Làng Chuối Tịnh Hà Sau Cơn Bão

Sau vụ việc cơ sở thu mua chuối ngâm hóa chất của ông Hoàng Phú Tới bị xử phạt, người trồng chuối ở Tịnh Hà (Sơn Tịnh) lại bắt đầu một mùa chuối mới với đầy hy vọng. Tuy vậy, nỗi lo mất mùa vẫn đè nặng lên người trồng chuối nơi đây.
Chuối nảy mầm với đầy hy vọng
Sau khi cơ sở thu mua chuối của ông Hoàng Phú Tới đã bị xử phạt hành chính và tiêu hủy toàn bộ số hóa chất dùng để ngâm chuối, chúng tôi lại tìm đến xã Tịnh Hà để tìm hiểu cuộc sống của người dân trồng chuối nơi đây sau “cơn bão”.
Toàn xã Tịnh Hà có 50ha đất trồng chuối, đây được xem là vựa chuối lớn nhất tỉnh. Năm nay hơn 600 hộ ở xã lại bắt tay vào trồng chuối. Nổi tiếng trồng hàng nghìn cây chuối có hộ ông Đỗ Thiên, Đỗ Tề, Phan Khắc Truyền ở xóm 9 (thôn Thọ Lộc Đông). Tuy trong vườn vẫn còn nhiều buồng chuối lơ lửng nhưng ông Đỗ Tề đã bắt đầu bón phân, làm cỏ cho hơn 2.000 gốc chuối. Ông Đỗ Tề vừa xới đất vừa tâm sự: “Dân ở đây chỉ biết trồng chuối, ngoài cây chuối ra chúng tôi chưa biết làm cây gì khác".
Dù năm nay, người trồng chuối ở Tịnh Hà phải chịu cảnh lao đao, nhưng số lượng chuối được trồng mới ở Tịnh Hà vẫn không giảm. Nhiều hộ còn mạnh dạn đi vay tiền để mở rộng diện tích với hy vọng một năm "thuận buồm xuôi gió".
Ông Phan Khắc Truyền trầm ngâm: “Bây giờ người dân ăn chuối trở lại rồi, giá chuối cũng đã tăng lên ít nhiều. Người trồng chuối ở đây đã lấy lại được hy vọng. Mặc dù trải qua nhiều “cơn bão” và giá cả bấp bênh chúng tôi vẫn phải tiếp tục bám cây chuối. Vì biết đâu năm tới nhờ chuối mà trả được nợ".
Nhưng còn đó những nỗi lo
Ông Đỗ Thiên cho hay: “Cách đây một năm có tin đồn ăn chuối bị ung thư. Năm nay, là phát hiện vụ chuối ngâm hóa chất. Cứ gần thu hoạch lại có tin đồn thổi làm người dân trồng chuối điêu đứng. Tiền của đều dồn hết vào cây chuối, nếu xảy ra nữa thì những người trồng chuối như chúng tôi không biết bám víu vào đâu".
Đợt vừa rồi, vì cây chuối mà nhiều nhà lâm vào cảnh nợ nần. Nhà ông Đỗ Tề trồng hơn 2.000 gốc chuối, nhưng khi gần thu hoạch, thương lái hủy bỏ đơn đặt hàng vì tin đồn chuối ngâm hóa chất. Ông Tề bức xúc: “Nợ cũ vẫn chưa trả, nợ mới lại đè lên. Chạy vạy đủ nơi mới có hơn 50 triệu đồng bỏ vào cây chuối coi như mất trắng. Chuối bán không đủ trả nợ. Vừa rồi phải bán rẻ, bán tháo để có tiền trả tiền điện, phân chứ lời thì tôi không mơ tới”.
Ông Nguyễn Kỳ Mên - Trưởng ban Mặt trận thôn Thọ Lộc Đông cho biết: “Cây chuối chính là cây trồng mang lại lợi nhuận cao, giúp nhiều hộ dân ở đây thoát nghèo. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng đã động viên bà con không bỏ nghề và tạo điều kiện cho các hộ trồng chuối vay vốn để sản xuất”.
Cuộc sống của người dân Tịnh Hà hàng chục năm nay hầu như dựa vào cây chuối. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với đầy hy vọng, nhưng trong niềm hy vọng vẫn còn lắm nỗi lo âu…
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/lang-chuoi-tinh-ha-sau-con-bao-2356101/
Có thể bạn quan tâm

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có quy hoạch phát triển rau an toàn (RAT) với quy mô hàng ngàn ha. Nhưng đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn, vậy chất lượng của RAT có thực sự bảo đảm như tên gọi.

Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4 ha, với tổng kinh phí giai đoạn một là hơn 30 tỉ đồng. Ở giai đoạn này, Syngenta sẽ chủ yếu nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên thế giới để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu. Dự kiến, đến năm 2017, Syngenta sẽ cho ra thị trường hai đến ba giống lúa lai chất lượng và năng suất cao.

Sản xuất rau an toàn đã trở thành nhu cầu bức thiết trong xã hội. Ngoài yếu tố bảo vệ sức khỏe cộng đồng, rau an toàn còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và khoa học vì hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Chính vì vậy, khai thác thiên địch tự nhiên (sử dụng tài nguyên côn trùng) để phòng chống sâu hại hiệu quả là một xu hướng mới đã được giới thiệu đến các nhà vườn trồng rau tại BR-VT.

Nhiều bạn đọc ở nước ngoài như: New Zeland, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Mỹ… cho biết ở bên đó thanh long Việt Nam bán giá 5 – 6 USD/quả bằng nắm tay, đắt quá, thèm mà chẳng dám ăn. Mong Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, để nông dân đỡ khổ.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn đánh giá của Hiệp hội thịt và vật nuôi Australia (MLA) cho biết kể từ năm tài chính 2011-2012, xuất khẩu gia súc sống từ Australia sang Việt Nam đã tăng gần 90 lần.