Rầy Bùng Phát Mạnh
Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, chú trọng đầu tư thâm canh nên 3 tháng nay 7 sào lúa hè thu trên cánh đồng Cồn Mồ của anh Tám Duy Vinh ở huyện Duy Xuyên sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Cách đây 2 tuần, toàn bộ diện tích ấy đồng loạt trổ đòng rộ, gặp thời tiết nắng ấm kéo dài, quá trình thụ phấn diễn ra hết sức thuận lợi nên hạt lúa nào cũng ngậm đầy sữa. Đang vui vì lúa rất được mùa thì mấy ngày gần đây vợ chồng anh Tám nặng trĩu âu lo bởi rầy nâu và rầy lưng trắng xuất hiện trên ruộng mỗi lúc một nhiều.
Khoanh tay đứng nhìn những sào lúa đã khô ráp từng vạt, anh Tám lắc đầu: “Chú Tư biết không, gần giữa tháng 8 kiểm tra đồng ruộng thấy mật độ rầy dày đặc nên tui vội vã chạy xe lên thị trấn Nam Phước mua thuốc đặc hiệu về phun trừ. Thế nhưng, chẳng hiểu sao bây giờ nhiều diện tích vẫn bị cháy chòm. Khổ thiệt, dịch tai xanh cứ bùng phát liên miên, sợ quá, hơn 1 năm nay tui bỏ nuôi heo.
Chừ mất mùa lúa thì cuộc sống gia đình sẽ khó khăn”. Vụ trước, rầy nâu và rầy lưng trắng không hoành hành trên diện rộng nên bình quân mỗi sào anh Tám thu được 330kg lúa khô. Còn nay, theo anh chắc chắn sẽ tụt giảm ít nhất 20% sản lượng.
Chẳng riêng gì vợ chồng anh Tám Duy Vinh, mấy ngày qua lội khắp đồng đất Duy Xuyên đâu Tư tôi cũng thấy nhà nông rầu lòng bên những ruộng lúa bị rầy tấn công. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, từ cuối tháng Bảy dương lịch đến nay tại địa phương này đã có gần 120ha lúa hè thu chính vụ bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại, tập trung chủ yếu ở xã Duy Phước, Duy Trung, Duy Châu, Duy Thành, Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Tân và thị trấn Nam Phước. Trong đó, không ít diện tích đã bị cháy chòm do mật độ rầy trên ruộng lúa quá cao, khoảng 4 - 5 nghìn con/m2.
Ông Năm nói: “Trước tình hình trên, để giảm thiểu những thiệt hại cho nhà nông, ngành nông nghiệp huyện đã có công văn yêu cầu chính quyền 14 xã, thị trấn trên địa bàn quyết liệt chỉ đạo các bộ phận liên quan, nhất là đội ngũ khuyến nông cơ sở khẩn trương kiểm tra đồng ruộng và tích cực hướng dẫn nông dân triển khai đồng bộ những biện pháp phòng trừ rầy hữu hiệu”.
Hôm qua, nghe chuyện, chú Ba Nông Nghiệp chậc lưỡi: “Đâu chỉ huyện Duy Xuyên, thời điểm này rầy nâu và rầy lưng trắng cũng bùng phát mạnh trên rất nhiều cánh đồng lúa ở hàng loạt địa phương khác. Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 8 sẽ còn một lứa rầy ra rộ nữa.
Nếu trong những ngày tới bà con nông dân không thường xuyên thăm đồng và chủ động các phương án đối phó thì chắc chắn mức độ thiệt hại do 2 loại rầy nguy hiểm này gây ra sẽ rất lớn”. Chú Ba khuyến cáo, kiểm tra thấy rầy xuất hiện với mật độ 2 nghìn con/m2 thì nhà nông phải dùng thuốc đặc hiệu phun trừ. Đồng thời, giữ mực nước trên ruộng khoảng 3 - 5cm, bởi nếu để ruộng khô thì rầy sẽ gây hại nặng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Người nuôi cá rô đầu vuông ở ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh của người nuôi cá tra, “chết đứng” hàng loạt. Thê thảm nhất có lẽ là người nuôi ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Đây chính là nơi gần 10 năm trước khởi nguồn phong trào nuôi cá rô đầu vuông khắp ĐBSCL.
Giá muối SX thủ công tại Khánh Hoà hiện đang ở mức từ 650-800 ngàn đồng/tấn, tăng từ 50-100 ngàn đồng/tấn so với tháng trước.
Hàng ngàn tấn hành tây tích trữ tại Đà Lạt hiện tại không tìm được nơi tiêu thụ, có nguy cơ phải đổ bỏ số lượng lớn do thời tiết mưa ẩm kéo dài.
Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết: Thời gian gần đây, tình hình sâu đục thân gây hại cà phê trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là trên địa bàn TP Đà Lạt, đã tái phát và diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Tính đến cuối tháng 5/2014, tại các xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung của TP Đà Lạt đã có 440ha cà phê bị sâu đục thân gây hại.
Trong bốn năm trở lại đây, diễn biến khí hậu xảy ra khá thất thường và năm nay cũng không là ngoại lệ khi ở Nam Bộ tiết trời se lạnh kéo dài từ sau tết Nguyên Đán cho đến tháng 3, và đến đầu tháng 6 thì vẫn còn nắng nóng gay gắt và oi bức.