Rau Xanh Mùa Đông Giá Cao, Dễ Bán

Trong điều kiện thời tiết thường bất lợi, nhưng trồng rau vụ đông vẫn mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
Sau trận lũ muộn mới đây, nông dân các xã Phú Mậu, Phú Thanh (Phú Vang), Quảng Thọ, Quảng Thành, Sịa (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế)... đã tập trung khôi phục, tẩy rửa lớp bùn non phủ trên những luống rau. Những vườn rau cải, xà lách, hành ngò... nhờ vậy mà nay đã phủ một màu xanh non mơn mởn. Vùng nông thôn những ngày này có nhiều chuyến xe chở rau đến các chợ vùng ven đô, hay trung tâm thành phố Huế để bán.
Ông Lê Văn Lự ở xã Phú Mậu tỏ ra phấn khởi trước vụ rau mùa đông đang xanh tốt, cho thu nhập cao. Cạnh vườn hoa ly, cúc, mokara (cho thu nhập mỗi ngày vài trăm ngàn đồng) là 5 sào rau cải, xà lách cũng mang lại nguồn thu không kém. Ông Lự nói: “Vụ rau mùa đông nhiều năm trước thường ảnh hưởng rét đậm rét hại nên thu nhập không cao. Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho rau sinh trưởng tốt. Rau vụ đông thường đẹp hơn so các mùa nên dễ bán, giá lại cao”. Chỉ 5 sào rau xà lách, cải, bình quân mỗi ngày ông Lự thu về 200 ngàn đồng, những ngày cao đến 300 ngàn đồng.
Bà Hà Thị Hiệp ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu chia sẻ: “Nhờ trồng rau mà gia đình có điều kiện nuôi bốn đứa con ăn học. Mọi chi phí sinh hoạt, học tập của các con, gia đình đều dựa vào 1.300m2 rau cải, xà lách”. Rau được trồng và thu hoạch bán quanh năm, nhưng thường cho thu nhập cao vào vụ đông và xuân. Giá rau vụ đông cũng thường cao hơn so với các vụ khác. Sau khi thu hoạch, người dân kết thành từng bó và các lái buôn về tận vườn để thu mua. Vụ đông năm nay, vườn rau phát triển rất tốt. Mỗi ngày gia đình bà thu nhập gần 150 ngàn đồng, tương ứng 4,5 triệu đồng mỗi tháng.
Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Mậu, ông Dương Thống nhận định, trồng rau được xác định là một trong những đối tượng chủ lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Mấy năm gần đây, hợp tác xã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, gắn hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với khoảng 40 ha rau trên địa bàn góp phần ổn định, nâng cao đời sống người dân. Hàng trăm hộ nhờ trồng rau đã thoát được nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.
Lo ngại nhất đối với trồng rau vụ đông là mưa lũ thất thường. Có năm lũ dồn dập, kéo dài gây thiệt hại lớn. Bù lại, rau vụ đông thường khan hiếm vì lũ lụt nên dễ bán, giá lại cao. Những năm lũ ít, hoặc không có lũ thì được mùa. Đợt lũ muộn vừa qua dù gây ngập úng nhiều diện tích rau ở vùng thấp trũng huyện Quảng Điền. Nông dân cũng kịp thời tiêu úng, tẩy rửa môi trường, kích thích rau sinh trưởng.
Vựa rau Quảng Điền khoảng 300 ha, mỗi năm thu lãi trên dưới 50 tỷ đồng. Rau sạch theo hướng VietGAP ở Quảng Điền khoảng 60ha, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, mà còn được Cơ sở chế biến rau Hóa Châu thu mua để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị ở TP Huế.
Các hộ trồng rau sạch ở Quảng Điền được đánh giá chấp hành tốt các quy định sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, bón phân hóa học, không tưới rau từ nguồn nước ô nhiễm... Sau khi thu mua sản phẩm, cơ sở Hóa Châu còn qua công đoạn sơ chế... mới cung ứng ra thị trường.
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 1.238 ha rau màu, như xà lách, cải, hành ngò... Tích lũy nhiều năm kinh nghiệm sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng. Đáng chú ý mấy năm gần đây, nhiều hộ ứng dụng mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP.
Từ mô hình điểm ở xã Quảng Thành (Quảng Điền), đến nay mô hình trồng rau an toàn đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dù mới chỉ có khoảng vài trăm ha trong tổng diện tích gần 1.238ha toàn tỉnh được sản xuất rau theo mô hình VietGAP, song diện tích còn lại đang được người dân từng bước chuyển đổi sang sản xuất theo hướng an toàn chất lượng.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết, mới đây đơn vị lấy 5 mẫu rau để xét nghiệm, giám sát các chỉ tiêu an toàn đều cho kết quả tốt, không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nguồn rau của nông dân hiện nay chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, các nhà hàng, khách sạn, chưa vào được các siêu thị lớn vì quy định chất lượng khá nghiêm ngặt.
Có thể bạn quan tâm

Nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc ở Cái Bè (Tiền Giang) cũng đang cười tươi khi trái chín được các thương lái tìm mua tận vườn với giá hơn 40.000đ/kg. Ông Nguyễn Tấn Hoanh, ấp 1, xã Tân Thanh cho biết: Nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc đã nắm vững kỹ thuật, điều khiển cho cây ra trái rải vụ đều thắng lợi. Với giá bán từ 45.000 - 50.000đ/kg, trừ chi phí nhà vướn còn lãi 500 triệu đồng/ha. Đặc biệt, thời tiết năm nay thuận lợi đối với việc xử lý cho xoài ra hoa rải vụ nên chi phí giảm 1/2 so với năm trước.

Ông Thái Văn Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đường Biên Hòa (BHS), cho biết thời gian qua, nhiều nhà máy sản xuất đường trong nước gặp khó khăn vì cung vượt cầu vì vậy, lượng đường tồn kho của cả nước vẫn còn trên nửa triệu tấn.

90% số hộ chăn nuôi ở Đồng Nai hiện đang nuôi gia công cho các DN nước ngoài, trong đó lớn nhất là C.P”, L., chủ một trại chăn nuôi ở Đồng Nai bộc bạch. Anh L. trước đây cũng từng làm chủ DN nhưng thị trường chăn nuôi quá bấp bênh, đầu ra không ổn định nên cuối cùng phải chấp nhận nuôi gia công cho C.P, lợi nhuận thấp hơn nhưng “thu nhập ổn định”.

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam - cho biết, từ đầu năm tới nay, giá xăng giảm nhiều lần nhưng trên thực tế mỗi lần chỉ giảm ở mức vài trăm đồng nên các nhà cung cấp không điều chỉnh giá tương ứng. Tuy nhiên, lần giảm giá ngày 7/11 nhiều hơn nên siêu thị sẽ có công văn đề nghị nhà cung cấp xem xét lại mức giá hàng hóa hợp lý.

Tham dự hội nghị có PSG – TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Phi Hổ. Về phía tỉnh Đồng Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc đến dự.