Đẩy Mạnh Tái Cơ Cấu Lĩnh Vực Trồng Trọt

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở huyện Tủa Chùa thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận: tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, diện tích, năng suất, sản lượng lúa nước tăng bình quân từ 3 - 5%/năm.
Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn không ngừng nỗ lực tái cơ cấu các loại cây lương thực.
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ - TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, huyện Tủa Chùa tập trung tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt và coi đây là yếu tố quan trọng phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
Với mục tiêu tổng quát: sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả; đảm bảo an ninh lương thực địa phương; xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp, mô hình kinh tế trang trại có giá trị kinh tế cao...
Nhằm thực hiện Đề án hiệu quả, huyện tập trung quy hoạch lại toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu phù hợp với tình hình thực tế, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Nội dung quy hoạch đảm bảo sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với đề án Xây dựng nông thôn mới và quy hoạch sử dụng đất của huyện.
Tính đến cuối tháng 6/2014 - sau một năm thực hiện Đề án, huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch đất sản xuất nông - lâm nghiệp và bố trí sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo quy hoạch mới, huyện sẽ tập trung mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa tại các xã: Mường Báng, Mường Đun, Sính Phình và thị trấn Tủa Chùa.
Diện tích canh tác lúa chiêm xuân sẽ tập trung mở rộng tại các xã: Mường Báng, Xá Nhè, Tủa Thàng, Sính Phình và Trung Thu; nâng cao diện tích trồng ngô bằng cách vận động nhân dân các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Xá Nhè và Mường Đun tận dụng diện tích nương bỏ hoang, các bãi đất bồi ven sông, suối và những chân ruộng khô nước để canh tác.
Riêng ngô vụ mùa, huyện tập trung mở rộng diện tích tại các thung lũng ven sông, suối khu vực Huổi Só, Tủa Thàng, Háng Tơ Mang - Mường Báng.
Đối với những cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu tương, sắn, lạc, bông, khoai lang; cơ quan chức năng tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích với mục tiêu tăng từ 3 - 4%/năm. Riêng cây chè, huyện phấn đấu mỗi năm mở rộng diện tích trồng mới từ 30 - 50ha, tập trung ở các xã phía Bắc huyện, như: Sính Phình, Tả Phìn, Sín Chải...
Đối với diện tích lúa một vụ, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tăng hệ số sử dụng đất bằng cách mùa khô hạn chuyển sang canh tác các loại cây trồng ngắn ngày ngô, lạc, đậu tương, rau xanh. Song song với việc quy hoạch, mở rộng diện tích sản xuất, huyện Tủa Chùa không ngừng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng.
Từ tháng 6 năm 2013 đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức hơn 20 buổi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, giúp nông dân tiếp cận và nâng cao kỹ năng canh tác.
Hiện nay, 100% giống lúa canh tác trên địa bàn được cấp bởi Trại Giống nông nghiệp huyện, với các giống lúa chủ yếu: Nghi hương 2308; Nhị ưu 838; Lúa thuần IR64; Bắc thơm số 7...
Anh Quàng Văn Thinh, bản Đun, xã Mường Đun cho biết: Sau khi được Nhà nước hỗ trợ giống lúa Nghi hương 2308 và được tham gia mô hình trình diễn canh tác loại lúa này tại bản; thấy được hiệu quả kinh tế, tôi đã gieo cấy 100% giống lúa mới trên diện tích ruộng nước của gia đình và đã thu được kết quả khả quan, năng suất cao gấp 1,8 lần so với các giống lúa địa phương sử dụng trước đó.
Nỗ lực tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, 6 tháng đầu năm nay, việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp huyện Tủa Chùa đều có mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất lúa chiêm xuân, ngô xuân, đậu tương và lạc đều đạt và vượt kế hoạch.
Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 2.496 tấn, tăng 165,14 tấn so với cùng kỳ năm 2013; sản xuất 91ha rau màu vụ đông - xuân; trong đó, có 80,5ha rau các loại (bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua...) và 10,5ha đậu đỗ (tăng 20% diện tích so với cùng kỳ năm 2013).
Có thể bạn quan tâm

Kết quả các mẫu nước cho thấy, độ mặn tại vùng nuôi dao động trong khoảng 32-34‰, trong ngưỡng cho phép đối với nước nuôi trồng thủy sản. Riêng mẫu nước gần bờ thu tại Vũng Mắm có độ mặn thấp hơn so với các mẫu khác, chỉ 27‰

Chính phủ Hà Lan và các nhà tài trợ nước này vừa ký kết với Bộ NN-PTNT “Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN” trị giá gần 1,4 triệu EURO. Đây là dự án tài trợ lớn, tạo cú hích cho ngành cao cao VN phát triển.

Phân bón từ lục bình dễ làm và thường được áp dụng ở quy mô hộ gia đình. Loại phân bón này không những tốt cho cây trồng, dễ làm mà còn giúp giảm lượng phân hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất

Năm 2011, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư đã xây dựng mô hình ương cua khay thí điểm ở xã Hương Phong (Hương Trà) và Quảng Phước (Quảng Điền), tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chiều 10/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo về Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ