Sơn Hà Oằn Mình Với Khô Hạn

Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng qua khiến cho 700ha diện tích đất nông nghiệp ở huyện miền núi Sơn Hà bị hạn nặng, 500ha đất bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới.
“Bò cười, người khóc”
Quan sát nhiều cánh đồng ở huyện Sơn Hà, hình ảnh đập mắt chúng tôi là những ruộng lúa và hoa màu đang trong tình trạng vàng úa vì thiếu nước, đất ruộng nứt nẻ. Vụ hè thu năm nay, mặc dù đã được báo động trước tình trạng khô hạn với những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng nhưng rất nhiều người dân đều không ngờ khô hạn lại khốc liệt đến vậy.
Ánh mắt bần thần, ngồi nhìn ra cánh đồng Đèo Gió, xã Sơn Hạ, ông Nguyễn Thái Bình, 53 tuổi tặc lưỡi: “Ở thôn Đèo Gió, quanh năm làm nông nghiệp chỉ trông chờ vào nước trời nên tình trạng đất ruộng khô hạn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, chưa thấy năm nào như năm nay. Lúa cháy hết, sắp tới phải đi chạy gạo ăn rồi.”
Đang trong mùa cao điểm lúa chuẩn bị làm đòng nhưng trên cánh đồng chỉ thưa thớt vài bóng người. Cặm cụi nhổ từng bụi cỏ cháy vàng trong ruộng, bà Đinh Thị Ê, 45 tuổi, thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ cảm thấy xót xa khi 6 sào lúa cùng một màu vàng úa và đang héo dần. Tất cả tiền bạc đổ dồn cho vụ hè thu “cháy” theo nắng hạn.
“Nếu khoảng 10 ngày tới mà không có mưa xuống thì lúa, hoa màu sẽ cháy hết. Lúa cháy, chỉ còn cách vứt cho trâu, bò ăn. Sào ruộng nào may mắn có chút nước trời thì năng suất cũng không đủ bù lỗ chi phí phân bón, giống, công thuê cày bừa. Nắng rát thế này, người “sống” còn không nổi làm sao lúa sống cho nổi”, bà Đinh Thị Ê thở dài.
“Còn nước còn tát”, nhiều người dân cũng đang hết sức tiết kiệm, dè xẻn, chỉ tưới đủ ẩm để chờ mưa. Dù đã cố gắng hết sức nhưng diện tích lúa bị khô héo cứ ngày càng tăng dần, những diện tích còn lại nếu cầm cự được đến cuối vụ thì năng suất cũng chẳng đáng là bao vì cây lúa không được “no nước” khi trỗ, nên tỷ lệ hạt lép sẽ rất cao.
Ông Đinh Văn Ngoan, Chủ tịch xã Sơn Hạ chia sẻ: Trước mắt, ở những thôn có nước, chỉ có giải pháp vận động bà con nạo vét kênh mương, đắp đập bỗi để “vớt vát” được phần nào. Những thôn phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời chỉ còn cách chờ mưa.
Điều đáng nói, ngoài những diện tích đất lúa đã gieo sạ bị khô nứt nẻ, đất bị bỏ hoang vì thiếu nước, có những cánh đồng đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây hoa màu cũng bị khô héo, bên cạnh những kênh, mương khô khốc.
Đất bỏ hoang
Theo báo cáo sơ bộ của Phòng NN & PTNT huyện Sơn Hà, tính đến nay, tổng diện tích đất gieo sạ vụ hè thu khoảng 2.000ha. Trong đó, diện tích bị hạn là 700ha, trong số này có 200ha bị mất trắng. Còn diện tích không gieo sạ được, phải bỏ hoang đã lên đến 500ha.
Khô hạn hoành hành, cộng với việc các hồ chứa nước trong huyện cạn kiệt, chỉ còn khoảng 40% so với dung tích thiết kế, khiến cho nhiều diện tích lúa, hoa màu bị cháy. Thê thảm hơn, trải dài các cánh đồng, không ít đồng ruộng nằm phơi mình dưới nắng mặc cho cỏ mọc, trâu bò đến gặm. Một số nơi, đồng ruộng đang là sân bóng lý tưởng cho thanh niên trong vùng.
Ông Trần Văn Phương, thôn Trường Khai, xã Sơn Hạ nghẹn ngào cho biết, mọi năm, giờ này đồng ruộng xanh um. Thế nhưng vụ hè thu này, “vắt” không ra nước, có gieo trồng cũng không thu được gì. Nhà có hai sào ruộng mà trời cũng không thương, đành phải bỏ hoang vậy.
Tại các xã khác lọt vào "top" khô hạn nặng ở huyện Sơn Hà như Sơn Thành, Sơn Giang, Sơn Thượng, Sơn Thủy tình trạng khô hạn kéo dài, đất bỏ hoang đã làm cho nhiều người nhấp nhỏm, đứng ngồi không yên.
Ông Đinh Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy than thở: Tại Sơn Thủy, nắng nóng kéo dài, hai đập thủy lợi chính là Làng Rò và Tà Bi năm nay đều không có nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp khiến cho khoảng 60ha đất nông nghiệp bị khô hạn và 6ha bị bỏ hoang hoàn toàn.
Hiện nay thời tiết vẫn đang tiếp tục nắng nóng, diện tích lúa và hoa màu bị khô héo, đất bỏ hoang đang tăng lên từng ngày và cuộc sống của người dân đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Huyện cũng đang dồn mọi nỗ lực để chống hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do khô hạn gây ra.
Trao đổi với phóng viên, bà Đồng Nhật Thẳm, Phó Phòng NN & PTNT huyện cho biết: Trước tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, huyện cũng đã tức tốc thành lập đoàn kiểm tra đến các công trình thủy lợi của từng từng địa phương, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình nắng hạn, thiếu nước và diện tích các vùng bị hạn để tập trung chống hạn kịp thời. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí thủy lợi phí để sửa chữa kịp thời các kênh, mương, đập bỗi để đảm bảo nguồn nước tưới...
Có thể bạn quan tâm

"Chăn nuôi an toàn sinh học mà tham lam là thất bại" - anh Phú chia sẻ. Với nỗ lực không ngừng, những mẻ trứng an toàn sinh học đầu tiên đã "ra lò" trong niềm vui mừng, phấn khởi của anh cùng toàn thể nhân viên trong trang trại. Với anh Phú, đây như một sản vật mới của vùng đất đồi gò này và là hướng đi bền vững cho phát triển chăn nuôi gia cầm tại địa phương.

Trạm Thú y huyện sẽ tiến hành phun thuốc, tiêu độc, khử trùng cho các hộ chăn nuôi xung quanh vùng dịch; tuyên truyền các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng bệnh, khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bệnh, chết bất thường, nhanh chóng báo cho ngành Thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2014, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu trên 1 tỷ USD bắp, thức ăn chăn nuôi. Theo đó, sản lượng bắp nhập khẩu khoảng 872 ngàn tấn, tăng gấp gần 2 lần về số lượng so với năm 2013 với trị giá trên 200 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi khoảng 785 triệu USD.

Đại lý giới thiệu cho anh Bẩy loại phân Urê - Silic của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngưu về dùng thử. Anh đã dùng một phần trong số này rắc quanh gốc cà phê, nhưng đến nay đã hơn 3 tháng, qua nhiều lần tưới nước và xới gốc, những hạt đen của phân vẫn trơ như sỏi đá. Thử hoà phân này trong nước thấy chỉ tan được một nửa. Nửa còn lại kết tủa thành từng mảng keo dính, như đất sét.

Anh Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ kinh nghiệm trồng bí đơn giản: Ngâm ươn hạt cho nẩy mầm, ươm trong bầu cho cây bí lên 1 - 2 lá rồi đem ra trồng. Mỗi hộc trồng đào đường kính từ 2 - 2,5 tấc, phía dưới rải 1 nhúm phân NPK, sau đó cho phân rác, phân rơm hoai mục đầy hộc, rồi cho dây bí vào trồng. Mỗi dây trồng cách nhau khoảng 2,5 m.