Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau Baby Trên Đất Khô Cằn

Rau Baby Trên Đất Khô Cằn
Ngày đăng: 30/01/2015

Trong lúc giá rau Tết đang có chiều hướng biến động thì riêng rau baby (rau tí hon) trồng trên các thửa đất khô cằn ở xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng và các vùng lân cận vẫn ổn định doanh thu và lợi nhuận.

Dưới chân đèo Mimosa, phường 3, Đà Lạt có một khu vực đất rộng lớn trước đây khai thác làm nguyên liệu sản xuất gạch xây dựng, nay đã phủ lên xanh ngát những luống rau baby nhà kính.
Một chiều cuối tuần, anh nông dân trẻ Nguyễn Trung Thành đang thu hoạch những trái ớt ngọt baby cho vừa đủ số lượng 3 tạ, chuyển ngay về các siêu thị ở Sài Gòn tiêu thụ. Đây là diện tích 500 mét vuông nhà kính mà Thành đã canh tác ớt ngọt baby hơn 7 tháng qua, trong đó đã kết trái cho hoa lợi hơn 3 tháng.
Trung bình mỗi tuần “hái ra tiền” một lần từ 2,5 - 3 tạ trái. “Mùa tết năm ngoái, em trồng hoa lay ơn trên 500 mét vuông ngoài trời, gặp lúc bán được giá nhưng cũng chỉ đạt lãi hơn chục triệu đồng. Chuyển sang trồng ớt ngọt baby nhà kính, số lãi thu về tăng gấp nhiều lần hơn trước.
Hơn nữa, giá ớt ngọt baby của em bán theo hợp đồng ổn định cả năm, nên thường cao hơn giá ớt ngọt bình thường từ 30% trở lên…” - Thành cho biết. Rồi bước sang khu vực nhà kính 500 mét vuông liên canh trồng dưa leo baby, Thành ước tính đã thu hái gần 30 ngày với tổng sản lượng hơn 5 tấn, tính lãi nhanh được hàng chục triệu đồng sau hơn 2 tháng xuống giống. Thành chia sẻ thêm: “Thế là em yên tâm với khoản đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà kính, cải tạo đất và lắp đặt các thiết bị tưới nước, bón phân tự động… sẽ sớm được thu hồi trong năm mới 2015…”.
Cũng thuộc khu vực đèo Mimosa, Đà Lạt, trại rau baby nhà kính rộng 6.000 mét vuông của hộ gia đình ông Cao Chu Vân thì đa dạng chủng loại cây trồng hơn.
Tham quan một vòng trong khu nhà kính này càng ghi nhận khá rõ nét về việc sản xuất quy mô, bài bản của quy trình kỹ thuật công nghệ cao, giúp gia đình ông Vân không ngừng phát triển kinh tế thu nhập với việc chuyên canh nhiều loại rau cao cấp khác nhau từ 7 năm trước.
Đặc biệt cách đây 4 năm, anh nông dân Võ Tiến Huy ở xã Hiệp An, Đức Trọng đến đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ rau baby, ông Vân nhất trí chọn 3 cây rau baby chủ lực là dưa leo, súp lơ và ớt ngọt để trồng luân canh với các loài rau VietGAP khác.
Kết quả tính riêng trong một năm vừa qua, gia đình ông Vân đạt lãi rau baby nhà kính từ 70 - 80 triệu đồng/1.000 mét vuông. Hỏi về kinh nghiệm trồng rau baby nhà kính, ông Vân nói ngay đó là việc tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật thực hành ở 3 công đoạn chính gồm tưới nước, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.
Cụ thể, phải thu hái sản phẩm vào buổi sáng để giữ tươi được lâu hơn trên đường vận chuyển; buổi trưa và buổi chiều bật công tắc tưới nước tự động, khi cây còn nhỏ thì mỗi ngày tưới 1 lần, cây lớn thì 3 ngày tưới một lần kéo dài khoảng 10 phút (mùa mưa) và khoảng 15 phút (mùa khô). Bón phân hữu cơ bằng hệ thống nhỏ giọt theo liều lượng VietGAP, sử dụng thuốc sinh học để “bảo vệ sức khỏe” cây trồng…
Không chỉ riêng trên nền đất sét ở dưới chân đèo Mimosa, Đà Lạt, rau baby còn xanh tốt và đạt năng suất trên nền đất đá dưới chân núi Voi, Đức Trọng. Nơi này 4 năm trước, anh nông dân Võ Tiến Huy trồng thử nghiệm trên 1.000 mét vuông với 2 giống rau baby là dưa leo và súp lơ xanh nhập về từ Hà Lan và Nhật. Kết thúc vụ thu hoạch đầu tiên, anh Huy thu được khoảng 80% sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng từ hệ thống siêu thị cao cấp tại Sài Gòn.
Những vụ sau đó được hoàn chỉnh quy trình sản xuất, đến nay hộ gia đình anh Huy đã mở rộng diện tích khoảng 1,1ha trồng luân canh rau baby, nhưng vẫn thu hoạch không đủ số lượng bán theo nhu cầu thị trường đã khai thác được.
Nắm lấy cơ hội cầu vượt cung, anh Huy đã từng bước liên kết với nông dân ở các vùng lân cận của xã Hiệp An, Đức Trọng chuyển đổi diện tích trồng rau ngoài trời và hoa lay ơn hàng năm sang trồng rau baby, hiện đã phát triển tổng diện tích lên khoảng 17ha. Hình thức hợp tác, bên anh Huy cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, bên nông dân có đất, công lao động, vốn đầu tư. Hạch toán từ việc chuyển đổi ở đây, mức lợi nhuận đã tăng lên gấp ba, gấp bốn lần cho người sản xuất.
Mới đây, nông dân Võ Tiến Huy đã hợp tác với 1 hộ nông dân ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng sản xuất thành công trên 2.500 mét vuông cây su su, thu hoạch trái non tiêu thụ rất nhanh với số lượng từ 70 - 80 kg/ngày, đạt lợi nhuận vượt trội so với cách trồng truyền thống (thu trái già). “Dự báo thị trường rau baby trong những năm tới vẫn là thị trường tiềm năng dồi dào!” - Huy nhận định.


Có thể bạn quan tâm

TPP và nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm của người Việt TPP và nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm của người Việt

Các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chịu nhiều sức ép. Sức ép không chỉ từ sản phẩm nhập khẩu bên ngoài mà còn mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng.

10/10/2015
Thực hư phân bón Thực hư phân bón "hô biến" thịt ôi thành thịt tươi

Thịt ôi thiu chỉ cần ngâm trong nước pha KNO3 vài phút sẽ hồng hào trở lại. KNO3 có nguồn gốc từ phân dơi, từ phân bón vốn không độc hại, nhưng hiện nay đang bị lạm dụng để ngâm thịt ôi.

10/10/2015
Tại sao phải nhập khẩu tôm để xuất khẩu Tại sao phải nhập khẩu tôm để xuất khẩu

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, thực tế trong một số năm gần đây một số doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước để chế biến xuất khẩu.

10/10/2015
Thuế nặng được gỡ, tiểu thương tiếp tục thu mua chuối cho nông dân Thuế nặng được gỡ, tiểu thương tiếp tục thu mua chuối cho nông dân

Chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi có thông tin về việc cơ quan chức năng ở cửa khẩu Đen Sa Vẳn (Lào) đánh "thuế" nặng mặt hàng nông sản chuối. Tin vui cho tiểu thương và nông dân trồng chuối ở tỉnh Quảng Trị là, "thuế" nặng đã được gỡ bỏ...

10/10/2015
Sản xuất sữa mới đáp ứng 40% nhu cầu trong nước Sản xuất sữa mới đáp ứng 40% nhu cầu trong nước

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), chăn nuôi bò sữa tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua, với sản lượng năm 2014 tăng hơn 20% so với năm 2013, nhưng sản lượng đó mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước.

10/10/2015