Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Thì Đói Mà Đất Bỏ Hoang…

Người Thì Đói Mà Đất Bỏ Hoang…
Ngày đăng: 30/07/2014

Từ góc nhìn của những người dân đã thoát nghèo ở Mường Nhé, nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo của các hộ dân tộc trên địa bàn do lười lao động.

Nhận định ấy không phải là không có cơ sở, bởi cùng sống trong một môi trường, hoàn cảnh, điểm xuất phát như nhau; nhưng những người dân chăm lao động, không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước thì cuộc sống đã khá giả...

Theo nhận định của ông Pờ Dần Sinh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu thì nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của người dân phần lớn là do lười biếng, quen trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để lý giải về điều ấy, ông Sinh nói như khoe: Nếu không, tại sao xã tôi dân không đói nghèo nhiều như xã khác (chỉ có 93/253 hộ nghèo, khoảng hơn 30%), nhiều gia đình có cả trang trại trâu, bò như: Hộ ông Chang Váng Sinh, bản A Pa Chải có 150 con trâu, bò; ông Sùng Phì Sinh, bản Tả Ko Khừ gần 200 con trâu, bò; hộ ông Sừng Sừng Khai, bản A Pa Chải khoảng 50 con và những hộ nuôi từ 5 – 10 con trâu, bò thì có rất nhiều. Đến ngay cả những hộ nghèo và cận nghèo cũng nuôi 1 – 2 con trâu, bò.

Còn ông Sùng Phì Sinh, chủ trang trại gần 200 con trâu, bò ở bản Tả Ko Khừ cho rằng: Tôi cũng như bao người dân khác trong huyện Mường Nhé, học hành chỉ đủ biết ký cái tên, tiền bạc bố mẹ cũng chẳng có để cho…

Nhà nước có hỗ trợ cũng chỉ phần nào, và các hộ đều được hưởng thụ như nhau. Để có được như ngày hôm nay, tôi và vợ con đã trải qua rất nhiều ngày tháng lao động vất vả, lam lũ.

Lúc người ta chưa dậy vợ chồng tôi đã ra ruộng. Khi người ta về nhà vợ chồng tôi vẫn còn ở trên nương làm việc… Thấy người ta làm gì hiệu quả tôi lại dò hỏi, học tập làm theo. Trang trại trâu, bò của gia đình tôi cũng xuất phát từ việc học tập của hộ anh Pờ Dần Sinh mà có.

Người dân bản Tả Ko Khừ, xã Sín Thầu đã biết áp dụng KH - KT trồng khoai tây, đậu tương trên đất lúa 1 vụ. Trong ảnh: Gia đình bà Lỳ Hừ Pư chăm sóc nương đậu tương.

Thế mới hay, người nông dân chỉ cần chịu thương, chịu khó, hay làm và ham học hỏi thì dẫu khó đến đâu cũng tìm ra được hướng thoát nghèo; vì với người dân vùng cao chăn nuôi, sản xuất vốn liếng ban đầu bỏ ra thường không nhiều, chủ yếu lấy công làm lãi, “năng nhặt chặt bị”.

Nhưng dẫu vậy cũng vẫn còn là may mắn hơn so với một số thành phần lao động khác trong xã hội, ví thử như nhiều công nhân đi làm thuê cho các doanh nghiệp hiện nay, cuối năm nhiều doanh nghiệp không có tiền trả lương cũng phải chịu.

Nói như vậy không có nghĩa những người làm công nhân đều bị ông chủ “xù” nợ. Nhưng dẫu sao người nông dân vẫn còn chủ động làm chủ được tình thế và cuộc sống của chính mình.

Chúng tôi đến nhiều nơi và đều có cảm nhận người dân ở Mường Nhé chưa thực sự chăm chỉ lao động. Trong số 11 xã vùng cao của huyện có đến 9 xã tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm khoảng 50%.

Nằm cạnh Sín Thầu là xã Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn... chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch về mức sống, mức sinh hoạt của người dân so với Sín Thầu. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã kể trên cao hơn so với xã Sín Thầu từ 15 – 20%; điều kiện canh tác của Sín Thầu cũng rất khó khăn…

Người dân Sín Thầu điểm xuất phát cũng không cao hơn các xã khác. Nhưng sự khác biệt là họ yêu lao động, chịu thương chịu khó, họ học tập nhau từ nết ăn, nết ở cho đến việc sản xuất, chăn nuôi... Toàn xã không có đối tượng nghiện ma túy, trẻ em được đi học, người già được quan tâm, chăm sóc, cùng đoàn kết bảo vệ an ninh – quốc phòng…

Ông Sừng Sừng Khai, người dân bản Tả Ko Khừ, xã Sín Thầu hiện đang làm Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, tâm sự: Leng Su Sìn và Sín Thầu là 2 xã giáp nhau, cùng nằm trên một trục đường, uống chung dòng nước, trên cùng một dải đất...

Nhưng mức sinh hoạt và đời sống của người dân Leng Su Sìn so với người dân Sín Thầu thì lại khác nhau. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Leng Su Sìn gần 50%… và rất ít hộ gia đình giàu có vượt trội như ở Sín Thầu. Xét cho cùng là do người dân Sín Thầu chăm chỉ làm ăn, chịu học hỏi cách làm kinh tế.

Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng trong vài trường hợp cụ thể cũng nên đặt cạnh nhau, từ đó tìm ra được bản chất của vấn đề. Nếu sự nghèo đói xuất phát từ những hiện tượng như: Thiên tai, dịch bệnh hay do điều kiện canh tác, chăn nuôi quá khắc nghiệt… thì không nói làm gì.

Nhưng với các xã như: Leng Su Sìn, Mường Nhé, Chung Chải, Sen Thượng… đất tương đối rộng thuận tiện cho việc chăn thả gia súc, có nhiều địa hình có thể trồng khoai lang, khoai tây, dứa, dưa chuột hay trồng rừng, trồng cây ăn quả, tận dụng nương có bờ khai hoang ruộng nước…

Nhưng do người dân chây lười, ỷ lại vào những chế độ chính sách của Nhà nước nên chính quyền các cấp, các ngành có về làm thay người dân cũng khó thoát nghèo.

Thực tế chứng minh, một loạt các mô hình như: Trồng khoai tây trên đất nương thoải, ruộng lúa cấy 1 vụ; mô hình trồng ngô lai; chuối tiêu hồng rồi đến các mô hình nuôi vịt, thả dê, thả cá… người dân chỉ tham gia thời gian đầu thí điểm, sau rồi bỏ không, và nghèo lại hoàn nghèo.

Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, chia sẻ: Nhà nước đầu tư biết bao tiền của để hỗ trợ giống cây trồng, phân bón rồi đội ngũ cán bộ xã, trưởng bản xuống tận nơi hướng dẫn người dân đăng ký. Huyện cử cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật, canh tác, chăm sóc, bảo vệ vật nuôi…

Thế nhưng, mô hình kết thúc người dân cũng nghỉ làm. Được hỏi đến thì quay ra đổ lỗi cho bao nhiêu khó khăn; nào là thiếu giống, thiếu nước, thiếu phân, đất không hợp, rồi thì trâu bò thả rông và thậm chí cả lý do làm ra sợ bán không ai mua...

Trong khi đó, có đến 80% các mặt hàng nông sản như: rau xanh, thịt cá, gạo... tiêu thụ tại Mường Nhé phải nhập từ nơi khác về. Thậm chí, nhiều người dân vườn tược, nương rẫy bỏ hoang cho cỏ mọc nhưng vẫn phải ra chợ mua rau về ăn... Điều đó cho thấy, cuộc sống của người nông dân chưa thực sự tự chủ và rất bấp bênh.

Do vậy, muốn vươn lên thoát khỏi đói nghèo, hơn lúc nào hết mỗi người dân phải tự thân vận động. Việc làm đầu tiên là chú ý quan sát sang “nhà hàng xóm” để học cách yêu lao động, rồi học cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Nhập Khẩu Các Mặt Hàng Xăng Dầu, Vải, Ngô... Tăng Mạnh Nhập Khẩu Các Mặt Hàng Xăng Dầu, Vải, Ngô... Tăng Mạnh

Theo đó, xuất khẩu cả nước ước đạt 6,2 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 6,63 tỉ USD. Trong đó, hai nhóm hàng dệt may và điện thoại, linh kiện điện thoại vẫn là nhóm hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt lần lượt 981 triệu USD và 880 triệu USD. Về nhập khẩu, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tiếp tục là nhóm dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu với tổng hơn 1 tỉ USD.

22/10/2014
​Việt Nam Đang Trợ Cấp Cho Nước Ngoài Qua Xuất Gạo? ​Việt Nam Đang Trợ Cấp Cho Nước Ngoài Qua Xuất Gạo?

Đó là ý kiến được TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, đưa ra tại hội thảo cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở VN do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) chủ trì tổ chức hôm 21-10.

22/10/2014
Không Thể Áp Dụng Tiêu Chuẩn Nước Thải Loại A Không Thể Áp Dụng Tiêu Chuẩn Nước Thải Loại A

Việc quy định nước thải chăn nuôi bắt buộc phải đạt loại A không chỉ vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp mà còn từ phía các nhà quản lý, nhà khoa học.

22/10/2014
Được Mùa, Muối Ế! Được Mùa, Muối Ế!

Vào thời điểm này, mặc dù vụ SX muối ở Bình Định đã kết thúc, nhưng những địa phương có nhiều ruộng muối như các xã Phước Thuận (Tuy Phước), Cát Minh, Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ Thành, Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ)…vẫn còn tồn nhiều đống muối to đùng vì tiêu thụ không được.

22/10/2014
4 Nhiệm Vụ Trọng Tâm Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp 4 Nhiệm Vụ Trọng Tâm Tái Cơ Cấu Ngành Lâm Nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 tại cuộc họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo.

22/10/2014