Sản Xuất Nhỏ, Hiệu Quả Cao
Chỉ với 500m2 rau xanh, bình quân mỗi tháng anh Huỳnh Văn Hương (trong ảnh), thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn thu được gần 4 triệu đồng.
Sẵn có mảnh đất vườn bỏ trống, năm 2011, anh Hương cải tạo trồng rau xanh. Ban đầu làm vườn chỉ nhằm mục đích tìm thú vui những lúc nhàn rỗi, cải thiện bữa ăn gia đình, nên anh chỉ trồng vài luống rau cải. Cứ mỗi sáng sớm, thay vì chạy bộ tập thể dục, anh xuống sông Ông xách nước tưới rau.
Công việc không mệt nhọc, lại rèn luyện sức khỏe dẻo dai nên anh tăng dần diện tích. Lượng rau sản xuất được cũng ngày càng nhiều, không những đủ ăn cho gia đình mà còn dư biếu người thân, hàng xóm. Nhiều người nể tấm lòng “thơm thảo” của anh nên mỗi lần nhận rau không quên gửi lại ít tiền để anh có điều kiện “tái đầu tư sản xuất”.
Thấy nhu cầu sử dụng rau sạch của bà con ngày càng cao, nên đầu năm 2012 anh Hương quyết định mở rộng diện tích lên 500m2, sản xuất đại trà nhiều loại rau khác nhau cung cấp cho thị trường. Với phương châm đảm bảo rau sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên anh chú trọng làm đất tơi xốp, nhổ sạch cỏ dại, rải vôi xử lý mầm bệnh, bón phân hữu cơ vi sinh trước khi gieo hạt giống.
Từ khi xuống giống cho đến ngày thu hoạch (khoảng 25 ngày) anh Hương không bón thêm một loại phân nào, chỉ dùng nước sạch tưới, giữ độ ẩm hợp lý cho đất. Số lần tưới trong ngày tùy theo thời tiết. Trời nắng nóng mỗi ngày tưới 3 lần, trời dịu mát ngày tưới 2 lần.
Nhờ có nguồn nước sạch dồi dào từ sông Ông nên vườn rau của anh quanh năm xanh tốt. Thời điểm trước, trong và sau Tết Quý Tỵ- 2013 anh xuất ra thị trường hàng tấn rau sạch, thu về khoản tiền khá lớn. Anh Hương, thổ lộ: Mô hình trồng rau sạch trong vườn nhà rất phù hợp với những nông dân thiếu đất sản xuất, đặc biệt là chi phí đầu tư thấp nên hộ nào cũng có thể thực hiện được.
Từ sản xuất có hiệu quả, anh Huỳnh Văn Hương đang dự định mở rộng thêm diện tích vườn rau, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Có khá nhiều hộ dân sống dọc hai bờ sông Ông đến tham quan vườn rau của anh, học hỏi kinh nghiệm làm theo.
Có thể bạn quan tâm
Tại Hậu Giang, giá cam sành mua tại vườn đã giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2013. Nếu mua xô, cam sành giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, cam loại 1 giá 9.000 - 10.000 đồng/kg; cam mật có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Riêng cam xoàn có giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg so cùng kỳ và giảm trên 10.000 đồng so với vụ nghịch.
Những năm gần đây, nhiều người trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã tiến hành bao trái xoài từ khi trái còn non. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu chống côn trùng gây hại và nâng cao chất lượng quả.
Nguồn thanh long đưa về hai chợ đầu mối này chủ yếu là của Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, sau đó chuyển đi tiêu thụ ở các chợ nội thành hay khu vực lân cận. Còn tại Hà Nội, hiện cũng có hai chợ đầu mối gồm Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (Khu đô thị Đền Lừ) và chợ đầu mối Long Biên.
Theo định hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tỉnh ta xác định cơ giới hóa sản xuất là một trong những khâu then chốt, nhằm giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Phan Thanh Sơn, ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội (TX. Cai Lậy) được người dân nơi đây biết đến bởi sự cần cù, siêng năng, chịu khó. Từ 2 bàn tay trắng, đến nay ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, nhờ mô hình nuôi gà nòi thả vườn.