Rau Kỷ Luật Ở Suối Thông B
Hơn 20 hộ dân ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) tự phân công sản xuất từng loại rau theo thỏa thuận với hệ thống siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh. Quy trình sản xuất được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ chịu các hình thức kỷ luật tương xứng như cảnh cáo, khai trừ…
Ở Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương), việc sản xuất “rau kỷ luật” được triển khai từ năm 2007. Trước đó chỉ có 2 hộ gia đình trồng khoảng 4ha cà chua ngoài trời nhưng đã chủ động canh tác theo quy trình an toàn. “Ban đầu chưa ai hay biết gì về tiêu chuẩn VietGAP.
Với suy nghĩ, dù sản xuất một cây rau, một trái cà chua cũng phải bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của người tiêu dùng nên 2 hộ gia đình sản xuất tiêu biểu ở thôn Suối Thông B luôn chọn mua cây giống sạch bệnh, nguồn nước tưới trong lành và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục”, ông Đinh Trọng Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nhớ lại.
Qua nhiều lần khảo sát, người đại diện một hệ thống siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh đã chủ động tìm đến đặt vấn đề thu mua toàn bộ sản phẩm cà chua trên 4ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Theo đó, bên đối tác chịu trách nhiệm cử 2 cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất cà chua an toàn cho nông dân, tư vấn về sử dụng nguồn giống, bao tiêu toàn bộ sản phẩm; bên hộ nông dân có đất sản xuất và lao động, được hưởng toàn bộ sản lượng cà chua bán ra.
Kết quả, sau một lứa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4 tháng, 4ha cà chua “đầu tay” cho năng suất khá cao, đạt hơn 60 tấn/ha. Kiểm tra chất lượng sản phẩm, bên đối tác đã thu mua 100% sản lượng.
Một năm sau - năm 2008, số thành viên của tổ hợp tác tăng lên 12 hộ với hơn 10ha đất liền bờ, liền thửa thuộc khu vực Suối Thông B. Từ đây, bên cạnh cây cà chua chủ lực, tổ đã tổ chức sản xuất hơn 10 loại rau, trong đó có nhiều loại rau cao cấp như xà lách lô lô, súp lơ xanh, rau thơm, quế tây, ngò tây…
Hình thức hợp tác sản xuất- tiêu thụ lần này là giấy thỏa thuận thương mại, bên đối tác không ứng trước vốn đầu tư nhưng vẫn ràng buộc trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nghiệm thu sản phẩm rau các loại trước khi vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Ông Mai Toản, Thư ký Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B, nói thêm: “Bấy giờ, tất cả các thành viên trong tổ chính thức bước vào sản xuất theo khuôn khổ quy định của đối tác. Theo đó, phải lấy mẫu đất phân tích xong mới xuống giống; giếng nước ngầm phải đảm bảo trong lành; hàng ngày, hàng tuần phải ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, chịu sự quản lý kỹ thuật trực tiếp của bên tiêu thụ”.
Nhờ áp dụng đầy đủ các công đoạn sản xuất khắt khe nên 100% sản phẩm thu hoạch của thành viên trong tổ đều đạt yêu cầu của đối tác. Thời điểm này, so với sản phẩm rau cùng loại sản xuất bằng phương pháp thông thường, giá rau an toàn của tổ cao hơn 30%.
Hiện, sản phẩm rau của Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Số lượng thành viên hiện có hơn 20 gia đình, diện tích sản xuất trên 20ha. Bên cạnh diện tích rau ngoài trời, tổ đang xây dựng 2.000m2 nhà kính trồng ớt ngọt, cà chua bi…Tính chung trong năm 2014, lợi nhuận trên 1ha đất sản xuất đạt khoảng 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổ phó Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B, phân tích: “Các thành viên trong tổ đã tự phân bổ tương đối đồng đều lợi nhuận bằng cách luân phiên sản xuất trên từng loại rau. Chẳng hạn, đầu năm thành viên này trồng rau xà lách lô lô, súp lơ, cải thảo thì thành viên kia trồng cà chua, cà tím, quế tây. Đến cuối năm thì hoán đổi trở lại”.
Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay, khoảng 10 hộ thành viên đáng tiếc phải khai trừ khỏi tổ vì “không theo nổi” sự gò bó về kỹ thuật sản xuất, dẫn đến phần lớn sản lượng rau liên tục không đạt tiêu chuẩn VietGAP. “Khai trừ một thành viên là điều bất đắc dĩ. Nhưng không còn cách nào khác vì trên hết phải bảo vệ uy tín sản phẩm rau an toàn của tổ đã tạo dựng hơn 7 năm qua”, ông Hùng nói.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Rau-ky-luat-o-Suoi-Thong-B-108-48693.html
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày 18 – 24/1/2011, đoàn công tác của Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới của Hà Lan đã tìm hiểu thực tế tại Việt Nam.
Cây cóc thuộc loại cây thân mộc, lớn, mọc nhanh, cao 8-18 m (tại Mỹ châu) thuờng trung bình 9-12 m, phân nhánh nhiều cành dễ gẫy
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng với tôm đông lạnh VN đã giảm xuống sau đợt xem xét hành chính của Bộ Thương mại Mỹ lần thứ 5 (POR5)
Hết USD đến vàng, điện, xăng cứ nối đuôi nhau tăng giá, kéo giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng "phi mã", tăng 15 lần trong năm 2010, tăng 3, 4 lần trong hai tháng đầu năm 2011
Tin từ Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu ngày 18-3 cho biết: Cơn mưa sớm vào ngày 17-3 và sáng ngày 18-3 đã làm thiệt hại nặng nề cho diêm dân trong tỉnh