Sản Xuất Cà Phê Theo Hướng Bền Vững Ở Đắk Mil
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil thì việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cây cà phê theo hướng bền vững trên địa bàn huyện đang được xem là một giải pháp lâu dài và hết sức cần thiết. Người dân cũng đã dần tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Qua số liệu thống kê, hiện nay, toàn huyện đã có 2 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác và 522 hộ gia đình tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn (4C, UTZ, Fairtrade…), với diện tích hơn 1.400 ha.
Trong đó, Công ty Cà phê Đức Lập với quy mô 150 hộ tham gia, diện tích hơn 320 ha; Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng, xã Thuận An với 110 hộ tham gia, diện tích 230,4 ha; xã Đức Mạnh có 15 tổ hợp tác với 160 hộ tham gia, diện tích hơn 610 ha; xã Đắk Lao có 102 hộ tham gia, với diện tích 250 ha.
Ngoài ra, qua 3 năm thực hiện đề án và chương trình tái canh cây cà phê, toàn huyện cũng đã ghép cải tạo và tái canh được gần 696 ha. Trong đó, riêng năm 2014, huyện đã tổ chức gieo ươm giống cà phê và tiến hành cấp phát được 106.000 cây giống cà phê cho nhân dân trên địa bàn trồng tái canh trên diện tích là 106 ha.
Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã thực hiện ghép cải tạo thay giống cũ năng suất thấp, kích cỡ hạt bé, bị bệnh rỉ sắt nặng bằng các giống cà phê cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9… với tổng diện tích ghép cải tạo được là hơn 164 ha.
Nhiều nơi cũng đã tiến hành nhổ bỏ những vườn cà phê già cỗi trên 20 năm, bị sâu bệnh, cho năng suất thấp; đồng thời, xử lý đất và trồng thay thế bằng giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng kháng bệnh cao, với tổng diện tích là hơn 531 ha. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng đã được người dân chú trọng.
Đơn cử như trong việc sử dụng phân bón cũng đã được một số hộ dân áp dụng theo phương pháp bón phân theo độ phì của đất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người dân…
Cũng theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, huyện vẫn có khoảng 30% số hộ thu hoạch cà phê với tỷ lệ chín mới đạt 70%. Tỷ lệ cà phê xanh cao sẽ làm cho chất lượng cà phê nhân bị ảnh hưởng, giá bán sẽ thấp hơn, thu nhập của nông dân cũng bị giảm theo.
Người dân cũng chưa chú trọng đến biện pháp luân canh cây cà phê với các loại cây trồng cải tạo đất khác trên một diện tích đất nên đã làm cho đất ngày càng bị bạc màu, thoái hóa và trở nên cằn cỗi. Ngoài ra, do kỹ thuật canh tác của người dân hạn chế cũng đã dẫn đến hiện tượng cây cà phê chín không đồng đều...
Để nâng cao hơn nữa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cây cà phê theo hướng bền vững, trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các giải pháp quản lý kỹ thuật tổng hợp cho cây cà phê; đồng thời, tổ chức hội thảo, tập huấn để giúp người nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, với phương châm: “3 giảm, 3 phải, 3 tăng” (giảm phân bón - nước tưới - thuốc bảo vệ thực vật; phải trồng mới bằng giống chất lượng tốt - phải trồng cây che bóng - phải thu hoạch đúng độ chín; tăng thu nhập - chất lượng - hiệu quả).
Huyện cũng sẽ phối hợp với ngành chức năng trong việc quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất cà phê bền vững tại các xã có diện tích trồng cây cà phê lớn, tập trung. Việc liên kết với các tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững cũng sẽ được địa phương đẩy mạnh, nhằm phát triển cây cà phê theo hướng bền vững và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa...
Có thể bạn quan tâm
Sáng 27/10, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất, Công ty CP công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức hội nghị “Tổng kết, đánh giá kết quả mô hình sử dụng phân bón NPKSilic Tiến Nông trên cây lúa”.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thông qua công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các đề tài liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
Từng học chuyên ngành xã hội nhưng lại đam mê với sản xuất, kinh doanh nên Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Nam Anh đã mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại nấm với quy mô lớn, trong đó có đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý.
Theo Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), vụ thu hoạch năm nay, năng suất mía tại cánh đồng lớn dự kiến đạt từ 90 - 100 tấn/hécta, tăng khoảng 40 tấn/hécta so với năng suất cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả các loại lên gần 3.000 ha trong đó chủ lực là cây dừa với diện tích khoảng 2.400 ha, còn lại là các loại cấy ăn quả có giá trị khác như: thanh long, cây có múi…