Tập Trung Phòng, Chống Bệnh Đạo Ôn Hại Lúa

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống lúa vụ 3 gần 110.000ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Trong thời gian gần đây, do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn và thối thân vi khuẩn phát triển, lây lan trên diện rộng.
Tính từ đầu tháng 7 đến nay, toàn tỉnh có 21.346ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn và thối thân do vi khuẩn. Trong đó, 1.126 ha nhiễm nặng với tỷ lệ từ 20 - 80%, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hồng, Cao lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Lấp Vò... Mức độ gây hại của bệnh đạo ôn năm nay cao hơn so với cùng kì năm 2013.
Lúa bị nhiễm đạo ôn là do nấm Pyricularia oryzae gây ra, bệnh xuất hiện và gây hại trên lá và cổ lá. Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu tái nhạt, sau đó phát triển lớn dần và có hình dạng mắt én, có tâm màu xám trắng, trên vết bệnh có rất nhiều bào tử, các bào tử này sẽ phát tán lây lan nhờ gió và giọt nước đọng lại trên lá.
Bệnh thối thân lúa do vi khuẩn Erwinia sp. gây ra, trong điều kiện ruộng có nước và nhiệt độ tương đối nóng ẩm sẽ rất thuận lợi cho vi khuẩn nhân mật số và tấn công gây hại nặng cây lúa. Khi nhổ cây lúa bị nhiễm vi khuẩn Erwinia sp. sẽ thấy có mùi hôi và thân bị mềm nhũng.
Anh Huỳnh Văn Trí, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Hơn một tuần nay tôi liên tục phun nhiều loại thuốc đặc trị đạo ôn. Song, sau khi phun lại gặp mấy trận mưa liên tiếp nên bệnh đạo ôn không giảm mà còn lây lan rộng thêm. Hiện tại, 5 công lúa của tôi đang vào giai đoạn làm đòng nhưng có khoảng 40% diện tích đã bị nhiễm đạo ôn”.
Theo bà con nông dân, nguyên nhân dẫn tới dịch hại trên lúa không ngừng gia tăng là do thời tiết năm nay không được thuận lợi.
Vào giai đoạn lúa còn nhỏ thì gặp nắng nóng làm cho cây lúa kém phát triển, đến giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng thì trời nắng xen kẽ mưa thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn và thối thân do vi khuẩn phát sinh phát triển và gây hại lúa.
Ngoài ra, theo ghi nhận của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, trên những ruộng nông dân bơm phân Ami-Ami bệnh đạo ôn và thối thân, vi khuẩn xuất hiện và gây hại nặng hơn. Hai loại bệnh này thường xuất hiện trên những ruộng gieo sạ các giống như: OM 4218, OM 4900, IR 50404, Nàng hoa 9... hoặc những ruộng sạ dày, bón nhiều phân đạm và trên những diện tích không có thời gian làm đất và cách ly giữa vụ.
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, trong thời gian tới, do thời tiết còn tiếp tục mưa nhiều, ẩm độ không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn bệnh phát triển và tiếp tục gây hại trên lúa thu đông 2014. Do đó, để quản lý bệnh đạo ôn và thối thân do vi khuẩn, bà con nông dân cần cày ải phơi đất và cách ly giữa vụ ít nhất 15 ngày, nhằm hạn chế sự lưu tồn của mầm bệnh.
Đồng thời, bà con cần gieo sạ đồng loạt, tập trung theo từng khu vực; áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm ngay từ đầu vụ. Đặc biệt, nông dân cần chủ động và quản lý nước tốt trên đồng ruộng; thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ ruộng lúa và phát hiện sớm triệu chứng bệnh đạo ôn trên lá và thối thân do vi khuẩn.
Nếu phát hiện mầm bệnh phát triển trên ruộng lúa, nông dân cần tháo cạn nước và giữ đất đủ ẩm, bón vôi với liều lượng 20 - 25 kg/1000m2, sau 1 - 2 ngày tiến hành xử lý thuốc đặc trị nấm và vi khuẩn có hoạt chất như: trừ nấm (Tricyclazole, Isoprothiolane,...), trừ vi khuẩn (Bismerthiazol, Acibenzolar-S-Methyl, Oxolinic acid,...); tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng; tiếp tục theo dõi ruộng lúa khi thấy vết bệnh đã khô, cây lúa ra rễ mới và phát triển trở lại, tiến hành bón thêm phân có hàm lượng lân cao nhằm giúp cây lúa ra nhiều rễ mới và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm

Với việc hoàn tất đàm phán TPP, đại diện cơ quan Thương mại Mỹ (USTR) Michael Froman nhận định đây là hiệp định của thế kỷ 21.

Theo Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, trong 2 ngày 14 và 15.10, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La sẽ diễn ra cuộc thi Hoa hậu bò sữa lần thứ 12 năm 2015, với sự tham gia của 110 con bò, tổng giá trị các giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Trong giai đoạn cây cảnh mất giá, vùng cây cảnh có tiếng của Nam Định đã phá vườn trồng đinh lăng. Với họ, đây không chỉ là giải pháp thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.

Với vẻ ngoài xù xì và nhiều lông, khó có thể tin vào mắt mình rằng chúng chính là trái dưa chuột lông chứ không phải là trái chôm chôm thường thấy.

Các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT vừa công bố một phát hiện gây sốc, đó là ngoài chất tăng trọng lợn, chất vàng ô (VAT Yellow - dùng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng) cũng được dùng để trộn vào thức ăn chăn nuôi.