Giống Trôi Nổi, Cản Trở Người Dân Tái Canh Cà Phê

Rất nhiều nguồn giống trôi nổi, không được kiểm soát chất lượng, đã được người nông dân Di Linh (Lâm Đồng) mua về trong thời gian gần đây, để cải tạo diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp. Kết quả, năng suất của các loại giống mới chỉ tương đương, đôi khi còn thấp hơn giống cũ, dù đã được các cơ sở cung cấp giống hứa hẹn và đảm bảo.
Rất nhiều người dân đã lựa chọn phải nguồn giống cà phê trôi nổi không được đảm bảo chất lượng, gây khó khăn cho việc tái canh cà phê
Thực hiện chương trình tái canh cà phê, hiện nay địa phương đã cung ứng đủ nguồn giống có chất lượng, vấn đề đặt ra lúc này là bà con nông dân cần phải lựa chọn nguồn giống có nguồn gốc để thực hiện chương trình tái canh có hiệu quả!
Ông Phạm Văn Chu - thôn Hàng Hải, xã Gung Ré (huyện Di Linh) có 5 ha cà phê trồng từ năm 1995. 3 năm trước, khi toàn bộ diện tích cà phê trên của gia đình đã già cỗi, năng suất đạt thấp, nghe theo lời giới thiệu của một số hộ trồng cà phê trong vùng, ông đã mua mầm giống cà phê của một cơ sở cung cấp giống trên địa bàn huyện về ghép cải tạo.
Sau một thời gian dài chăm sóc với rất nhiều hy vọng, tuy nhiên kết quả lại hoàn toàn không được như ông mong muốn. "Gia đình tôi rất thất vọng, bởi giống mới cho năng suất không hơn diện tích cà phê già cỗi là bao nhiêu", ông Chu chán nản nói.
Cũng giống như gia đình ông Phạm Văn Chu, khi chương trình tái canh cà phê còn mang tính tự phát, một số hộ dân ở xã Gung Ré đã mua phải giống trôi nổi để cải tạo diện tích cà phê già cỗi của gia đình. Có một điểm chung dễ nhận thấy từ việc ghép giống trôi nổi này đó là năng suất, sản lượng của cây cà phê ghép chỉ tương đương và thậm chí còn thấp hơn so với cây cà phê cũ.
Ông Lưu Văn Bảo – Xã Gung Ré, huyện Di Linh, một nạn nhân của loại giống không rõ nguồn gốc cho biết: " Các loại giống mới có sự phát triển rất nhanh, thân to, tán rộng, nhìn rất đẹp, tuy nhiên trái ra không đều và rất ít quả như thường lệ.
Đối với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, hiện nay bà con nông dân ở huyện Di Linh và các vùng cà phê trong tỉnh đang tái canh theo 2 hình thức đó là ghép cải tạo, trồng mới bằng cây thực sinh và trồng cây ghép.
Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tái canh cà phê, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn ở hai chi nhánh Hòa Ninh và Di Linh đã giải ngân cho vay với thời gian và lãi suất ưu đãi trên 71 tỷ 600 triệu đồng. Ngoài việc giải ngân đúng đối tượng, điều mà các ngân hàng quan tâm nhất lúc này đó là vấn đề lựa chọn nguồn giống để tái canh cà phê.
Ông Phạm Cao Lanh – GĐ Ngân hàng NNPTNT Di Linh cho biết: "Giống trong việc tái canh cà phê có một yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại đến năng suất mùa vụ, cũng như công sức của người trồng. Khi giải ngân cho vay vốn, chúng tôi cũng đã rất quan tâm và khuyến cáo bà con nên chọn lựa những cơ sở sản xuất giống có thương hiệu để đảm bảo.
Tuy nhiên, chúng tôi không phải là cơ quan chuyên môn về sản xuất nông nghiệp, đồng thời một số hộ dân vẫn mua giống theo kiểu từng nhóm tự phát nên kết quả đạt được không như mong đợi".
Là địa phương có diện tích cà phê lớn của Lâm Đồng, huyện Di Linh hiện có 4 cơ sở được Sở NN&PTNT tỉnh thông báo tiếp nhận công bố tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm, 12 điểm bán cây giống cho các cơ sở sản xuất giống trong và ngoài huyện cùng một số hộ dân tự ươm để trồng và bán với số lượng từ 1,5 đến 2 triệu cây giống. Ngoài các cơ sở nêu trên, hiện nay ở Di Linh còn có 5 vườn cây đầu dòng và 20 vườn nhân chồi đã được cơ quan chuyên môn chứng nhận cung ứng khoảng 900.000 chồi/năm.
Tuy nhiên, theo ông Trần Nhật Thi – Phó phòng NN&PTNT huyện Di Linh thì: "Dù đã công bố các cơ sở đủ tiêu chuẩn, được cơ quan chuyên môn chứng nhận cho đông đảo người dân, tuy nhiên rất nhiều người vì chủ quan, vì ngại tìm hiểu, ngại di chuyển đến nơi mua giống nên vẫn bị một số cơ sở giống tự phát, trôi nổi ngoài thị trường dụ dỗ, kết quả là "tiền mất tật mang". Cũng theo ông Thi, để thực hiện chương trình tái canh cà phê, hiện nay huyện đã có đủ nguồn giống chất lượng để cung ứng, vấn đề đặt ra là bà con nông dân cần phải lựa chọn nguồn giống có nguồn gốc, qua đó thực hiện chương trình tái canh có hiệu quả.
Ở bất kỳ thời điểm nào, giống luôn là một trong bốn yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến năng suất, sản lượng của cây trồng. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung quan tâm, tạo điều kiện để nhân dân tái canh, cải tạo diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp thông qua rất nhiều chương hỗ trợ.
Để chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực như mong đợi, vấn đề quản lý nguồn giống và hướng dẫn để nhân dân sử dụng nguồn giống có chất lượng là yêu cầu mang tính cấp thiết đối với các ban, ngành hữu quan.
Có thể bạn quan tâm

Cụ thể, hơn 730ha chè bị nhiễm rầy xanh, tỷ lệ hại trung bình 2,5 - 5% nơi cao 6 - 15%, búp bị hại; 635ha bị hại bởi bọ cánh tơ, tỷ lệ hại trung bình 3,1 - 6,5%, nơi cao 10 - 15% búp bị hại; diện tích chè bị ảnh hưởng bởi bọ xít muỗi là 310, tỷ lệ hại trung bình 1,6 - 3,5%, nơi cao 5 - 12% búp bị hại.

Vì vậy, để bảo vệ và khai thác hợp lý loài vọp, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III - Nha Trang (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, phân bố và đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý loài vọp Geloina coaxans (Gmelin, 1791) ở Bến Tre. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh nghiệm thu.

Tham gia LMSX có 50 hộ xã viên HTXNN 2 Cát Hanh với diện tích canh tác 52,65 ha. Với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp (DA CTNN) tỉnh thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, các nông hộ tham gia liên minh đã áp dụng tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ xoài theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các nhà xuất khẩu trái cây Việt tìm cách lách vào thị trường nước ngoài qua vụ nghịch để tránh cạnh tranh trực tiếp với trái cây các nước trên thị trường thế giới, tuy nhiên, điều này dễ dẫn tới bảo hòa của thị trường trái cây.

Vừa đọc được tin trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngay ngày hôm sau tôi đã mò lên Bắc Giang để đi thăm cơ sở nuôi vịt trời đầu tiên ở Việt Nam. Đây là trại nuôi vịt trời của anh Tô Quang Dần ở bên hồ Cây Đa, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.