Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng đến nền sản xuất lúa thân thiện môi trường

Hướng đến nền sản xuất lúa thân thiện môi trường
Ngày đăng: 13/05/2015

Chính vì vậy, vấn đề làm thế nào để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa đang được ngành chức năng các cấp đặc biệt quan tâm.

Báo động lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính

Với diện tích đất trồng lúa hơn 1,8 triệu ha, hàng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực cả nước và cung cấp 92% lượng gạo xuất khẩu, ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo cả nước và đóng vai trò quyết định an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, thu nhập của người trồng lúa nơi đây không cao do các khoản chi phí đầu tư sản xuất quá lớn, trong khi giá cả lại bấp bênh. Mặt khác, việc canh tác lúa theo kiểu truyền thống, nhất là việc lạm dụng phân hóa học trong bón lúa và đốt phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch đã phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Do tập quán canh tác lúa thâm canh 3 vụ liên tục/năm nên đất không có thời gian nghỉ ngơi, liên tục ngập nước. Lượng giống sử dụng khá cao, trung bình 200kg/ha nên người dân bón lượng phân cao hơn khuyến cáo.

Việc sử dụng thuốc hóa học bừa bãi, không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường. Song song đó, vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp tuy có mang lại rất nhiều lợi ích trong khâu thu hoạch nhưng vẫn có những bất lợi là khó thu gom rơm rạ để sử dụng. Đa phần, nông dân đốt bỏ ngay tại ruộng nên sinh ra lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính rất lớn…”.

Theo kiểm kê phát thải năm 2000 của ngành chức năng, tổng lượng khí phát thải ở Việt Nam hơn 150 triệu tấn CO2; trong đó khu vực nông nghiệp hơn 65 triệu tấn CO2, chiếm hơn 43% của tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính quốc gia. Riêng khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải chiếm tỷ trọng cao nhất, với hơn 57% của khu vực nông nghiệp. Từ thực trạng trên, vấn đề đặt ra trong lúc này là cần có những giải pháp hữu ích để cứu vãn môi trường sống.

Nhân rộng nhiều giải pháp

Để giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa, hiện nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở các tỉnh khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai đến nông dân nhiều biện pháp canh tác lúa tiên tiến và bước đầu mang lại những kết quả thiết thực như: hệ thống thâm canh lúa (SRI); canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” kết hợp với quản lý nước “ngập khô xen kẽ” được gọi là “1 phải 6 giảm”.

Qua kết quả nghiên cứu tại 5 tỉnh, thành (An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ và Hậu Giang) cho thấy: ruộng lúa khi áp dụng những mô hình trên thì thân lúa có xu hướng ngắn hơn, đường kính lóng to, rễ dài, số hạt chắc nhiều nên đạt năng suất bình quân cao hơn 0,6 tấn/ha/vụ so với mô hình canh tác truyền thống. Đặc biệt, với việc áp dụng phương pháp mới trong canh tác lúa còn góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp carbon thấp.

Ông Trần Văn Quang, nông dân ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Sau khi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh vận động, tôi đã tự nguyện tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa theo kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” trên diện tích hơn 1ha đất ruộng của gia đình.

Với việc áp dụng phương pháp mới trong canh tác lúa, cùng với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ kỹ thuật đã giúp tôi tiết giảm được nhiều khâu trong sản xuất như: giảm lượng giống gieo sạ từ 30 - 40kg/ha so với tập quán cũ, giảm 50 - 70kg/ha lượng phân bón, giảm 2 - 3 lần phun thuốc, lợi nhuận cao hơn so với những hộ không áp dụng từ 900.000 - 1.600.000 đồng/ha”.

Để tiếp tục nhân rộng những mô hình giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân; mới đây, tại UBND tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí gây ảnh hưởng nhà kính trong sản xuất lúa các tỉnh vùng ĐBSCL”. Tại diễn đàn, các nhà khoa học đã báo cáo kết quả thử nghiệm được thực hiện từ năm 2010 đến nay ở 5 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình canh tác lúa, vừa giảm giá thành sản xuất, giảm phát thải khí gây ảnh hưởng nhà kính.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học và nông dân cũng trao đổi, chia sẻ thông tin, cách làm từ các mô hình đã và đang thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao, đề xuất một số giải pháp tiềm năng trong việc làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Qua đây, giúp nông dân hiểu rõ hơn ý nghĩa, hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đúng cách trong quy trình canh tác lúa.

Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng bộ môn Phân bón và kỹ thuật canh tác - Viện lúa ĐBSCL, đề xuất: “Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thì chúng ta cần áp dụng một số biện pháp, kỹ thuật được khuyến cáo như: sử dụng chất điều tiết quá trình chuyển hóa, thay đổi dạng đạm; sử dụng hiệu quả phế phẩm nông nghiệp; sản xuất khí sinh học; quản lý dinh dưỡng theo vùng đặc thù; ứng dụng giải pháp “3 giảm 3 tăng”; canh tác tối thiểu; chuyển đổi cơ cấu sản xuất...”.

Còn ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: “Song song với giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chúng ta cần nghiên cứu chế phẩm phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ngập nước không tạo ra khí gây hiệu ứng nhà kính để phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân hiện nay. Bên cạnh đó, cần đầu tư hỗ trợ mô hình cơ giới hóa vào trong sản xuất như: máy san bằng mặt ruộng bằng tia laser, máy cuộn rơm, máy băm rơm... để hạn chế tình trạng nông dân đốt đồng sau khi thu hoạch lúa”.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thông tin: Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án “Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam giảm 20% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Trong đó, ngành trồng trọt giảm 9,46 triệu tấn CO2, chăn nuôi giảm 6,3 triệu tấn CO2, thủy sản giảm 3 triệu tấn CO2 và ngành nghề nông thôn giảm 4,78 triệu tấn CO2. Việc tổ chức diễn đàn như thế này để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông có cơ hội gặp gỡ nhau để tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất lúa, từ đó có những hoạch định để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.


Có thể bạn quan tâm

Giá Lợn Hơi Tăng Thúc Đẩy Việc Tái Đàn Giá Lợn Hơi Tăng Thúc Đẩy Việc Tái Đàn

Khoảng hơn 1 tháng nay, trong khi gà tiêu thụ chậm do người dân sợ dịch cúm gia cầm, thì lượng thịt lợn bán ra lại tăng đáng kể.

21/03/2014
Giải Pháp Nào Cho Ngô Đông Chín Muộn? Giải Pháp Nào Cho Ngô Đông Chín Muộn?

Đối với bà con nông dân, ngô vụ đông góp phần làm dồi dào thêm nguồn nông sản để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, ngô vụ đông chín muộn, năng suất, sản lượng thấp đang khiến người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn...

21/03/2014
Mất Trắng Hàng Nghìn Ha Lúa Mới Cấy Mất Trắng Hàng Nghìn Ha Lúa Mới Cấy

Do thời tiết rét đậm vào đúng thời điểm nông dân miền Bắc xuống đồng gieo sạ và cấy, nên ở nhiều nơi đã xảy ra hiện tượng mạ chết, buộc nông dân phải làm đất gieo cấy lại.

23/02/2014
Kỹ Thuật Xây Dựng Nhà Nuôi Chim Yến Kỹ Thuật Xây Dựng Nhà Nuôi Chim Yến

Việc thiết kế xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà là cấp thiết để làm cơ sở cho việc phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà ở Khánh Hòa và trên toàn quốc.

23/02/2014
Bệnh Lạ Bùng Phát Trên Cây Tiêu Ở Đắk Ơ (Bình Phước) Bệnh Lạ Bùng Phát Trên Cây Tiêu Ở Đắk Ơ (Bình Phước)

Tiêu đang xanh tốt, tự nhiên vàng lá rũ xuống rồi chết hàng loạt, khiến hàng trăm hộ trồng tiêu ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập - Bình Phước) đứng ngồi không yên. Bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư nay đứng nhìn cây tiêu chết dần vì bệnh lạ.

21/03/2014