Ngư Dân Mang Lộc Biển Về Đất Liền

Sau gần một tháng trời lênh đênh, đón giao thừa trên biển, hàng chục tàu cá của ngư dân Phú Yên đã tấp nập về bến ngày 24-1 (mùng 2 tết, mang theo “lộc biển” đầu năm: hàng trăm tấn cá ngừ đại dương.
Trong hai ngày đầu năm mới, tại cảng cá phường 6 và Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên) hàng trăm tàu câu cá ngừ đại dương lần lượt vào bến, mang theo gần 100 tấn cá ngừ đại dương. Bình quân mỗi tàu đánh bắt được 20-30 con, tương đương 1-1,5 tấn/tàu.
Ngư dân Trần Văn Xếp (phường 6, TP Tuy Hòa) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có hai tàu, hiện đã có một tàu vào bến. Với hơn 1,5 tấn cá đánh bắt được trong chuyến đầu tiên trong năm, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Đây là số tiền rất có ý nghĩa trong ngày đầu năm. Chiếc thứ hai đang trên đường về còn “thắng” hơn chiếc này".
Cùng chung niềm vui với ông Xếp, ông Mai Thanh Minh chủ tàu PY-92628 TS cho hay: “Tàu tôi đi chuyến này mất gần một tháng và câu được hơn 1,5 tấn cá ngừ đại dương. Hiện cá ngừ xuất hiện nhiều, tôi dự tính cho anh em nghỉ ngơi, chơi tết vài ngày và chuẩn bị vật tư, lương thực thực phẩm cho một chuyến sắp tới, không bỏ lỡ cơ hội”.
Theo bà Nguyễn Thị Xinh, chủ doanh nghiệp tư nhân thu mua cá ngừ Khải Vỹ, chỉ riêng ngày mồng 2 tết, đã mua được gần 10 tấn cá loại một, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và khoảng 10 tấn loại hai cung cấp các doanh nghiệp chế biến trong nước.
Để giải phóng nhanh tàu cho ngư dân, doanh nghiệp đã huy động tối đa nhân công và bốn xe đông lạnh, cấp tốc cân, vận chuyển cá để bà con tranh thủ thời gian ăn tết, sớm quay lại biển.
“Trong hai ngày đầu năm, doanh nghiệp của tôi đã nhập gần 20 tấn cá ngừ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Số cá trên đã được chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong nước”, ông Lê Văn Lợi, chủ doanh nghiệp thu mua cá ngừ Lợi Anh cũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Trong mấy ngày gần đây, dịch cúm gia cầm (CGC) đã xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Trung- Tây Nguyên như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Kon Tum, Đăk Lăk… gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng của dịch này rất cao.

Nhờ thực hiện có hiệu quả đề án lai tạo đàn bò giai đoạn 2011- 2015 của huyện Vân Canh (Bình Định) mà đàn bò ở huyện miền núi này đã có bước phát triển khá cả về số lượng lẫn chất lượng, giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi bò.

Ông Phan Công Ngôn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000ha cà phê, chè, lúa ở các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông đã rơi vào tình trạng thiếu nước tưới. Các huyện còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ này, cao nhất là ở những địa phương nằm cuối nguồn, hoặc ngoài công trình thủy lợi.

Giữa thời điểm còn nhiều luồng thông tin về chất lượng rau an toàn (RAT) như hiện nay, việc thiết lập được những mô hình sản xuất rau thực sự đảm bảo chất lượng là mong mỏi cấp thiết của nhiều người tiêu dùng.

Ông Bảo cũng cho biết, phía đối tác Ukraine khá ưng ý với chất lượng xoài của HTX nên sau đợt xuất hàng này, họ sẽ tiếp tục ký hợp đồng dài hạn với HTX cung ứng khoảng 1 - 2 container xoài/tháng (1 container trên 20 tấn) cho họ.