Rộn Ràng Mùa Gặt

Vào những ngày giữa tháng Ba, trên nhiều cánh đồng ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Tư Nghĩa, chúng tôi bắt gặp không khí lao động hăng say, sôi nổi của bà con nông dân đang thu hoạch lúa.
Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt, máy cắt lúa, tiếng mọi người gọi nhau í ới rộn rã một vùng quê. Mồ hôi đổ ra ướt đẫm áo, nhưng trên khuôn mặt các nông dân đều rạng rỡ nụ cười. Thành quả mà họ thu được sau hơn 3 tháng chăm bón là những hạt lúa vàng óng, no tròn, báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Mặc dù bận rộn với công việc suốt lúa, nhưng Chị Phạm Thị Lan ở thôn Kỳ Thọ Nam, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) vẫn phấn khởi khoe: “Nhà tôi có 4 sào sạ giống OM 6661, mới gặt 2 sào đã thu được tới 16 bao lúa khô. Vụ này nông dân đỡ vất vả mà lúa lại trúng mùa”. Bởi thế, thời sự khắp ngoài ruộng, trong ngõ, ngoài xóm chính là câu chuyện được mùa.
Thấy chúng tôi đến quan sát không khí thu hoạch của bà con, anh Đoàn Văn Minh sôi nổi kể chuyện được mùa: “Lúc mới sạ, nhiều đám ruộng bị sâu bệnh ai cũng lo, nhưng được cái là ít chuột cắn phá cộng với bón phân, phun thuốc đúng hướng dẫn, lúc lúa trổ gặp thời tiết thuận lợi nên lúa đẹp quá!”.
Tại cánh đồng Đồng Dông của xã Đức Phú (Mộ Đức), 3 máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất. Vài chục con người tất bật khuân vác lúa lên bờ. Cánh đồng ngập tràn màu vàng óng ả của lúa chín.
Ôm bó lúa vàng trĩu hạt trên tay, chị Huỳnh Thị Nguyệt ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) phấn khởi cho biết: “Vụ này tôi làm 10 sào, đến thời điểm này tui đã cắt được 8,5 sào. Mọi năm 1 sào phơi khô giỏi lắm được 5 bao lúa. Năm nay, chắc mỗi sào được 6 đến 8 bao lúa khô, tùy theo đám ruộng đất cát hay đất thịt. Lúa rất xinh. Đây là vụ trúng mùa nhất từ trước tới nay, ai cũng vui… ”.
Để tiết kiệm chi phí gặt lúa, nhiều gia đình thuê máy cắt lúa với giá 50.000 đồng/sào, còn suốt thì huy động cả nhà ra tay. Nếu thuê trọn gói máy gặt đập liên hợp, dù đỡ vất vả, nhưng phải tốn đến 160.000 – 170.000 đồng/sào, tùy theo chân ruộng sâu hay cạn.
Vì thời tiết ủng hộ, thu hoạch đến đâu, bà con phơi khô cho vào bồ đến đó. Rơm rạ một ngày sau khi gặt, bà con cũng tranh thủ mang về nhà chất thành cây đề phòng trở tính trở nết mưa gió thất thường.
Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể vì mới bước vào vụ gặt, nhưng theo đánh giá của ông Trần Thiên Thanh- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa: Vụ đông xuân năm nay, chắc chắn lúa chính vụ sẽ đạt năng suất, sản lượng cao hơn từ 0,5 đến 1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái. Bởi thời tiết khí hậu rất thuận lợi, sâu bệnh ít hại lúa, chuột phá hại cũng giảm nhiều nhờ trận lũ hồi tháng 11 năm ngoái cuốn trôi.
Diện tích và năng suất lúa tăng một mặt do nguồn nước Thạch Nham và các hồ, đập đảm bảo. Bà con cũng thực hiện các khâu chăm sóc đúng lịch thời vụ như đã được khuyến cáo và sử dụng các giống lúa năng suất cao, cũng như thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên hạn chế được dịch bệnh, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Các địa phương đang tích cực chỉ đạo các xã đôn đốc bà con khẩn trương thu hoạch trên những thửa ruộng lúa đã chín, đánh giá năng suất và chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất vụ hè thu tới.
Có thể bạn quan tâm

Vụ đông xuân 2013-2014, tranh thủ thời tiết thuận lợi, có mưa đều rải vụ, sâu bệnh ít cộng với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và nỗ lực của bà con nông dân nên kết quả sản xuất hai vụ được mùa.

Sản lượng lớn, chất lượng tốt song khâu bảo quản và tiêu thụ quả tươi vẫn đang là một thách thức đối với người trồng vải. Việc tìm kiếm, ứng dụng công nghệ bảo quản sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) thâm nhập các thị trường "khó tính”, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế.

Vừa qua, tại xã Cao Xá (huyện Lâm Thao), Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tham quan đầu bờ mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK-S khép kín (chuyên dùng) và ứng dụng bản đồ nông hóa trong bón phân cho cây lúa xuân trên đất phù sa.

Trong khi vải thiều tươi của Việt Nam năm nay xuất khẩu qua biên giới nhỏ giọt, thì loại quả này từ Trung Quốc đang xuất ngược sang ta, gây ra nhiều lo ngại.

Đặc biệt, Hải Dương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất vải quả và ổi theo mô hình VietGAP, với hàng ngàn hộ dân tham gia và trở thành địa phương đầu tiên trong vùng vải miền Bắc được chứng nhận VietGAP.