Quỳnh Lưu (Nghệ An) thất thu tôm vụ 1
Gia đình ông Trần Anh Tráng ở thôn Hồng Phong, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu có 3 ao nuôi tôm với diện tích 6.000m2. Vụ 1 năm nay, gia đình ông đã đầu tư 240 triệu để cải tạo, xử lý vệ sinh ao đầm và mua 60 vạn con giống tôm thẻ chân trắng ở công ty Việt Úc về thả nuôi. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến tôm của gia đình ông cũng như các hộ nuôi khác ở địa phương xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, hạn hán kéo dài khiến người nuôi thiếu nguồn nước ngọt để điều hòa độ mặn trong đầm nuôi, dẫn đến tình trạng tôm nuôi mãi mà vẫn không lớn, kéo theo giá tôm xuống thấp.
Những đợt bán tôm cho các thương lái, gia đình ông Tráng không khỏi xót xa, bởi sau 60 ngày nuôi nhưng trọng lượng 200 con khoảng 1 kg, mà chỉ có giá 65.000 nghìn đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lỗ hơn 40 triệu đồng. Sau khi kết thức đợt thu hoạch, ông Tráng bắt tay ngay vào việc hút nước ra khỏi ao nuôi, tiến hành vệ sinh ao đầm, phơi ao để chuẩn bị cho việc nuôi tôm vụ 2, với hy vọng kéo lại tiền thua lỗ từ vụ nuôi tôm này.
Ông Trần Anh Tráng cho biết: “Hầu hết các hộ dân nuôi tôm ở đây đều nuôi giống tôm Việt Úc, đa số các hộ nuôi đều cùng chung khẳng định như tôi đó là giống tôm Việt Úc năm nay bị chậm lớn. Cùng với đó, thời tiết đặc biệt khó khăn, nước ngọt không có, nắng kéo dài nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, tôm đi ngoài, rớt đáy nên lỗ nhiều, vụ này bà con buồn lắm.”
Toàn xã An Hòa có 44 ha nuôi tôm, với 84 hộ nuôi. Chủ yếu các hộ dân tập trung vào việc thả nuôi giống CP, Bắc Miền Trung, Việt Úc. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã An Hòa các hộ nuôi đã thu hoạch gần xong, bình quân tôm chỉ đạt 2.5 – 3 tấn/ha, so với cùng kỳ năm 2014 thì sản lượng giảm xuống 50%. Về giá cả, năm ngoái đối với loại 100 con/kg có giá bán 160.000 đồng/kg nhưng năm nay cũng chỉ bán được 80.000 đồng/kg. Vì vậy, mà gần như 100% các hộ nuôi của xã đều bị lỗ, có hộ lỗ nặng thì lên đến hơn 100 triệu đồng, đối với hộ ít thì 20 triệu đồng.
Nguyên nhân chủ yếu được địa phương xác định là do ô nhiễm môi trường, nguồn nước ra vào hạn chế để xảy ra dịch bệnh hoại tử gan tụy, đi ngoài phân trắng, tôm chậm lớn gây ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của con tôm. Đồng thời, việc kiểm soát con giống của các nhà sản xuất chưa được chặt chẽ, để xảy ra dịch bệnh. Mặt khác, do sự chủ quan của người nuôi đã không chấp hành các quy định về công tác ương gièo tôm giống và không dùng thuốc xử lý mầm bệnh theo quy định.
Ông Lê Văn Quyết – phó chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Năm nay là một năm rất là khó khăn đối với người nuôi tôm, đã xảy nhiều dịch bệnh, tôm không có sự sinh trưởng và phát triển tốt, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hiện nay, đối với đảng ủy, chính quyền xã An Hòa đang tiếp tục động viên nhân dân cải tạo ao đầm, xử lý vệ sinh, đảm bảo an toàn để tiếp tục thả tôm vụ 2.”
Gia đình ông Hồ Đức Toàn ở xóm Đồng Văn, Quỳnh Bảng thu hoạch tôm- Ảnh: Việt Hùng
Tại xã Quỳnh Bảng - vùng nuôi tôm lớn nhất của huyện Quỳnh Lưu, đến nay toàn xã đã thu hoạch được 74 ha/186 ha. Đợt thu hoạch tôm vụ 1 của xã năm ngoái đạt sản lượng hơn 1 nghìn tấn, đem về thu nhập khá lớn cho bà con. Thế nhưng năm nay, mặc dù toàn xã đã thu hoạch được gần 1 nửa diện tích nhưng sản lượng mới chỉ đạt 290 tấn. Thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao nên chỉ sau một thời gian ngắn thả nuôi và kéo dài cho đến nay, bệnh phân trắng ở tôm vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng phát triển mạnh hơn, dẫn đến tôm chết tràn lan. Thời gian này, một số hộ đã chủ động thu hoạch tôm non nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế của gia đình.
Ông Vũ Văn Dương – Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: “Xã đang tập trung chỉ đạo quản lý vùng nuôi, không để cho các hộ dân xả thải tràn lan khi bắt tôm để tránh lây lan dịch bệnh trên cộng đồng trong vùng nuôi. Nhiệm vụ trước mắt phối hợp với chi cục nuôi trồng thủy sản, trạm kiểm dịch, trạm thú y thường xuyên kiểm tra, dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp phòng trừ phù hợp, khuyến cáo với bà con ngăn chặn lây lan trên vùng nuôi.”
Tôm chết, chậm lớn, giá cả thấp - đó là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Để hạn chế tình trạng này các cấp, các ngành huyện Quỳnh Lưu cần tăng cường hơn nữa các giải pháp để phòng chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra, tạo điều kiện cho người nuôi yên tâm phát triển sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), một số loại cây trồng mới đã được đưa vào trồng thử nghiệm. Hiện cây macca, bơ Booth đang sinh trưởng và phát triển tốt, cây quýt đường cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại huyện Thới Bình (Cà Mau), do giá giảm thấp khiến không ít diện tích mía sau khi thu hoạch đã được chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, trong đó đang chiếm ưu thế là gừng. Sự phát triển diện tích trồng gừng ồ ạt do giá thành tăng cao đang khiến các ngành chức năng không khỏi lo ngại cho tương lai của gừng.
Theo Vicofa, sản lượng cà phê năm 2015 của Việt Nam được dự báo giảm khoảng 20 - 25% so với năm 2014; khiến Vicofa đưa ra mục tiêu xuất khẩu cà phê năm 2015 giảm khoảng 11,1% về kim ngạch so với năm 2014 - dự báo xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn, trị giá khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ.
Ngoài tiêu thụ mạnh tại địa phương, đậu phộng ở huyện Tuy An còn được thương lái thu gom, chuyển vào TP Hồ Chí Minh bán cho các cơ sở sản xuất dầu ăn. Vào thời điểm này, giá bán mỗi kg đậu phộng tươi (còn vỏ) ở huyện Tuy An từ 7.000 đến 9.000 đồng. Nhờ năng suất thu hoạch và giá bán cao, mỗi sào đậu phộng trong thời gian khoảng 3 tháng đã cho hộ sản xuất thu nhập hơn 7 triệu đồng.
Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.