Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Trên Ruộng Muối Ở Diễn Vạn

Nuôi Cá Trên Ruộng Muối Ở Diễn Vạn
Ngày đăng: 18/06/2014

Vốn là vùng đất sản xuất muối kém hiệu quả, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, đến nay nhiều hộ dân ở Diễn Vạn - Diễn Châu đã vươn lên thoát nghèo.

Men theo con đường uốn lượn rợp bóng dừa, chúng tôi tìm về  vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất của xã Diễn Vạn - Diễn Châu. Mênh mông là những ao đầm nuôi cá nước ngọt, nuôi cá nước lợ được ngăn cách thành từng ao nuôi như những ô bàn cờ trông thật đẹp mắt.

Bao đời nay diêm dân Diễn Hải bám biển làm nguồn sống, từ những giọt nước mặn mòi của biển cả, cùng với mồ hôi, nước mắt của mình, người dân đã cô thành những hạt muối để mưu sinh. Gắn bó với nghề cực nhọc trăm bề nhưng bao đời nay diêm dân vẫn nghèo do giá muối quá rẻ. Nhưng nay họ đã đổi đời từ chính ruộng muối năm xưa…

Chúng tôi ghé thăm trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Ngọc Hà ở xóm Trung Phú. Anh Hà cho biết: Khi nhận được chủ trương chuyển đổi đồng muối sang nuôi trồng thủy sản, cụ thể là nuôi cá nước ngọt và nước lợ thì ai cũng đồng ý ngay. Sau khi xã quy hoạch và giao trên 7000 m2 từ đất muối, tôi đã phải quy hoạch riêng diện tích của mình thật phù hợp. Vừa nuôi cá, vừa tận dụng để nuôi lợn, nuôi vịt tăng thêm thu nhập.

Nói thì dễ nhưng để đào được ao cá với diện tích lớn không phải dễ, trong khi gia đình mấy đời làm muối chẳng có vốn liếng tích trữ. Để “lấy ngắn nuôi dài” trước tiên vợ chồng anh quyết định đầu tư làm chuồng nuôi lợn thịt. Vừa nuôi lợn, anh vừa đào ao thả cá, sau 5 tháng đã đào được 2 ao nuôi cá.

May mắn là năm đầu nuôi hàng chục con lợn thịt, “được mùa”, “được giá” kết hợp thu nhập từ vài ao cá, anh đã dành dụm được ít vốn thuê máy múc hoàn thiện hệ thống ao nuôi theo quy hoạch. Tính đến thời điểm này anh thuộc diện đầu tư quy mô lớn nhất nhì vùng nuôi cá.

Tổng diện tích 7000 m2 đất thì đã hình thành được hơn 5000 m2 ao nuôi cá, chia thành 4 ao nuôi, đầu tư kè đá tất cả các ao trị giá trên 600 triệu đồng. Mỗi đợt anh thả từ 250 - 300 kg cá giống các loại, bao gồm cá trắm, cá mè, rô phi, trê phi. Ao cá ở đây thu hoạch xen tỉa quanh năm. Riêng thu từ cá trên 220 triệu đồng/năm. Ngoài ra anh còn thu từ lợn thịt khoảng 3 - 4 tấn lợn thịt/năm, giá bán 40 triệu đồng/tấn, doanh thu khoảng 120 triệu đồng.

Tổng doanh thu đạt khoảng trên 350 triệu đồng/năm. Trong năm nay anh Hà đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng nhà hàng ngay tại khuôn viên nuôi cá, đáp ứng nhu cầu khách hàng với các món đặc sản sẵn có ở trong trại như cá nướng, vịt quay…

Bên cạnh đó là mô hình gia trại của ông Nguyễn Văn Sửu. Ông Sửu cho hay: Với diện tích 5.500 m2 trước đây làm muối thu nhập bấp bênh mỗi năm chỉ được chừng 5 - 7 triệu đồng/3 lao động. Năm 2008, gia đình cải tạo nuôi cá trên 3000 m2 mặt nước, chia ra làm 3 ao nuôi.

Năm đầu tiên thất bại do đây vốn là vùng làm muối, triều cường tràn vào khiến cá chết. Nhưng tôi không nản, tập trung tiếp tục cải tạo nâng cao bờ ao không cho nước mặn thâm nhập. Được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách 16 triệu đồng, tôi đầu tư mua con giống để thả. Từ chỗ mỗi năm cho từ 1-1,2 tấn cá thì nay thu trên 5 tấn cá các loại/ năm.

Thức ăn cho cá khá thuận lợi, ngoài thức ăn tổng hợp, các loại cá nước ngọt như mè, trôi, chép, trắm còn rất “khoái” nguồn thức ăn tận dụng sẵn có như cỏ, bèo, chuối, cám… Tính tổng thu nhập từ cá và chăn nuôi đạt doanh thu trên 200 triệu đồng/năm.

Thu nhập chưa phải là lớn lắm nhưng đối với diêm dân làm muối như chúng tôi như vậy là mãn nguyện rồi. Tại vùng nuôi cá nước ngọt còn nhiều hộ dân khác đầu tư quy mô đạt được doanh thu lớn như hộ Nguyễn Kha đầu tư nuôi trên 16.000 m2 mặt nước, bình quân thu từ 14-16 tấn cá/năm.

Ngoài nuôi cá nước ngọt, tại xóm Trung Hậu - Diễn Vạn còn được quy hoạch nuôi cá nước lợ. Ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ nhiệm HTX Vạn Thành cho biết: Trước đây vùng quy hoạch nuôi cá nước lợ được một số hộ dân sử dụng sang nuôi tôm, tuy nhiên, do nguồn nước chưa đảm bảo, nguồn tôm giống không ổn định nên thất bại. Vì thế hầu hết các hộ đều đã chuyển sang nuôi cá vược.

Từ năm 2012 - 2014 có 3 mô hình nuôi cá vược được Sở KH&CN, UBND huyện Diễn Châu hỗ trợ 90 triệu đồng mua cá giống và thức ăn, riêng trong năm 2012 huyện Diễn Châu hỗ trợ 50 triệu đồng cho 16 hộ để phát triển nuôi cá vược. Được sự hỗ trợ của Nhà nước và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên mấy năm nay nghề nuôi cá vược ở Diễn Vạn phát triển ổn định.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Lài nuôi với quy mô 3.000 m2 khoảng 1.500 con, qua hơn 7 tháng nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, sản lượng đạt từ 1,5 - 1,8 tấn, bán với giá từ 120.000 - 130 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng. Hộ ông Quang Minh nuôi với quy mô trên 2000 m2, thả trên 1.800 con giống, mỗi đợt thu hoạch tính ra lãi từ 35 - 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm: Đến thời điểm này HTX Vạn Thành có 62 hộ nuôi cá nước ngọt, cá nước lợ, trên tổng diện tích hơn 20 ha, (trong đó 42 hộ nuôi cá nước lợ, 20 hộ nuôi cá nước ngọt). Hiệu quả từ việc chuyển đổi đất muối sang nuôi trồng thủy sản đã rõ.

Không chỉ thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả của người dân mà còn giúp bà con nâng cao năng suất lao động, tạo được nguồn thu nhập ổn định hàng năm, sớm trở thành nghề làm giàu của bà con Diễn Vạn. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như, hiện tại nguồn nước nuôi cá nước ngọt thiếu trầm trọng, do nằm ở vùng cuối nguồn, chủ yếu người nuôi phải “nhờ trời” nếu không mưa nước ngọt khan hiếm, gây thiếu nước cá sẽ chết.

Khi trời đổ mưa phải tổ chức đắp chặn tràn Diễn Hải để lấy nước vào vùng nuôi cá. Đối với vùng nuôi cá nước ngọt bà con đang rất cần được Nhà nước cho vay các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt là cần được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh dẫn lấy nước từ tràn xã Diễn Hải về để bà con chủ động nguồn nước nuôi cá, yên tâm sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Thương Lái Trung Quốc Hóa Du Khách Mua Cua Biển Thương Lái Trung Quốc Hóa Du Khách Mua Cua Biển

Nhiều thương lái Trung Quốc tiếp tục lách luật, núp bóng danh nghĩa khách du lịch có thời hạn để thu gom cua biển tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ban đầu, họ tạo uy tín qua việc chi trả sòng phẳng.

03/01/2013
Hỗ Trợ Phát Triển Giống Cây Trồng, Vật Nuôi Hỗ Trợ Phát Triển Giống Cây Trồng, Vật Nuôi

Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...

27/06/2013
Giá Ớt Biến Động Bất Thường Giá Ớt Biến Động Bất Thường

Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có khoảng 100 ha chuyên trồng các giống ớt chỉ thiên, F1 Đài Loan, Thái Lan xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở các xã Hà Thanh, Nguyên Giáp, Minh Đức.

06/06/2013
Mô Hình Nuôi Ba Ba Đạt Hiệu Quả Ở Đồng Tháp Mô Hình Nuôi Ba Ba Đạt Hiệu Quả Ở Đồng Tháp

Là địa phương nằm ven sông Hậu, có nguồn nước ngọt quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi con ba ba. Từ điều kiện đó, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đưa ra mô hình nuôi ba ba để các hộ nghèo ở địa phương có điều kiện làm kinh tế.

05/01/2013
“Vua” Của Những Nông Sản Khổng Lồ “Vua” Của Những Nông Sản Khổng Lồ

Khoai mỡ nặng từ 15 đến 60 kg, buồng chuối xiêm 40 nải, đu đủ dài quá khổ... là những sản vật vườn nhà của nông dân Nguyễn Hoàng Oanh ở tỉnh Sóc Trăng.

27/06/2013