Quyết tâm và tầm nhìn mới
Những ngày đoàn chúng tôi lên đường, đúng vào thời điểm đất nước Philippines tươi đẹp đang chuẩn bị cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở thủ đô Manila.
Niềm vui và sự hãnh diện nhân đôi trong chuyến đi được chờ đợi khá lâu này.
Điểm nhấn của chuyến đi chính là Viện Lúa quốc tế IRRI.
Để giúp cho nông dân và cán bộ khuyến nông các địa phương ĐBSCL đã gắn kết với chương trình “Từ ruộng vườn đến trường quay” vụ ĐX 2014-2015 được tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình SX lúa tiên tiến, giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các nhà khoa học hàng đầu trong canh tác lúa, Cty CP Phân bón Bình Điền đã tổ chức chuyến học tập tại Viện Lúa quốc tế IRRI (Philippines) từ ngày 14 đến 18/11/2015.
Có thể nói, chuyến đi đã nối kết được những kinh nghiệm quý báu từ thực tế ruộng vườn ra thế giới.
“Gạo khoa học cho một thế giới tốt đẹp hơn", đó là châm ngôn của IRRI.
Viện Lúa quốc tế IRRI được thành lập từ năm 1960, là tổ chức phi Chính phủ có văn phòng tại 16 quốc gia.
Mục tiêu chính của IRRI là nghiên cứu lai tạo các giống lúa và hệ thống canh tác giúp nông dân trồng lúa tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng hạt gạo. IRRI cũng là nơi đào tạo cán bộ khoa học liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và sinh thái, nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển.
Sau khi đoàn chúng tôi được nghe giới thiệu đôi nét về IRRI, ông HEUNG HADI, Trưởng Bộ môn Côn trùng học (người Indonesia) đã trình bày về “Công nghệ sinh thái” và ông ILL CHOI, Trưởng phòng Bệnh cây (người Hàn Quốc) báo cáo về “Siêu vi khuẩn”.
Tiếp theo đó, nữ chuyên gia người Philippines nói về “Lúa lai”.
Cả 3 chuyên gia trình bày cho đoàn bằng tiếng Anh được TS Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV Phía Nam - người am hiểu về bệnh cây lúa, đã có thời gian nghiên cứu tại đây và rất hài hước phiên dịch sang tiếng Việt làm cho buổi thảo luận càng trở nên hấp dẫn thú vị.
Ăn nói đậm chất nông dân Nam bộ, anh Nguyễn Kha Vân ở xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) sau khi nghe các chuyên gia trình bày, bộc bạch: “Quá đã! Việt Nam mình làm ruộng lúa bờ hoa, nhưng các chuyên gia ở đây còn cho biết làm được cả ruộng lúa với đậu bắp, đậu đũa, cà tím.
Thay vì trồng rau màu ngay trên bờ tốn diện tích, họ đắp thành từng mô trồng trong ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch.
Tui đem cái này về nói lại cho nông dân xứ mình nghe”.
Không giấu được cảm xúc, anh Ngô Thanh Sơn (ấp Ngã Ngay, xã Tân Long, huyện Mang Thít, Vĩnh Long), nói: “Chuyến đi quá bổ ích với chúng tôi.
Tôi thấy các chuyên gia ở đây làm việc hết sức khoa học.
Khi vào thăm ngân hàng gen, tôi khâm phục các nhà khoa học, họ làm việc cực khổ để gìn giữ từng hạt giống, chúng ta phải biết nâng niu từng hạt lúa”.
Ông Phan Văn Khổng, GĐ TTKN Bến Tre tâm sự: Trong 3 bài trình bày của các chuyên gia, tôi quan tâm nhất bài liên quan đến BVTV trong lĩnh vực công nghệ sinh thái.
Thời gian qua, chúng ta đã làm ruộng lúa bờ hoa để hạn chế sâu bệnh, nhưng nay có một thông tin mới, không chỉ hoa mà các cây trồng khác như đậu bắp, cà tím, đậu đũa cũng hạn chế được sâu bệnh khi chúng ta trồng trên bờ mẫu hoặc từng mô trong ruộng lúa.
Trước đây, nông dân ĐBSCL cũng làm như vậy, nhưng chỉ nghĩ do tự nhiên, nay mới hiểu thêm do yếu tố sinh thái tác động.
Tại Viện Lúa quốc tế IRRI để “mắt thấy, tai nghe”
TS Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam nhận xét: Chuyến đi này giúp nông dân hiểu thêm về các việc làm của IRRI, nơi mà người ta gọi là phi lợi nhuận, các nhà khoa học làm nhiệt tâm.
Hiện nay, IRRI kinh tế hơi yếu nhưng các nhà khoa học làm việc rất kỹ, đề tài nào có hiệu quả cao họ mới tiến hành.
Qua báo cáo của các chuyên gia, cho thấy người ta đẩy mạnh công nghệ sinh thái, giảm thuốc trừ sâu để bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, có một báo cáo về lúa lai, nhưng chỉ phục vụ cho một số nước đông dân.
Vì thời gian lúa lai dài ngày, lượng phân bón cao và nhất là khi chuyển qua lúa lai nó chuyển qua hệ vi sinh vật và côn trùng gây hại mới.
ĐBSCL khó ứng dụng lúa lai do thời gian dài ngày, trong khi chúng ta làm 3 vụ né lũ.
TS Hồ Văn Chiến: “IRRI đánh giá rất cao Việt Nam về phòng trị rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong thời gian qua”
TS Chiến chia sẻ thêm: IRRI đánh giá rất cao Việt Nam về phòng trị rầy nâu và bệnh vàng lùn lùn xoắn lá trong thời gian qua.
Người ta cũng cảnh báo rằng, chúng ta không chủ quan với rầy nâu, vì khi bùng lên thì thất thu năng suất rất lớn.
Do vậy, phải khuyến cáo nông dân làm cho đúng kỹ thuật:
1. Gieo sạ đồng loạt né rầy.
2. Làm công nghệ sinh thái để bảo vệ thiên địch.
Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang xuống giống vụ lúa ĐX.
Qua chuyến đi này, phía lãnh đạo khuyến nông cũng hiểu thêm cách làm của IRRI và cách chỉ đạo của mình theo hướng đúng về sinh học và môi trường.
Cụ thể, IRRI họ nghiên cứu trong giai đoạn đầu của cây lúa, phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ là không cần thiết.
Đặc biệt, năm nay ĐBSCL không có lũ, nông dân gieo sạ sớm thời tiết không thuận lợi.
Nếu không gieo sạ đồng loạt, nguy cơ rầy nâu và bệnh vàng lùn lùn xoắn bộc phát rất đáng lo ngại trong vụ ĐX này.
TS Chiến lưu ý. PGSTS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng bộ phận thường trực Nam bộ (TTKN Quốc gia) có 3 nhận xét khá thú vị: Thứ nhất, qua chuyến đi này, đối với nông dân đã được tận mắt chứng kiến, đặt niềm tin vào khoa học và cảm ơn các nhà khoa học VN biết tiếp thu những tiến bộ khoa học của thế giới và rút ra những kinh nghiệm quý báu ứng dụng phù hợp vào đồng ruộng VN.
Thứ hai, nông dân 13 tỉnh thành ĐBSCL tạo được sự đoàn kết chia sẻ với nhau.
Đặt niềm tin vào các nhà khoa học, với Cty CP phân bón Bình Điền trong chiến lược quản lý dinh dưỡng, quản lý nước.
Thứ ba, chuyến đi này giúp cho nông dân có thêm quyết tâm mới, sáng kiến mới, ứng dụng kỹ thuật mới vào SX.
Anh Nguyễn Thành Danh, Trưởng vùng ĐBSCL (Cty CP Phân bón Bình Điền) cho biết: Chuyến tham quan học tập này nằm trong chương trình “Từ ruộng vườn đến trường quay”, phối hợp giữa Cty và VTV Cần Thơ.
Chuyến đi được chuẩn bị chu đáo với sự giúp đỡ nhiệt tình của TS Hồ Văn Chiến kết nối với Viện Lúa quốc tế IRRI.
Anh Nguyễn Thành Danh, Trưởng vùng ĐBSCL (Cty CP Phân bón Bình Điền) tặng quà kỷ niệm cho ông Heung Hadi, Trưởng Bộ môn Côn trùng học
Có thể nói, rất ít cơ hội nông dân và cán bộ khuyến nông ĐBSCL có dịp vào Viện Lúa quốc tế IRRI để “mắt thấy, tai nghe” về những gì liên quan đến lúa gạo đã quá gần gũi với chúng ta.
Ở đây là cả một “kho tàng” khoa học kỹ thuật đồ sộ về lúa gạo.
Đặc biệt, cả đoàn 45 người được nghe các chuyên gia của Viện Lúa Quốc tế IRI chia sẻ 3 báo cáo rất bổ ích.
Tôi nghĩ, sau chuyến đi này mỗi người cũng sẽ đúc kết được những kinh nghiệm quý báu cho mình, để tiếp tục đồng hành và chia sẻ với nhau.
Mục tiêu chính của IRRI là nghiên cứu lai tạo các giống lúa và hệ thống canh tác giúp nông dân trồng lúa tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng hạt gạo
Có thể bạn quan tâm
Theo một số nông dân, do thời điểm chong đèn để ra trái đợt này trúng vào dịp Noel, thời tiết lạnh nên dù lượng điện chong “già” trên 20 ngày đêm nhưng nhiều vườn thanh long vẫn không bung nụ. Cộng thêm, thời tiết năm nay lạnh nên thanh long chín muộn hơn bình thường, có nơi kéo dài 7 - 10 ngày hoặc hơn. Do đó, hiện rất nhiều vườn thanh long sẽ có trái chín rộ từ sau rằm tháng giêng trở đi.
Theo các nhà vườn thực hiện phương pháp sản xuất trái cây tạo hình ở huyện Châu Thành, tuy giá khá cao, nhưng vẫn không đủ nguồn cung trong dịp tết năm nay. Nguyên nhân là do thời tiết bất lợi và sâu bệnh tấn công nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của nhà vườn, dẫn đến tỷ lệ tạo hình bưởi Năm Roi đạt thấp.
Ngôi nhà của Thanh Ngọc và gia đình đang ở được đặt cái tên rất lãng mạn: “Eo biển xanh”, nơi để bạn bè, du khách tìm về nghỉ ngơi thưởng ngoạn món ngon của biển. Thanh Ngọc mang từ biển vào một rá rau mứt vừa được khai thác và tự làm “bác sĩ dinh dưỡng” khiến tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự am hiểu tường tận loại đặc sản này của bạn.
Chúng ta sẽ chào đón Lễ Quốc khánh mừng đất nước tròn 70 tuổi và Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó lại là năm Đảng ta sẽ tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ 12. Đây là một sự kiện quan trọng vì nó sẽ quyết định hướng đi lên của đất nước trong những năm tới.
Bậc cao niên ở Na Hang cũng không rõ những “cụ” chè Shan tuyết cổ thụ đã sống cùng rừng núi nơi đây từ bao giờ. Các thế hệ người Mông, người Dao lấy lá chè Shan làm đồ uống như một sản vật của sơn thần ban tặng. Cây chè Shan hợp phong thủy, thổ nhưỡng nơi lưng chừng trời, lại được người dân bản địa đón nhận nên phát triển tự nhiên.