Nuôi Tôm Đất - Lãi Không Nhiều Nhưng Ít Rủi Ro
Ông Phạm Văn Tánh, ấp Thanh Nhung I (Phước Trung, Gò Công Đông, Tiền Giang) vừa thu hoạch ao nuôi tôm đất 3.000m2 đầu tiên với lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Do không có nhiều kinh nghiệm nuôi đối với loại tôm này nên hiệu quả mang lại chưa cao, nhưng bước đầu có thể thấy đây là giải pháp thay thế an toàn đối với các ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh bị dịch bệnh.
Là người có 16 năm nuôi tôm sú (TS), tôm thẻ chân trắng (TTCT) thâm canh, ông Phạm Văn Tánh đúc kết nghề nuôi 2 loại tôm này ngày càng nhiều rủi ro về dịch bệnh, giá cả nên tính ra hiệu quả của cả quá trình nuôi tôm của ông gần như hòa vốn. Chính vì vậy, ông đã mạnh dạn chuyển đổi hai trong số bốn ao nuôi TTCT sang nuôi tôm đất để mong có được lợi nhuận bền vững hơn.
Ông Tánh cho biết, gia đình ông có 4 ao nuôi tôm với tổng diện tích mặt nước 12.000m2 (nếu tính cả diện tích ao lắng, bờ bao thì lên tới 25.000m2). Năm 2012, ông thả nuôi 3 vụ TTCT thì cả 3 vụ đều bị thiệt hại, trong thời gian 25 - 30 ngày tuổi (chết sớm do dịch bệnh) khiến ông lỗ 200 triệu đồng.
Đầu năm 2013, nghe thông tin có một số nơi nuôi tôm đất có hiệu quả, ông Tánh là người đầu tiên trong xã mạnh dạn thả 600.000 con tôm đất giống trong ao 3.000m2 (mật độ 200 con/m2) để nuôi thử nghiệm. Sau 80 ngày thả nuôi, ông Tánh thu hoạch được 900 kg tôm đất thương phẩm cỡ 200 con/kg, bán được với giá 85.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất gồm tôm giống (giá 20 đồng/con), thức ăn (1,2 tấn), nhân công… ông còn lãi 20 triệu đồng.
Theo ông Tánh, hiệu quả của ao tôm này là chưa cao do thiếu kinh nghiệm nuôi, lượng thức ăn dư thừa, tôm giống hao hụt cao. Nếu cho tôm ăn vừa đủ thì ao tôm đất này có thể tiết kiệm được 200 kg thức ăn (giá 37.500 đồng/kg), sản lượng tôm đất thu được sẽ cao hơn với hệ số thức ăn tương đương 1 (tức 1 kg thức ăn cho 1 kg tôm).
Hiện nay, ông đang nuôi 1 ao tôm đất 3.000m2 2 tháng tuổi, tôm đạt kích cỡ 250 con/kg và một ao tôm đất đã thả giống nuôi được 1 tháng. Hai ao tôm này hứa hẹn đạt hiệu quả cao hơn với lợi nhuận dự kiến 30 triệu đồng sau hơn 2,5 tháng thả nuôi. Tiếp nối thành công này, ông cũng đang chuẩn bị mua tôm đất giống để thả nuôi vào ao tôm đã thu hoạch. Ngoài ra, một số bà con nuôi tôm ở trong xã cũng như trên địa bàn tỉnh cũng đã manh nha phong trào nuôi tôm đất trong ao nuôi TS, TTCT bị dịch bệnh.
“Nuôi tôm đất thì tôi ăn ngon, ngủ khỏe, không phải lo nghĩ về môi trường dịch bệnh. Bởi chỉ cần lấy nước ngoài sông vào (không phải xử lý nước như nuôi TS, TTCT), thả giống và cho tôm ăn là chờ tới ngày thu hoạch. Trong suốt quá trình nuôi tôm, tôi chỉ cần đo độ mặn nước trong ao nuôi một lần để cơ sở sản xuất giống đưa độ mặn về ngưỡng thích hợp nhằm giảm hao hụt khi thả giống mà thôi. Hiện nay, tôm đất cũng được thương lái ưu tiên mua so với các loại tôm khác nên tính ra cũng dễ tiêu thụ” - ông Tánh hồ hởi nói.
Trước hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm đất tại gia đình ông Phạm Văn Tánh cùng với một số hộ nuôi khác, có thể nói đây là giải pháp chuyển đổi hiệu quả từ các ao nuôi TS, TTCT thâm canh, bán thâm canh lâu năm bị dịch bệnh. Tuy nhiên, bà con nông dân cần lưu ý, tôm đất là đối tượng thủy sản chỉ được tiêu thụ nội địa, nhu cầu thị trường không nhiều nên trước khi thả nuôi tôm đất cần cân nhắc kỹ, không nên ồ ạt thả nuôi theo phong trào để tránh tình trạng dội chợ, rớt giá.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình tôm - lúa ở huyện Thới Bình (Cà Mau) một năm chia ra 2 vụ. Từ đầu năm đến khoảng tháng 7 âm lịch, các hộ dân sẽ lấy nguồn nước mặn để nuôi tôm. Sau đó đưa nước ngọt vào và tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn, làm vụ lúa kết hợp nuôi tôm từ cuối tháng 7 âm lịch đến cuối năm.
Chị Lê Thị Hân, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang) nuôi cá rô đầu vuông gần 10 năm cho biết: “Những năm trước đây, tôi nuôi 8 ao cá với diện tích trên 10.000 m2 mặt nước, thu hoạch gần 100 tấn, nhưng nay vì thua lỗ nên chỉ nuôi 2 ao, với sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn”.
Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, người dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.
Trước kia đàn bò ở đây chủ yếu là giống bò cỏ, nuôi chậm lớn nên xuất bán lãi không cao. Từ năm 1995 An Phú đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò. Đến nay tổng đàn bò của xã trên 2.100 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 85%.