Rong Mơ Mất Giá
Những năm qua, nguồn lợi rong mơ đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Năm nay, giá rong mơ giảm chỉ còn 1/3 so với trước khiến nhiều người không còn mặn mà.
Nghề khai thác rong mơ đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Đông, xã Ninh Vân) có thu nhập khá cao trong suốt thời gian dài. “Những năm trước, khai thác rong mơ là nghề hái ra tiền ở xã Ninh Vân, vì vậy cứ tới mùa rong mơ (khoảng đầu tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) là cả làng đi biển, lặn rong.
Theo đó, trung bình mỗi người có thể kiếm được từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày”, ông Hòa cho biết. Tương tự, ghe của gia đình ông Cao Văn Khánh ở cùng thôn cũng có 3 người chuyên đi lặn rong. Do quen với con nước, lại thạo nghề lặn nên ghe của ông Khánh khai thác được hàng tấn rong mơ mỗi ngày.
Theo tính toán của ông Hòa, ông Khánh, trung bình 7kg rong mơ tươi sau khi phơi sẽ được 1kg rong khô. Trước đây, thương lái mua rong khô với giá 9.000 đồng/kg, thế nhưng năm nay giá rong lại giảm mạnh, hiện chỉ có giá 3.000 đồng/kg, thu nhập của người khai thác rong mơ chỉ còn khoảng 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.
Ông Trà Thái Sanh (người chuyên vận chuyển rong mơ) lý giải: “Qua tìm hiểu các thương lái thu mua rong mơ tại Ninh Vân, tôi biết họ thu mua rồi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Năm nay, do mặt hàng rong mơ xuất chậm nên thương lái thu mua cũng dè chừng và giá giảm nhiều”.
Theo tâm sự của người lặn rong ở xã Ninh Vân, việc khai thác rong mơ không phải dễ dàng, phụ thuộc nhiều vào thủy triều, tùy theo con nước lên xuống lúc nào thì ra biển lúc đó, thậm chí có khi 2 - 3 giờ sáng đã đi lặn.
Để khai thác rong, những người đàn ông khỏe mạnh mang theo dây dẫn khí để thở, lặn xuống các ghềnh đá sâu để hái rong, họ gặp vạt rong nào là bứt vạt ấy, không tuân thủ biện pháp kỹ thật khai thác nào. Những người không đủ sức khỏe để lặn sâu dưới nước thì ở lại trên thuyền thu gom rong.
Điều đáng nói là với những dụng cụ lặn thô sơ, người làm nghề lặn rong có thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thực tế tại Ninh Vân có không ít người gặp tai nạn do lặn rong mơ.
Từ đầu năm đến nay, do giá rong mơ giảm mạnh khiến người dân không mặn mà lắm với việc hái rong. Nhiều gia đình đang có ý định chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, cũng có một số hộ vì không có nghề gì để làm nên đành phải bám biển, đối mặt với nhiều nguy hiểm để kiếm kế sinh nhai.
Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 71 ghe thuyền. Năm trước, 100% ghe trên địa bàn xã đều tham gia khai thác rong mơ, với hàng trăm lao động tham gia. Việc khai thác rong mơ đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.
Từ đầu vụ đến nay, người dân địa phương đã khai thác được hàng trăm tấn rong mơ; sản lượng tuy cao nhưng do rong mơ mất giá nên người dân địa phương không mấy mặn mà với nguồn lợi này, số ghe đi lặn rong ngày càng ít đi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Khánh Hòa là một trong những địa phương có nguồn lợi rong mơ lớn. Rong mơ hình thành các thảm rong biển rộng từ vài héc-ta đến vài trăm héc-ta; tập trung nhiều tại vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, vùng biển Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh…
Theo ông Võ Khắc Én, cán bộ Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, rong mơ là giống rong có chu trình sinh sản 1 năm, vì vậy nếu không thu hoạch thì chúng sẽ thối rữa, tàn lụi.
Việc khai thác rong mơ một cách hợp lý sẽ mang lại thu nhập khá cho người dân. Khi thu hoạch rong mơ, người dân cần đảm bảo thời gian thu hoạch, không thu hoạch non; khi cắt rong thu hoạch cần chú ý để lại gốc bám và 1 đoạn thân dài khoảng 10 - 15cm để duy trì sự phát tán, phát triển của chúng.
Thực tế, lâu nay tình hình khai thác và tiêu thụ rong mơ của người dân hoàn toàn tự phát. Đã đến lúc các cấp, ngành cần có định hướng và trợ giúp người dân để tránh những thiệt thòi trước sự bất ổn của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Tháng 10, đi dọc tuyến quốc lộ 15A ngược ngàn Hương Khê, chúng tôi bắt gặp không ít sạp bán cam “di động”. Càng đi về trung tâm huyện Hương Khê, cam bày bán càng nhiều. Đây cũng là thời điểm cam Khe Mây - đặc sản của vùng vào vụ thu hoạch...
Sau 3 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển, những chuyến đánh bắt cá của ngư dân Việt có sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản đã cập bờ.
Bình quân mỗi cây phật phủ sẽ cho 40 - 50 trái đối với cây 1 năm tuổi và nếu chăm sóc tốt hơn cây cho trái nhiều hơn, đẹp hơn. Phật thủ chỉ bán trái chứ không bán ký. Mỗi trái dao động từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/trái (tùy theo trái lớn, nhỏ).
Hạt lúa non sau khi rang trên chảo gang đúc được đưa vào cối giã. Trung bình giã và sàng sảy từ 5 – 8 lần mới thành cốm. Hạt cốm ngon phải có màu xanh, hạt dẹt, thơm, dẻo, ăn có vị ngọt ngậy.
Việc nhiều nước, trong đó có những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Brazil, Ấn Độ, Indonesia hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó, nhất là hàng nông, thủy sản.