Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Đông Xuân
Tranh thủ mực nước lũ đang xuống thấp, bà con ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Châu Thành A đã chủ động vệ sinh đồng ruộng, liên kết lại với nhau thành từng tổ, đội để cùng bơm tác tập trung và xuống giống lúa Đông xuân 2014-2015 một cách đồng loạt.
Gieo sạ sớm hơn 10 ngày
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay, không khí họp bàn giữa ngành chức năng với người dân ở các đội sản xuất trên địa bàn thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A để ấn định ngày đặt máy bơm nước xuống giống vụ lúa Đông xuân trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật thị trấn Bảy Ngàn, cho hay: Hiện mực nước ngoài đồng ruộng thấp hơn cùng kỳ cả tấc.
Đặc biệt là hệ thống đê bao khép kín riêng cho từng khu vực canh tác đảm bảo ngăn lũ, ứng phó với các đợt triều cường từ nay đến cuối năm. Do đó, 32 đội sản xuất trên toàn thị trấn đã chủ động ngồi lại với nhau để thống nhất ngày gieo sạ theo lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo.
Cũng như mấy năm trước, vụ Đông xuân 2014-2015, gia đình ông Lê Tuấn Kiệt, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn sẽ gieo sạ 2,5ha lúa IR 50404. Đáng nói là ông Kiệt đã chuẩn bị kế hoạch gieo sạ từ rất sớm thông qua việc trục vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Thu đông vừa xong.
Nhất là chọn lựa, xử lý nguồn lúa giống đạt yêu cầu kỹ thuật và bảo quản cẩn thận trong nhà kho. Ông Kiệt cho biết: Hiện đội sản xuất mà ông tham gia đã tranh thủ đặt máy bơm nước sớm để có thể xuống giống trước khi đợt 1 bắt đầu vài ngày, thay vì vào ngày 21 đến 26-9 âm lịch theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Nguyên nhân là để tranh thủ thời gian canh tác và có thể thu hoạch được nhanh gọn trước Tết Nguyên đán.
Ông Đặng Kiềm, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, thông tin: Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2014-2015, người dân ở huyện Châu Thành A sẽ xuống giống 8.800ha, trong vòng 3 đợt. Tuy nhiên, đến nay, người dân một số địa phương trong huyện như xã Tân Hòa, Trường Long Tây, thị trấn Bảy Ngàn đã tranh thủ nước lũ nhỏ, mực nước trên đồng ruộng đang xuống thấp nên đã cùng nhau bơm tác tập trung và xuống giống trước lịch của đợt 1 với tổng số trên 450ha.
Sở dĩ bà con sử dụng các loại giống ngắn ngày như IR 50404 và tranh thủ gieo sạ sớm hơn vụ Đông xuân trước khoảng 10 ngày là do họ lo lắng khi đến thời điểm thu hoạch sẽ rơi vào những ngày cận tết, thậm chí là ngay Tết Nguyên đán không có thương lái thu mua lúa.
Chủ động từ khâu giống
Thế nhưng, theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, trong những ngày tới, nếu rầy nâu di trú với mật số cao thì khả năng gây hại cho những trà lúa Đông xuân sớm, gieo sạ trước đợt 1 là không hề nhỏ. Do đó, bà con phải thường xuyên theo dõi để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Ông Đặng Kiềm thông tin thêm: Theo ghi nhận bước đầu, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ sử dụng giống cấp nguyên chủng, xác nhận để gieo sạ trong vụ lúa Đông xuân 2014-2015 đạt từ 75-80%, số còn lại người dân tự lấy, song vẫn đáp ứng yêu cầu về giống sản xuất. Đáng kể là đa phần nông dân đều sử dụng những loại giống chất lượng, có phẩm chất gạo tốt như Jasmine 85, OM 5451, OM 4218 để gieo sạ. Riêng giống IR 50404 chiếm khoảng 30%, tương đương với vụ Đông xuân trước.
Dù xuống giống trong đợt 2 nhưng giờ đây, mọi công tác chuẩn bị bước vào vụ lúa mới đã được hộ ông Võ Quang Tiên, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn thực hiện hoàn tất. Ông Tiên cho rằng: “Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Vì thế nhà nông chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng nguồn giống, cũng như vệ sinh đồng ruộng và gieo sạ theo lịch thời vụ để góp phần giúp cho vụ lúa Đông xuân ăn chắc ngay từ đầu.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu tiết giảm chi phí sản xuất, trước khi xuống giống, từng tổ, nhóm nông dân có đất ruộng trên cùng khu vực đê bao rộng khoảng 80-90ha trong ấp đã chủ động họp bàn thời gian bơm tát tập trung và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cụ thể cho cả 3 vụ lúa trong năm”.
Đến nay, UBND huyện Châu Thành A đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân năm 2014-2015. Trước hết là quan tâm công tác chuẩn bị đủ số lượng lúa giống, đảm bảo chất lượng để phục vụ gieo trồng trong vụ Đông xuân 2014-2015 cho người dân trên địa bàn.
Theo ông Hồ Hoàng Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, ngoài việc chuẩn bị đủ số lượng giống, huyện còn yêu cầu ngành nông nghiệp chỉ đạo cho các tổ kỹ thuật ở từng xã, thị trấn khẩn trương vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo; đồng thời khuyến khích bà con nên sử dụng các loại giống cấp xác nhận, có sức chống chịu cao với sâu bệnh để gieo sạ…
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, trong vụ Đông xuân 2014-2015, huyện sẽ có 3 đợt xuống giống. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 21 đến 26-9 âm lịch (nhằm ngày 13 đến 18-11); đợt 2 từ ngày 16 đến 21-10 âm lịch (nhằm ngày 7 đến 12-12); và đợt 3 từ ngày 11 đến 16-11 âm lịch (nhằm ngày 1 đến 6-1-2015). Trong đó, chủ yếu người dân xuống giống tập trung vào đợt 2.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1830D0/San_sang_cho_vu_lua_Dong_xuan.aspx
Có thể bạn quan tâm
Đối với nhiều nông dân ở Bắc Giang, hình ảnh những cán bộ thú y cơ sở ngày ngày đi khắp các thôn, xóm chăm sóc, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm đã trở nên quen thuộc. Công việc tuy vất vả nhưng với lòng yêu nghề, họ đã góp phần không nhỏ bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương thuộc vùng trung du có diện tích tự nhiên 2.069 ha. Hiện nay, đất đai được người dân sử dụng trồng rừng kinh tế và trồng cây cao su rất lớn, với diện tích 1.073 ha (trong đó diện tích rừng trồng là 650 ha, diện tích trồng cây cao su là 423 ha), chiếm 51,86% diện tích tự nhiên của địa phương.
Thanh long hiện được xác định là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận, đồng thời còn dẫn đầu danh sách trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững, địa phương cùng ngành chức năng cần nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp thật căn cơ. Và một trong nhóm giải pháp mà Sở Công thương tính đến có đề cập hướng VietGAP hóa diện tích thanh long hiện có…
Thành phố Cần Thơ đang triển khai dự án đầu tư trên 4.500 tỷ đồng (90% huy động ngoài ngân sách) thực hiện chương trình phát triển thủy sản đến năm 2020, đưa thủy sản trở thành ngành chủ lực trong kinh tế nông nghiệp.
Mấy tháng qua, nông dân ương cá giống vô cùng phấn khởi do giá cá điêu hồng giống tăng vọt theo đà tăng giá của cá điêu hồng thương phẩm nuôi bè. Điều đáng lưu ý là lượng cá điêu hồng giống trên thị trường hiện nay rất khan hiếm.