Sản Xuất Giống Tôm Thẻ Chân Trắng Tại Cà Mau Cơ Hội Tốt Cho Người Nuôi Tôm
Công ty Giống thuỷ sản Thảo Nguyên - Tôm Sinh Thái là công ty giống duy nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh tiếp cận công nghệ sản xuất tôm thẻ chân trắng hiện đại trên địa bàn huyện Năm Căn. Đây là cơ hội mở ra hướng đi mới cho ngành sản xuất tôm giống của tỉnh Cà Mau.
Chỉ qua hơn 2 tháng công ty đã cung cấp trên 30 triệu post thẻ chất lượng phục vụ cho người dân nuôi tôm công nghiệp (NTCN) Cà Mau. Việc tại Cà Mau sản xuất được giống tôm thẻ chân trắng cho vùng nuôi tôm trọng điểm, diện tích, sản lượng lớn nhất của cả nước là một điều phấn khởi.
Hướng mới cho nghề sản xuất tôm giống
Là vùng trọng điểm về nuôi tôm, nhưng đến nay con giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu cho người nuôi, còn lại là phải nhập ngoài tỉnh. Hiện nay nhu cầu tôm giống thẻ chân trắng phục vụ NTCN rất lớn. Ðể phát huy hết năng lực của trên 800 trại sản xuất tôm giống trong tỉnh, tiến đến tự chủ động cung cấp về số lượng cũng như nâng cao chất lượng tôm giống cho người dân thả nuôi là vấn đề nan giải của ngành chức năng Cà Mau từ nhiều năm qua, đặc biệt đối với tôm thẻ chân trắng.
Ông Trương Quốc Duẩn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, nhận định: “Trong toàn huyện có 268 trại sản xuất tôm giống, có 4 hợp tác xã và 4 công ty, nhưng 100% sản xuất tôm sú giống truyền thống và chỉ có 50% đạt tiêu chuẩn sạch bệnh qua xét nghiệm.
Hiện nay, Công ty Giống thuỷ sản Thảo Nguyên - Tôm Sinh Thái đã chủ động đưa công nghệ mới vào sản xuất tôm thẻ chân trắng. Qua 2 tháng sản xuất đã mang lại thành công. Ðây là thành công lớn cho ngành sản xuất tôm giống trong huyện, giúp các cơ sở có thêm lựa chọn đối tượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thả nuôi của người dân”.
Công ty Giống thuỷ sản Thảo Nguyên - Tôm Sinh Thái toạ lạc trên Quốc lộ 1A, ấp Chống Mỹ B, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn. Công ty có trên 400 bể ương, khu nuôi vỗ tôm bố mẹ, khu ao lắng và xử lý nước được đầu tư với quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu sản xuất trên 150 triệu post sú và 200 triệu post thẻ chân trắng/năm.
Công ty đã cho ra đời những mẻ tôm giống thẻ chân trắng “Made in Cà Mau” chất lượng đầu tiên cung cấp cho người dân NTCN trong tỉnh. Qua đây cho thấy, sự tiếp nhận công nghệ và sản xuất thành công giống tôm thẻ chân trắng của công ty đã đánh dấu sự khởi đầu một hướng đi mới cho ngành sản xuất tôm giống của Cà Mau nói chung và huyện Năm Căn nói riêng.
Ông Trần Văn Thoại, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: “Lúc đầu anh em công ty cũng lo người dân quen mua tôm ngoài tỉnh nên không bán được hàng. Nhưng kết quả của vụ nuôi đầu được khách hàng phản hồi cho năng suất và sản lượng cao, nay khách hàng rất tín nhiệm tôm thẻ mà công ty sản xuất. Và hiện tại tôm thẻ sản xuất tại trại chỉ đáp ứng được 40% khách hàng truyền thống của công ty”.
Đáp ứng được yêu cầu chất lượng
Ông Bùi Kim Luyến, Giám đốc Công ty, cho biết, do sản xuất tại địa phương nên các yếu tố môi trường như độ mặn bảo đảm phù hợp cho người dân thả nuôi; thời gian vận chuyển chỉ mất 1-2 giờ nên nhiều khách hàng nhận định tôm khoẻ, đạt đầu con và mau lớn.
Ðể đáp ứng cho người dân NTCN trong tỉnh, công ty đang mở rộng quy mô, nhập tôm bố mẹ từ Hawaii để sản xuất cung ứng cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Tính, ấp Rạch Dược, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, là một trong nhiều khách hàng mua tôm giống thẻ chân trắng của công ty, cho biết: “Sau 4 năm nuôi thẻ chân trắng, tôi nhận thấy, tôm giống thẻ chân trắng của Công ty Giống thuỷ sản Thảo Nguyên - Tôm Sinh Thái lớn nhanh hơn tôm giống mua ngoài tỉnh từ 10-15 ngày. Với tốc độ tăng trưởng tôm được 60 ngày tuổi đạt trong lượng 88 con/kg như hiện nay thì các công ty khác khó mà đạt được”.
Ðược biết, song song với nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu thì trang thiết bị phục vụ cho sản xuất là rất quan trọng. Công ty đang đầu tư nhiều thiết bị tiên tiến và đủ đáp ứng cho sản xuất. Ðây là yếu tố góp phần cho sự thành công của công ty hiện nay.
Bà Luyến cho biết thêm: “Ðể đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty đang đầu tư thêm trang thiết bị, đặc biệt là thiết bị lọc nước, thiết bị kiểm tra nước trong bể ương; xử lý môi trường bể ương hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học… để tiếp tục cho ra những lô tôm giống thẻ chân trắng chất lượng hơn nữa cung cấp cho khách hàng”.
Ông Trương Quốc Duẩn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: "Ðây là một thành công lớn mở đường cho các trại sản xuất tôm sú giống trong tỉnh có đủ năng lực, quy mô chuyển sang sản xuất tôm thẻ chân trắng. Góp phần giảm áp lực thiếu giống thẻ chân trắng cung cấp cho người NTCN Cà Mau, để không phụ thuộc nhập 100% giống thẻ chân trắng tỉnh ngoài như trước đây”.
Cùng kết hợp thực hiện đề án quy hoạch sản xuất tôm giống tập trung, đề án nâng cao chất lượng tôm giống của tỉnh, sự đầu tư nâng cấp các trại có quy mô lớn đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị, ứng dụng các quy trình sản xuất tôm giống chất lượng cao, tôm giống sạch bệnh… thì tin rằng ngành sản xuất tôm giống Cà Mau, đặc biệt trên tôm thẻ chân trắng sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng phục vụ cho nghề nuôi tôm của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù mới được nhà vườn ở Lai Vung (Đồng Tháp) trồng vài năm gần đây nhưng diện tích quýt đường của huyện đang tăng đột biến và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, diện tích quýt đường trên địa bàn hiện ước khoảng 1.200ha, trong khi cuối năm 2012 diện tích chưa tới 300ha.
30 năm đổi mới trong lĩnh vực xuất khẩu đã mang lại những kết quả bất ngờ. Riêng trong giai đoạn 2006 - 2015, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với những tác động từ cắt giảm thuế quan, mở rộng thị trường, dòng vốn FDI gia tăng dẫn đến việc tăng mạnh các sản phẩm công nghiệp chế biến, kích thích tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình hàng năm trên 17%.
Trong đó, ngoài việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, trung tâm cũng đã vận động, thông báo cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở trong và ngoài tỉnh.
Quá nửa đời gắn bó với nghề nông một nắng hai sương, lão nông Đinh Cương (thôn 1-xã An Phú-TP. Pleiku) vẫn chưa một ngày thôi trăn trở tìm cho mình một hướng đi mới, con đường mới với ước mong cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cây dâu tây vốn không xa lạ với người dân Phố núi nhưng để trồng dâu tây thương phẩm thì gần như ông Cương mới là người đầu tiên dám nghĩ, dám làm…
Nhận định mùa Đông năm nay, thời tiết, khí hậu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với các hiện tượng như: sương muối, băng tuyết... gây khó khăn trong việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Nếu không chuẩn bị chu đáo có thể ảnh hưởng lớn đến việc phát triển chăn nuôi gia súc, gây thiệt hại nặng nhất là ở các xã vùng núi đá cao như Lũng Cú, Lũng Táo, Phố Bảng.