợp với các tỉnh sử dụng một loài ong ký sinh (có tên khoa học là Asecodes hispinariem) để tiêu diệt bọ dừa. Đây là số ong được trung tâm và Trường ĐH Nông lâm
Bổ đôi quả dừa sáp (hay dừa đặc ruột) sẽ thấy lớp cơm dừa bên trong đặc quánh giống như sáp, với độ dầu cao và mùi hương đặc trưng. Nếu trồng chung với loại dừa không đặc ruột thì tỷ lệ dừa đặc ruột chỉ chiếm 20 - 25%.
Mởi bàn con tham khảo cách trừ sâu đuông cho dừa của Sở Khoa Học Công Nghệ Tỉnh Bến Tre.
Đi ngang qua một vườn dừa, dân tay ngang không thể phân biệt được cây nào sẽ cho trái dừa sáp- đặc sản " độc nhất vô nhị" của Cầu Kè (Trà Vinh). Thậm chí trên một buồng trái cũng khó nhận ra trái dừa sáp đặc ruột và những trái không được gọi là dừa sáp. Riêng ông Thạch Chia, 82 tuổi, không chỉ có thể phân biệt được dừa sáp mà còn biết rất rõ cội nguồn của giống này.
Chiều 18-12, thạc sĩ Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết biện pháp dùng ong ký sinh Asecodes hispinarum để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa được áp dụng từ năm 2003 đến nay đã mang lại hiệu quả rất cao.