Rộn ràng vụ hoa Tết
Vào vụ mới
Năm nay gia đình ông Kiều Quang Nhiên ở khối 2, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) trồng hơn 800 chậu hoa cúc và gần 100 chậu hoa đủ loại.
Ông Nhiên cho biết: “Các nhà vườn khác người ta đã xuống giống cách đây 15 – 20 ngày rồi, giờ mình mới trồng thì cũng hơi muộn, nên phải thuê 5 – 7 người làm cho kịp”.
Cũng như ông Nhiên, gia đình chị Văn Kim Hồng, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ cũng đúc chậu, sửa soạn làm đất để trồng cho kịp đợt hoa phục vụ tết. Chị Hồng cho biết:
“Vụ này vợ chồng tôi đúc hơn 1.000 chậu. Xong công đoạn này sẽ bắt đầu trộn hỗn hợp phân và đất, sau đó xuống giống.
Những vụ trước, cũng lấy công làm lời như vậy mà kiếm được 15 – 20 triệu đồng sau mỗi vụ, gia đình phấn khởi lắm!”.
Theo chủ nhà vườn ở các địa phương trồng hoa, vụ hoa tết được bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 (âm lịch) hằng năm.
Theo đó, việc chuẩn bị chậu, phân bón, đất là khâu đầu tiên và quan trọng hơn hết vì phải làm hết sức kỹ lưỡng.
Tiếp đến là khâu chọn giống. Nếu có lượng giống dự trữ từ các năm trước để lại, thì việc nhập giống đỡ tốn kém chi phí hơn so với việc mua giống từ Đà Lạt về.
Ngoài ra, để giữ nhiệt độ cho vườn hoa, các chủ vườn thường kéo điện, thắp đèn cho cây đủ độ sáng để sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh việc xuống giống trồng cúc, nhiều nhà vườn còn trồng xen kẽ các loại hoa như hồng, lay – ơn, vạn thọ… để cung ứng đầy đủ cho thị trường hoa Tết.
Ông Nguyễn Công Binh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết, việc trồng hoa phục vụ tết là nghề đã có từ rất lâu đời ở địa phương này.
Các hộ dân rất chú trọng đến việc chăm sóc và lo đầu ra cho hoa.
Chính vì thế, tới mùa là hầu như nhà nào cũng tất bật vào vụ để trồng và kịp cung ứng cho thị trường hoa tết những chậu hoa đẹp và chất lượng nhất.
Giải quyết việc làm lúc nông nhàn
Vụ lúa hè thu vừa kết thúc, thì cũng là lúc vụ hoa tết bắt đầu. Đây là một trong những công việc giúp cho người nông dân có thêm việc làm, cũng nguồn thu nhập trong những tháng nhàn rỗi. Bà Lê Thị Bên, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp cho biết:
“Một ngày làm như thế này tôi kiếm từ 100 – 120 nghìn đồng. Nếu không có vụ hoa tết, các nhà vườn không thuê mình làm thì cũng ở không ba tháng.
Công việc cũng không nặng nhọc và khó khăn là mấy, chỉ cần tỉ mỉ và biết cách làm thì sẽ có thu nhập ổn định”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp chia sẻ: “Ngoài việc thuê đất để trồng hoa, mình cũng phải thuê thêm nhân công để phụ làm.
Nhất là những ngày cắm “choái”, sửa búp là cần người làm nhất. Giai đoạn hoa gần cho thu hoạch phải túc trực liên tục và thuê ít nhất là 5 nhân công”.
Vụ hoa năm nay, hai xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Hiệp có hơn 720 hộ trồng hoa.
Trung bình một hộ sẽ thuê từ 3 – 7 nhân công để làm vườn, chăm sóc.
Từ đó, có thể thống kê các nhà vườn sẽ giải quyết việc làm cho hơn 4.300 lao động tại các địa phương với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn An – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: "Vụ hoa Tết không những góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân ở địa phương.
Từ đó, họ có công việc ổn định, có thêm nguồn thu nhập trong mùa nông nhàn. Tuy nhiên, trong quá trình trồng hoa, các nhà vườn thường gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những lúc mưa to, gây ngập úng, thất thoát nặng.
Chính quyền địa phương cũng rất mong các cấp quan tâm, xem xét cũng như có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người trồng hoa nếu như gặp mất mùa hoặc những điều đáng tiếc không may xảy ra".
Có thể bạn quan tâm
Nhiều loại trái cây ở nước ngoài vốn mọc hoang dã trong tự nhiên, hoặc được trồng để làm cảnh, nhưng khi về Việt Nam lại được săn lùng và bán với giá cả triệu đồng một kg.
Mấy tuần gần đây, trên địa bàn hai huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) xuất hiện nhiều nhóm người đến gạ gẫm đồng bào dân tộc Khmer đào cây thốt nốt để bán cho họ, sau đó vận chuyển cây ra Bắc rồi bán sang Trung Quốc.
Gần một trăm hộ nuôi cá lồng trên sông ở Hà Tĩnh bỗng chốc "trắng tay" vì cá chết hàng loạt sau đợt mưa lũ vừa qua. Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại hơn 6 tỉ đồng.
Trong suốt một tuần qua (từ cuối tháng 9 đến nay - 4.10), hàng trăm hộ dân vùng chè Cầu Đất (Xuân Trường, Đà Lạt, Lâm Đồng) - vùng trà ô long số một của Việt Nam, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nơi tiêu thụ chè ô long nguyên liệu.
Bí quyết để người nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Khánh Hòa thu lãi hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng mỗi năm là nhờ áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng.