Rơm Rạ Nhả Tiền
Hiện nay, nghề trồng nấm ở một số huyện trong tỉnh Bắc Giang phát triển khá mạnh, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho bà con mà còn cung cấp thực phẩm sạch, bảo vệ môi trường.
Khai thác lợi thế
Theo lời giới thiệu của cán bộ huyện Lạng Giang, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện của gia đình anh Hoàng Viết Trương, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục. Bước qua cánh cổng vào trang trại nấm là nhà kho rộng chừng 700m2 chứa hàng trăm tấn rơm rạ, mùn cưa và hệ thống lò hơi khử trùng chạy xình xịch.
20 lao động đang tất bật đảo trộn, đóng bịch nguyên liệu cho vụ nấm mới. Phía sau ngôi nhà 2 tầng khang trang là các lán trại được đổ cột bê tông, cọc sắt, có mái che mưa nắng chắc chắn treo hàng nghìn bịch nấm sò.
Trước đây anh Trương từng làm dịch vụ xay xát gạo, nấu rượu, nuôi lợn rồi buôn vải thiều đi khắp các tỉnh. Trong những chuyến đi đó, anh có điều kiện tham quan nhiều mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, năm 2007, anh chuyển sang sản xuất nấm ngay tại nhà với khoảng 15 tấn nguyên liệu/năm.
Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, ngay vụ đầu tiên, nấm được mùa, xoè cánh tua tủa, cứ mỗi tấn nguyên liệu lãi 5-6 triệu đồng.
Nhận thấy trồng nấm vừa tận dụng được sản phẩm phụ từ nông nghiệp như: rơm, rạ làm nguyên liệu, bảo vệ môi trường vừa tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho cả gia đình nên anh từng bước mở rộng quy mô sản xuất.
Anh Trương nói: "Trồng nấm quan trọng nhất là chọn được giống bảo đảm chất lượng như: không bị nấm mốc, mầm ra đều. Bên cạnh đó, chú ý diệt mầm bệnh trong nguyên liệu bằng nước vôi và chế phẩm trước khi cấy giống để nấm không bị chết hàng loạt. Thường xuyên duy trì độ ẩm phù hợp, che bạt kín gió vào mùa đông tránh gió lùa làm héo nấm”.
Từ năm 2010 - 2012, mỗi năm gia đình anh sản xuất 100 tấn nguyên liệu nấm sò, mỡ và nấm rơm, thu hoạch từ 50 - 60 tấn sản phẩm tươi, doanh thu 1,2-1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động nông thôn với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, bằng nguồn vốn tích cóp và hỗ trợ của tỉnh, huyện, vay thêm ngân hàng, anh đầu tư 3 tỷ đồng mở rộng diện tích trồng nấm lên 5.000 m2 đất vườn của gia đình và đất bãi mượn lại của các hộ trong thôn. Năm nay, anh đã chuẩn bị hơn 500 tấn nguyên liệu để làm nấm với số lượng 40 nghìn bịch, chủ yếu là mộc nhĩ và nấm sò.
Thời điểm này, hơn 10 nghìn bịch nấm sò đang bắt đầu nhú mầm sẽ cho thu hoạch trong những tháng tới, dự kiến được 70 tấn sản phẩm, doanh thu ước 3 tỷ đồng. Năm 2012, anh được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.
Được vinh danh nhờ trồng nấm
Anh Nguyễn Xuân Quý ở thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu (Tân Yên) cũng là một chủ trang trại trồng nấm quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Vốn là người năng động, cần cù, chịu khó nên ngay từ thời thanh niên, anh vào nhiều tỉnh ở miền Nam để tìm kiếm việc làm. Hơn 10 năm xa gia đình, anh lái xe cho một số công ty vận tải và làm thuê cho tổ hợp sản xuất nấm của Hội Cựu chiến binh TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bởi thế, anh nắm bắt khá chắc về kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm. Năm 2009, anh đầu tư 300 triệu đồng cải tạo khu vườn trồng vải thiều và bạch đàn cằn cỗi của gia đình rộng chừng 700 m2 để xây dựng lán trại. Vừa làm vừa mở rộng quy mô, mấy năm gần đây, mỗi năm gia đình anh sử dụng từ 100 - 120 tấn nguyên liệu. Theo anh Quý, thời vụ trồng nấm sò và mộc nhĩ bắt đầu từ tháng 8 dương lịch, sau 25 ngày bắt đầu cho thu hoạch kéo dài đến tháng 4 dương lịch; từ tháng 4 dương lịch đến tháng 7 dương lịch là thời vụ sản xuất nấm mỡ. Tuy nhiên, nấm chỉ phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 20 độ C - 28 độ C, trong nhà lán thoáng mát, đủ độ ẩm.
Nếu nhiệt độ lạnh quá hoặc nóng quá nấm sẽ bị thui chột mầm. Ngoài ra, anh sử dụng nước sạch bơm từ giếng lên để tưới cho nấm. Với cách làm gối lứa, gần như quanh năm gia đình anh đều có nấm cung cấp cho thị trường. Bình quân, mỗi tấn nguyên liệu nấm mỡ đạt năng suất 350 kg nấm tươi; nấm sò đạt 700 kg; nấm mộc nhĩ đạt 120 kg khô.
Do nấm là sản phẩm sạch, bổ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ nên thị trường tiêu thụ nấm khá thuận lợi. Vào vụ thu hoạch, các chủ nhà hàng, khách sạn, đại lý lớn ở trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh đến tận nhà thu mua. Mỗi năm, anh bán 30 tấn sản phẩm nấm tươi các loại và 4 tấn mộc nhĩ khô, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng.
Trang trại của gia đình anh còn tạo việc ổn định và thời vụ cho 5 - 10 lao động địa phương với thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, anh là một trong 56 thanh niên trong toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng "Khi Tổ quốc cần” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Trong năm 2013, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tiếp tục chỉ đạo các địa phương khôi phục, tận dụng và khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tại Thanh Hóa: Đã có 4 hồ, đập tại huyện Tĩnh Gia đã bị tràn, vỡ khiến hàng nghìn hộ dân ở các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị cô lập trong nước lũ. Toàn huyện hiện có gần 2.000 ha lúa mùa đang thời kỳ thu hoạch, 1.500 ha hoa màu vụ đông vừa gieo trồng bị nước cuốn trôi, nhiều nhà dân bị sập đổ và hơn 30 ha nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối bị thiệt hại.
Theo chủ các cơ sở chuyên ấp nở giống gia cầm tại xã Yết Kiêu (Gia Lộc - Hải Dương), giá bán gia cầm giống tại lò giảm mạnh so với tháng trước.
Sau ba năm thực hiện chính sách phát triển vùng sản xuất rau chế biến (giai đoạn 2010-2012), tỉnh Bắc Giang đã hình thành hàng chục vùng gieo trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng một phần nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản. Nhờ đó, nhiều nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Kế Sách là vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng, nhưng diện tích treo ao đã trên 70%. Những người tâm huyết với nghề giờ cũng ngán ngẫm, đành treo ao để chờ giá đầu ra ổn định, nhưng xem ra tình hình chẳng mấy cải thiện.