Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau Xanh Mùa Đông Giá Cao, Dễ Bán

Rau Xanh Mùa Đông Giá Cao, Dễ Bán
Publish date: Monday. December 29th, 2014

Trong điều kiện thời tiết thường bất lợi, nhưng trồng rau vụ đông vẫn mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.

Sau trận lũ muộn mới đây, nông dân các xã Phú Mậu, Phú Thanh (Phú Vang), Quảng Thọ, Quảng Thành, Sịa (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế)... đã tập trung khôi phục, tẩy rửa lớp bùn non phủ trên những luống rau. Những vườn rau cải, xà lách, hành ngò... nhờ vậy mà nay đã phủ một màu xanh non mơn mởn. Vùng nông thôn những ngày này có nhiều chuyến xe chở rau đến các chợ vùng ven đô, hay trung tâm thành phố Huế để bán.
Ông Lê Văn Lự ở xã Phú Mậu tỏ ra phấn khởi trước vụ rau mùa đông đang xanh tốt, cho thu nhập cao. Cạnh vườn hoa ly, cúc, mokara (cho thu nhập mỗi ngày vài trăm ngàn đồng) là 5 sào rau cải, xà lách cũng mang lại nguồn thu không kém. Ông Lự nói: “Vụ rau mùa đông nhiều năm trước thường ảnh hưởng rét đậm rét hại nên thu nhập không cao. Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho rau sinh trưởng tốt. Rau vụ đông thường đẹp hơn so các mùa nên dễ bán, giá lại cao”. Chỉ 5 sào rau xà lách, cải, bình quân mỗi ngày ông Lự thu về 200 ngàn đồng, những ngày cao đến 300 ngàn đồng.
Bà Hà Thị Hiệp ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu chia sẻ: “Nhờ trồng rau mà gia đình có điều kiện nuôi bốn đứa con ăn học. Mọi chi phí sinh hoạt, học tập của các con, gia đình đều dựa vào 1.300m2 rau cải, xà lách”. Rau được trồng và thu hoạch bán quanh năm, nhưng thường cho thu nhập cao vào vụ đông và xuân. Giá rau vụ đông cũng thường cao hơn so với các vụ khác. Sau khi thu hoạch, người dân kết thành từng bó và các lái buôn về tận vườn để thu mua. Vụ đông năm nay, vườn rau phát triển rất tốt. Mỗi ngày gia đình bà thu nhập gần 150 ngàn đồng, tương ứng 4,5 triệu đồng mỗi tháng.
Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Mậu, ông Dương Thống nhận định, trồng rau được xác định là một trong những đối tượng chủ lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Mấy năm gần đây, hợp tác xã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, gắn hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với khoảng 40 ha rau trên địa bàn góp phần ổn định, nâng cao đời sống người dân. Hàng trăm hộ nhờ trồng rau đã thoát được nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.
Lo ngại nhất đối với trồng rau vụ đông là mưa lũ thất thường. Có năm lũ dồn dập, kéo dài gây thiệt hại lớn. Bù lại, rau vụ đông thường khan hiếm vì lũ lụt nên dễ bán, giá lại cao. Những năm lũ ít, hoặc không có lũ thì được mùa. Đợt lũ muộn vừa qua dù gây ngập úng nhiều diện tích rau ở vùng thấp trũng huyện Quảng Điền. Nông dân cũng kịp thời tiêu úng, tẩy rửa môi trường, kích thích rau sinh trưởng.
Vựa rau Quảng Điền khoảng 300 ha, mỗi năm thu lãi trên dưới 50 tỷ đồng. Rau sạch theo hướng VietGAP ở Quảng Điền khoảng 60ha, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, mà còn được Cơ sở chế biến rau Hóa Châu thu mua để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị ở TP Huế.
Các hộ trồng rau sạch ở Quảng Điền được đánh giá chấp hành tốt các quy định sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, bón phân hóa học, không tưới rau từ nguồn nước ô nhiễm... Sau khi thu mua sản phẩm, cơ sở Hóa Châu còn qua công đoạn sơ chế... mới cung ứng ra thị trường.
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 1.238 ha rau màu, như xà lách, cải, hành ngò... Tích lũy nhiều năm kinh nghiệm sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng. Đáng chú ý mấy năm gần đây, nhiều hộ ứng dụng mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP.
Từ mô hình điểm ở xã Quảng Thành (Quảng Điền), đến nay mô hình trồng rau an toàn đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dù mới chỉ có khoảng vài trăm ha trong tổng diện tích gần 1.238ha toàn tỉnh được sản xuất rau theo mô hình VietGAP, song diện tích còn lại đang được người dân từng bước chuyển đổi sang sản xuất theo hướng an toàn chất lượng.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết, mới đây đơn vị lấy 5 mẫu rau để xét nghiệm, giám sát các chỉ tiêu an toàn đều cho kết quả tốt, không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nguồn rau của nông dân hiện nay chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, các nhà hàng, khách sạn, chưa vào được các siêu thị lớn vì quy định chất lượng khá nghiêm ngặt.


Related news

Củ Hành Tím Được Mùa, Được Giá Củ Hành Tím Được Mùa, Được Giá

Vụ mùa củ hành tím năm 2013, nông dân xã Tân Điền (Gò Công Đông - Tiền Giang) xuống giống 150 ha, nhiều nhất ở ấp Nam và ấp Trung.

Monday. December 16th, 2013
Hiệu Quả Sản Xuất Của Cánh Đồng Mẫu Lớn Hiệu Quả Sản Xuất Của Cánh Đồng Mẫu Lớn

ĐBSCL là vùng trồng lúa quan trọng nhất cả nước. Mặc dù năng suất và sản lượng lúa gia tăng, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.

Monday. December 16th, 2013
Buông Lỏng Kiểm Tra Thức Ăn Thủy Sản, Nông Dân “Lãnh Đủ” Buông Lỏng Kiểm Tra Thức Ăn Thủy Sản, Nông Dân “Lãnh Đủ”

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất gần 4 triệu tấn thức ăn thủy sản (TĂTS) nhưng việc kiểm soát chất lượng mặt hàng lại đang bị buông lỏng, khiến nông dân hứng chịu không ít thiệt hại.

Monday. December 16th, 2013
Sơ Kết Mô Hình Chuỗi Thí Điểm Cá Rô Đồng Theo Hướng An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Sơ Kết Mô Hình Chuỗi Thí Điểm Cá Rô Đồng Theo Hướng An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm

Ngày 12-12, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác triển khai mô hình chuỗi thí điểm cá rô đồng cung cấp thực phẩm an toàn tại tỉnh Hậu Giang năm 2013. Đến dự, có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Nam bộ, một số tỉnh khu vực ĐBSCL và nông dân trên địa bàn tỉnh.

Monday. December 16th, 2013
“Phất Lên” Nhờ Nuôi Lươn Không Bùn “Phất Lên” Nhờ Nuôi Lươn Không Bùn

“Hồi mới bắt tay vào nuôi lươn không bùn, nhiều người tới coi, tỏ ra bán tín bán nghi, cứ lắc đầu vì làm như thế là khác với tập tính của lươn ngoài tự nhiên. Không nản chí, ngày đêm vợ chồng tôi âm thầm thay nhau chăm sóc đàn lươn. Không phụ lòng người, đàn lươn trong bể phát triển từng ngày thấy rõ, gia đình thu lãi 50 triệu đồng sau 6 tháng nuôi” – Ông Hồng cho hay.

Monday. December 16th, 2013