Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng vọt khi giảm cước, phí

Xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng vọt khi giảm cước, phí
Ngày đăng: 08/10/2015

Lựa chọn thanh long trước khi sơ chế xuất khẩu đi Mỹ tại một doanh nghiệp ở Bình Thuận

Cước phí đã đẩy giá thành trái cây của Việt Nam lên mức cao nhất so với các nước trong khu vực. Theo các công ty xuất khẩu và chuyên gia nông nghiệp, đây chính là rào cản cho trái cây tươi của Việt Nam vào các thị trường cao cấp.

Gặp khó với cước vận chuyển, phí kiểm dịch

Sau khi đi khảo sát hai vùng trồng xoài cát chu lớn tại Đồng Tháp và An Giang, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại Việt Nam cho biết khả năng của đơn vị này xuất khẩu xoài sang Nhật Bản trong năm nay là không có.

“Giá mua xoài không giảm xuống được vì các đơn vị trồng đều có nơi tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Hàn Quốc, trong khi cước phí máy bay quá cao nên giá đến Nhật khó cạnh tranh với xoài của nước khác” - vị này cho biết.

Theo vị này, trong khi giá bán xoài của các công ty Thái Lan tại Nhật chỉ khoảng 5 USD/kg, giá thành xoài Việt Nam đến Nhật Bản ở mức 5,5 - 6 USD/kg.

Nguyên nhân chủ yếu là do cước phí máy bay vận chuyển tại Việt Nam quá cao, lên đến 2,1 USD/kg, cao hơn nhiều so với chi phí mà các doanh nghiệp từ các quốc gia khác đang cạnh tranh với Việt Nam.

Cụ thể, cước máy bay đối với xoài của Thái Lan và Philippines, hai đối thủ lớn nhất của xoài Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, lần lượt là 0,5 USD/kg và 0,7 USD/kg.

Như vậy, nếu cước phí của Việt Nam giảm xuống bằng với Philippines hoặc chỉ cần giảm một nửa, giá thành xoài Việt Nam đến Nhật sẽ giảm trên 1 USD/kg, tức là hoàn toàn có thể cạnh tranh với xoài của Thái Lan và các nước khác.

Trước đó, sau khi cơ quan chức năng Nhật Bản thông báo chính thức dỡ bỏ lệnh cấm cho trái xoài cát chu của Việt Nam được vào thị trường nước này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng rất hào hứng lên kế hoạch bán hàng.

Thế nhưng sau khi tính toán mọi chi phí, họ đều phải đắn đo vì giá thành xoài của Việt Nam vào Nhật đang ở mức cao so với xoài Thái Lan, mà chủ yếu là do cước phí vận chuyển đội lên.

Ngoài xoài Thái và Philippines, thị trường Nhật Bản hiện đã có xoài nội địa và xoài đến từ các nơi khác như Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan, Úc, Malaysia...

Không chỉ gặp khó vì cước phí quá cao, giá thành trái cây của Việt Nam cũng bị đội lên vì nhiều khoản khác như chi phí xử lý (chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng) và chi phí cho chuyên gia của các quốc gia nhập khẩu sang Việt Nam giám sát.

Trong đó, phí chiếu xạ lên đến khoảng 1 USD/kg trái cây, còn chi phí cho các chuyên gia ở mức 200.000 - 300.000 USD mỗi người một năm.

“Đây là khoản phí không hề nhỏ trong giá thành trái cây của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu được vì cạnh tranh với chính các nhà máy xử lý trái cây kiêm xuất khẩu trong nước cũng đã khó rồi” - giám đốc một công ty cho biết.

Giá cước sẽ được điều chỉnh?

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng này đang chiếm đến 38% tổng sản lượng vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bằng đường không nhưng nếu tính chung cho các loại hàng hóa khác nữa thì chỉ chiếm khoảng 15%. Hãng cũng chỉ kết hợp vận chuyển hàng hóa trên các máy bay chở hành khách chứ chưa có máy bay chuyên chở hàng hóa.

Ngoài Vietnam Airlines, các đường bay trên còn có nhiều hãng hàng không khai thác như Aeroflot, Air France, Cathay Pacific, Etihad Airways, Emirates Airlines... nên hãng không thể quyết định giá cước vận chuyển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết đã đề nghị Vietnam Airlines nghiên cứu, so sánh giá cước của hãng với các hãng hàng không khác trong khu vực để có điều chỉnh cụ thể nhằm hỗ trợ các hợp đồng vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu ra nước ngoài.

Đặc biệt, Vietnam Airlines phải rà soát quy trình đặt giữ tải, triển khai việc công bố công khai, minh bạch về tình trạng tải cung ứng hàng hóa trên từng chuyến bay trên website của hãng và tại các cảng hàng không, sân bay.

Ngoài ra, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu khả năng miễn phí soi chiếu an ninh đối với toàn bộ sản phẩm nông sản xuất khẩu hiện đang áp mức phí 17 USD/tấn.

Các công ty phục vụ hàng hóa tiếp tục nghiên cứu khả năng giảm giá dịch vụ đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Cũng theo ông Cường, cơ quan này sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT để làm việc với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao nhằm có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể cho hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt là đến thị trường Nga, Mỹ, Úc.

Khó giảm chi phí xử lý hay kiểm dịch

Trong khi đó, dù thừa nhận trái cây tươi của Việt Nam đang gặp khó khi cạnh tranh với các nước khác vì tiền vận chuyển quá cao, TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), cho rằng các chi phí khác như phí xử lý hay kiểm soát chất lượng... không ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam bởi đây là chi phí mà nước nào xuất khẩu cũng phải chịu.

Theo ông Đạt, các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam liên tục để kiểm soát quá trình xử lý dịch hại trên trái cây (bằng phương pháp chiếu xạ hoặc hơi nước nóng) trước khi vào thị trường nước họ.

Do đó, phía Việt Nam sẽ phải chịu toàn bộ chi phí cho chuyên gia này như lương (bằng lương ở nước nhập khẩu), chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian ở tại Việt Nam... ước tính khoảng 200.000 - 300.000 USD/người/năm.

Tuy nhiên, nếu chia cho số lượng trái cây xuất khẩu (Nhật Bản khoảng 1.000 tấn/năm, Mỹ trên 3.000 tấn/năm), chi phí này không cao.

Chưa kể số lượng và chủng loại trái cây xuất khẩu sang các thị trường này ngày càng tăng thì chi phí này sẽ giảm xuống.

Nhưng quan trọng hơn, chi phí trả cho các chuyên gia đến Việt Nam là rất nhỏ so với lợi ích nó đem lại.

Cũng theo ông Đạt, một khi chuyên gia Mỹ đã cấp phép cho lô hàng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu, khi hàng sang đến Mỹ sẽ không bị kiểm tra lại nữa. Điều này là rẻ và an toàn hơn nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bởi nếu như đưa hàng sang tới nơi mới kiểm soát, khi bị phát hiện có vi phạm, phía Mỹ sẽ buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ lô hàng thì chi phí và thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.

“Đây là thông lệ quốc tế, không quốc gia nào xuất khẩu vào các thị trường trên được đặc cách.

Các quốc gia xuất khẩu vào các thị trường này trước Việt Nam hàng chục năm vẫn phải chịu quy trình như vậy. Thậm chí là nếu phía Mỹ chưa kịp cử chuyên gia sang giám sát, chương trình xuất khẩu của quốc gia đó phải tạm ngưng đợi chuyên gia tới” - ông Đạt cho biết.

Xoài Úc tại Nhật giá 20 - 60 USD/quả

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, xoài tươi bán lẻ tại Nhật được chia làm hai phân khúc cao cấp và trung cấp. Xoài cao cấp là xoài trồng tại Nhật Bản và một phần xoài Úc xuất khẩu sang có mẫu mã đẹp, chất lượng rất cao nên có giá cũng tương ứng. Loại xoài cao cấp này giá đến tay người tiêu dùng lên đến 20 - 60 USD/quả.

Nhóm thứ hai là nhóm xoài vàng châu Á như xoài cát chu của Việt Nam được bán lẻ ở mức 5 - 10 USD/quả, tùy loại.


Có thể bạn quan tâm

Lãi Lớn Từ Bò Sữa Lãi Lớn Từ Bò Sữa

Anh Phạm Văn Vũ (SN 1968), ngụ tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) là một trong những ND đầu tiên nuôi bò sữa và làm giàu từ vật nuôi này.

20/04/2012
Thiệt Hại Hơn 500 Tỷ Đồng Do Giá Heo Hơi Giảm Mạnh Thiệt Hại Hơn 500 Tỷ Đồng Do Giá Heo Hơi Giảm Mạnh

Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai có tổng số đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu con đang nuôi tại 1.261 trang trại, trung bình mỗi ngày có 4.000 con heo được xuất bán. Sau khi có thông tin một số trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Đồng Nai, người tiêu dùng đã giảm sử dụng thịt heo, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh, từ 56.000 đồng/kg giảm còn 42.000 đồng/kg, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi của địa phương. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thiệt hại do giá heo giảm trong thời gian qua ước tính hơn 500 tỷ đồng.

20/04/2012
Người Kiên Giang Đầu Tiên Sản Xuất Giống Tôm Sú Người Kiên Giang Đầu Tiên Sản Xuất Giống Tôm Sú

Năm 2002, anh Nguyễn Trung Hiếu quyết định từ bỏ công việc ở phòng nông nghiệp huyện để về quê xây dựng cơ sở sản xuất tôm sú giống. Anh Hiếu tâm sự, thấy dân mình đầu tư nuôi tôm ngày càng nhiều nhưng nguồn con giống lại phải mua ở tỉnh khác, nguồn giống trôi nổi nên rất dễ xảy ra dịch bệnh. Vậy là mình quyết tâm làm, vừa làm vừa học. Đến khi đã sản xuất thành công tôm sú giống rồi thì lại "bí" đầu ra. Khó khăn càng chồng chất.

14/07/2012
Nuôi Tôm Sú, Cá Ba Sa Và Cá Tra An Toàn Nuôi Tôm Sú, Cá Ba Sa Và Cá Tra An Toàn

Mục tiêu nhằm tạo ra được sản phẩm thuỷ sản chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu; đánh giá được hiện trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản cũng như hiệu quả kinh tế các mô hình. Xin giới thiệu những giải pháp để bà con tham khảo:

14/07/2012
Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Điêu Hồng Thương Phẩm Ở Ninh Thuận Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Điêu Hồng Thương Phẩm Ở Ninh Thuận

Được sự hỗ trợ về kinh phí, giống và kỹ thuật, xã Xuân Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã triển khai mô hình “Nuôi cá điêu hồng thương phẩm” tại 5 hộ nông dân ở thôn Thành Sơn, với diện tích 1,2 ha, tổng kinh phí hơn 482 triệu đồng.

21/04/2012
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.