Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Săn trâu bò hoang

Săn trâu bò hoang
Ngày đăng: 10/08/2015

Đối diện đàn thú dữ

Ông Trương Văn Huy, Trưởng thôn Khe Sòng, giải thích cho chúng tôi cái “nguyên cớ” của đàn trâu hung dữ sinh sôi trên núi rừng bao la của xã Dương Hòa như thế này: Tập quán chăn thả trâu, bò tại địa phương từ nhiều đời nay chủ yếu là “gửi” trâu trên rừng. Một vài tuần hoặc vài tháng chủ trâu bò mới lùa về nhà một lần để chăm sóc, kiểm đếm số đàn. Lâu dần, một số trâu, bò tách đàn, sinh sản và trở thành hoang hóa do thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Từ sau khi lòng hồ thủy lợi tích nước, các vùng đất vốn là bãi chăn thả truyền thống như Khe De, Mù Mù, Nước Nóng trở nên cách biệt với đất liền, số trâu bò bị “bỏ rơi” bên kia lòng hồ, không theo gia chủ “di dân” về với vùng tái định cư mới trở nên hoang hóa rất nhiều.

Làm nghề “săn” trâu bò hoang lâu nhất ở vùng đất Dương Hòa có lẽ không ai bằng ông Nguyễn Hà (55 tuổi, thôn Khe Sòng). Người ta biết đến ông không chỉ biệt tài chinh phục gia súc hoang dã mà bởi những chiến tích hiểm nguy cận kề cái chết. Vừa đi từ rừng ra, trên tay còn cầm cuộn cáp thòng lọng lủng lẳng móc sau cán rựa, ông Hà kể về những “chiến tích” chinh phục loài thú dữ của mình: “Làm nghề mấy chục năm, tui có một nguyên tắc là bắt trâu bò thì phải có hợp đồng hẳn hoi. Hợp đồng xã chứng thực mới làm. Chủ trâu phải khai đúng số lượng đàn, trâu bò thường trú ngụ ở tiểu khu nào, đặc điểm ra sao, không có tranh chấp với những chủ trâu khác thì lúc đó mới lên rừng đặt bẫy bắt”.

Ông Hà có biệt tài bắt trâu, bò không bao giờ bị chết, bắt trọn cả đàn nên nhiều chủ thường tìm đến ông để hợp đồng. Suốt vùng đất từ Khe Dài qua Khe Rơm thuộc tiểu khu 168 hiện nay là “thánh địa” của trâu, bò hoang còn sót lại. Để săn loài gia súc này, sau khi hợp đồng, thống nhất ăn chia xong xuôi, ông Hà thường gọi thêm 4 - 5 thợ rừng có sức khỏe tốt lên rừng “dàn trận” bắt trâu. Họ đi nhiều ngày trên rừng để thám thính nơi trú ngụ và “tuyến đường” đàn trâu, bò di chuyển. Những dấu chân trâu, bò hoang thường cho họ biết số lượng đàn và hướng đi để đặt bẫy. Cứ mỗi đàn trâu từ 8 - 10 con thì phải đặt 20 cái thòng lọng dọc trên tuyến đường chạy của chúng. Thòng lọng là loại cáp to bằng ngón tay áp út, có nút thắt làm sao khi mắc vào cổ con vật không xiết chết. Thòng lọng thường được đặt rộng 1m, theo khe suối, cố định vào những thân cây to, cách mặt đất chừng 40 cm và cách nơi đàn trâu bò trú ngụ chừng hơn 100m.

Bố trí bẫy xong xuôi, 4 - 5 thợ rừng tìm cách xua đuổi từ trên cao xuống. Thấy động, trâu bò rừng cứ thế nhắm thẳng đường quen thuộc mà chạy và mắc vào thòng lọng đã bố trí sẵn. Đàn nghé con sẽ bị những thợ rừng móc dây thòng lọng vào sào để bắt giữ. Thường khi trâu, bò di chuyển cả đàn thì bắt “trọn ổ”, rất ít khi có con chạy thoát. Một nguyên tắc đối với các thợ săn phải tuân thủ là luôn lùa trâu, bò về hướng bẫy được đặt ở khe suối, đầm lầy nhằm bắt sống chúng. Nếu bắt ở vùng núi cao, khi trâu dính bẫy, do quá “hăng máu” chúng dễ lao đầu vào đá, gốc cây để tự chết!

Tâm sự về chuyện nghề, ông Hà cho biết, với những thợ săn trâu, bò hoang, “ớn” nhất là bắt loài trâu đực trưởng thành. Bởi, đây là loài rất hung dữ và có sức khỏe phi thường, thợ săn có thể “nộp mạng” nếu tính toán sai đường chạy của trâu. Với trâu đực, các thợ săn thường bố trí trên đường chạy 6 cái thòng lọng để phòng khi trâu phá được bẫy. Phía sau người thợ săn phải có cây to để phòng trừ bất trắc. Khi xác định được trâu đực trú ngụ ở vùng nào thì trưởng nhóm thợ săn phải đứng trực diện, cách con vật chừng 50m và dùng tiếng động để “dụ” trâu xông tới đánh. Trâu vượt qua được lớp bẫy này thì có lớp bẫy khác. Nếu trâu phá hết bẫy thì người thợ săn phải nhanh chân nhảy lên cây tìm đường thoát thân. Thường săn trâu đực được gia chủ trả công rất cao, có khi chia 50% “thành phẩm”.

Nghề nguy hiểm

Vén tấm áo với những vết sẹo chằng chịt ở lưng, tay, ông Hà kể về lần may mắn thoát chết: Năm 2004, ông Hà cùng đồng nghiệp Phan Tuấn và một số thợ rừng hợp đồng bắt trâu cho một người dân ở thôn Hộ. “Đối tượng” là con trâu đực hơn 10 năm tuổi, đã “hóa tinh” trên rừng, dữ như loài bò tót. Trâu đực ở lâu trên rừng thường mài cặp sừng vào đá nên rất sắc nhọn. Sau khi thám thính đường di chuyển, tập tính của con trâu đực, nhóm thợ quyết định đặt 3 lớp bẫy thòng lọng bằng cáp ở Khe Cát. Cất đặt bẫy xong xuôi, ông Hà đứng ra dụ con trâu đực vào luồng chạy của bẫy. Trâu bị thách thức liền hăng máu phóng khỏi lùm cây lao về phía bẫy. Ba lớp bẫy đều bị con trâu đực quá khỏe dựt phăng cả. Lúc đó, anh Tuấn và nhóm thợ rừng đã nhảy lên những góc cây, mỏm đá gần đó để thoát thân. Ông Hà dù đã chạy bật ra khỏi luồng đi của trâu theo đường “dích dắc” nhưng vẫn không kịp. Con trâu điên cuồng lao tới quật tơi tả tấm thân ông Hà với vô số thương tích. Ông Hà nhớ lại: “Lúc đó mình chỉ biết ôm đầu giả chết mà thôi, sau đó thì ngất lịm lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy thì đã thấy mình ở nhà với áo quần rách như xơ mướp. Xương mạn sườn bị chớp gãy. Bữa đó, tưởng mình không qua khỏi”.

Bắt trâu đực đã khó, đưa chúng từ rừng về giao cho chủ theo hợp đồng còn khó hơn bởi loài trâu quá khỏe. Năm 2007, ông Hà cùng nhóm thợ theo dõi đàn trâu 6 con tại khu vực Khe Dài. Đàn trâu của ông Hợp (trú Vỹ Dạ) hợp đồng ăn chia với nhóm thợ. Sau khi đặt bẫy bắt được con trâu đực đầu đàn, cả nhóm luồn rừng đưa trâu về. Ông Hà kể: “Thường bắt được trâu mình bố trí 3 người cột dây ở chân để giữ trâu đi sau và 2 người xỏ mũi trâu đi trước. Hôm đó nhóm người đi sau không đủ sức nên bị trâu giựt mất dây. Mình đi trước gần trâu nhất nên bị tấn công trực diện. May lần đó trâu quật chỉ bị chấn thương nhẹ ở mạn sườn và rách da phần mềm nên mới thoát chết.” Cứ tưởng sau đợt đó, ông Hà cùng nhóm thợ bỏ nghề. Thế nhưng, như lời ông nói, nghề nào nghiệp nấy. Khi cái nghiệp đã vận vào thân thì mình phải theo vậy.

“Hiện trên địa bàn xã Dương Hòa có khoảng 600 con trâu, bò chăn nuôi đa số theo tập quán thả rông trên rừng. Trong đó, có khoảng 100 con trâu, bò hoang trên rừng chưa xác định được chủ. Nhiều năm qua, “xung đột” giữa chăn nuôi và trồng trọt đang là bài toán đau đầu tại địa phương bởi không có vùng chăn thả. Hiện, Dương Hòa đang vận động bà con nuôi bán thâm canh, quy hoạch vùng trồng cỏ để nuôi gia súc”, Ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Nỗi lo mất mùa xoài Nỗi lo mất mùa xoài

Những trận mưa xuất hiện ban đêm, với lưu lượng lớn và kéo dài trong nhiều giờ. Rồi, những cơn giông lại bất thần nổi lên, va đập vào vách núi tạo ra từng đợt gió giật mạnh. Cư dân trồng xoài không khỏi lo lắng, nhất là thời điểm cây đang ra hoa và chuẩn bị kết trái.

23/11/2015
Ông Trần Văn Vui vượt khó làm giàu Ông Trần Văn Vui vượt khó làm giàu

Trong những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.

23/11/2015
Khánh thành HTX thanh long Long Trì Khánh thành HTX thanh long Long Trì

Sắp tới HTX sẽ đẩy mạnh thực hành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích của thành viên là 30 ha thanh long với năng suất bình quân 1.500 tấn/năm.

23/11/2015
Xoài cát chu Bình Thuận cơ hội vào thị trường Nhật Xoài cát chu Bình Thuận cơ hội vào thị trường Nhật

Chúng tôi trở lại vùng xoài Tân Minh, Tân Phúc (Hàm Tân - Bình Thuận) ngay sau khi những quả xoài cát chu của Việt Nam được bày bán tại Nhật Bản với giá khá cao.

23/11/2015
Một nông dân đam mê nghề nuôi cá Một nông dân đam mê nghề nuôi cá

Xã Văn Khúc (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cuối năm như nhộn nhịp hơn bởi những câu chuyện về nghề nuôi trồng thủy sản khi mà nhiều hộ gia đình đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

23/11/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.