Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quyết định 580 chưa đến với nông dân

Quyết định 580 chưa đến với nông dân
Ngày đăng: 13/05/2015

Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Quyết định số 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 580) về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu ở ĐBSCL có hiệu lực nhưng tiền hỗ trợ vẫn chưa đến được với nông dân.

Thậm chí nhiều nơi nông dân còn không biết về chính sách hỗ trợ này.

Cứ theo quyết định này, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân ở các tỉnh, thành ĐBSCL khi chuyển đổi trên diện tích đất lúa qua trồng các loại cây như: ngô (bắp), đậu tương (đậu nành), vừng (mè), lạc (đậu phộng), dưa, rau các loại trong các vụ xuân hè, hè thu, thu đông 2014 và đông xuân 2014-2015 sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ mua hạt giống.

Mức hỗ trợ tối đa là 2 triệu đồng/ha, riêng TP Cần Thơ hỗ trợ 50% và chỉ hỗ trợ 1 lần trên cùng diện tích. Để nhận được tiền hỗ trợ, khi chuyển đổi nông dân cần thông báo với UBND xã nơi có đất sản xuất để được xác nhận.

Thế nhưng, đến nay nhiều nông dân thực hiện việc chuyển đổi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ hoặc thậm chí không biết về quyết định này. Nguyên nhân do việc triển khai của các địa phương quá chậm trễ.

An Giang là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu, chủ yếu là cây bắp lai. Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng bắp trên 9.000 ha. Riêng huyện An Phú, diện tích trồng bắp lai và bắp nếp trên 4.500 ha.

Được sự hỗ trợ của ngành khuyến nông, huyện An Phú từ nhiều năm nay đã chủ động phá thế độc canh cây lúa, trồng xen 1 đến 2 vụ bắp đã mang lại hiệu quả rất khích lệ.

Ông Võ Tấn Hương, Trưởng ấp Phú Thành, xã Phú Hữu cho biết: “Ấp có tới 95% là hộ nông dân canh tác bắp lai, với diện tích trên 200 ha, canh tác theo hình thức 2 bắp + 1 lúa/năm.

Gặp những năm giá bắp cao nông dân sẵn sàng bỏ hẳn vụ lúa mà trồng 3 vụ bắp/năm. Mấy năm trước lúc có giá nông dân rất phấn khởi vì trồng bắp lãi cao hơn lúa nhiều lần”.

Ông Dương Văn Tỷ, ở xã Phú Hữu, huyện An Phú trồng 28 công bắp, mỗi năm 2 vụ, năng suất bình quân 1,5 tấn/công, lãi từ 2,5 - 3 triệu đồng/công/vụ. Theo ông Tỷ, 2 năm nay giá bắp liên tục giảm, chỉ còn 3.600 đồng/kg, lúc thấp nhất xuống còn 3.400 đồng/kg. Với giá này nông dân không còn lãi.

“Tôi có nghe trên báo, đài nói từ lâu về việc Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho người trồng bắp trên đất lúa kém hiệu quả mà đến nay không thấy ngành chức năng nói năng gì với chúng tôi”, ông Tỷ cho biết.

Còn hộ ông Trần Văn Hai, nông dân ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp có 3 ha đất lúa 3 vụ/năm. Từ trước đến nay, vụ xuân hè và hè thu luôn khiến ông lo lắng khi đối mặt với nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, sâu bệnh. Còn vụ đông xuân phải bù vào phần lỗ của những vụ này mới hòa vốn, vì thế dù rất chịu khó, nhưng gia đình ông vẫn chỉ đủ ăn.

Khi nghe được thông tin về Quyết định 580 của Chính phủ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho nông dân trồng lúa chuyển sang trồng màu, ông Hai phấn khởi bàn với gia đình chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây mè.

Đến nay, mè đã cho thu hoạch nhưng chẳng thấy ngành nông nghiệp hướng dẫn làm thủ tục để nhận hỗ trợ.

Theo khảo sát của chúng tôi, có rất nhiều nông dân thực hiện chuyển sang trồng các loại rau màu trên đất lúa đủ điều kiện được nhận hỗ trợ nhưng họ không biết về Quyết định 580. Đa phần người nông dân tự chuyển đổi cây trồng nhằm mục đích mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cho gia đình là chính.

Ông Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin (Sở NN-PTNT Đồng Tháp), cho biết: Khi Quyết định 580 được ban hành, tỉnh đã nhanh chóng triển khai xuống các địa phương, nhưng cái khó lớn nhất vướng ở khâu vốn, dẫn đến chậm trễ. Đến thời điểm này người dân trong tỉnh vẫn chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ.

Theo ông Tuyên, định mức hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tùy loại với mức hỗ trợ khác nhau. Đối với cây mè là 800.000 đồng/ha, còn cây bắp, đậu nành, đậu phộng, dưa, rau các loại là 2 triệu đồng/ha.

Để có nguồn vốn hỗ trợ cho dân, mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chuyển từ kinh phí tạm ứng thành hỗ trợ chính thức cho ngân sách địa phương, với số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, Sở đã có thống kê về diện tích cũng như đề xuất về mức hỗ trợ cụ thể cho nông dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai được là do còn phải chờ phía Sở Tài chính phê duyệt nguồn kinh phí mới có tiền hỗ trợ.

Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Việc hỗ trợ kinh phí để nông dân chuyển đổi cây trồng khác nhằm giảm diện tích lúa kém hiệu quả xuống mức thấp nhất, nâng cao hiệu quả kinh tế lên gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Đồng thời, những cây trồng chuyển đổi đều được phía ngành nông nghiệp nối kết với các DN trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân”.

Tổng diện tích hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu trong 3 vụ (hè thu, thu đông năm 2014 và đông xuân năm 2014-2015) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là gần 14.487 ha.

Trong đó, chủ yếu là rau các loại 6.570 ha, chiếm 45,35%; mè 4.135 ha, chiếm 28%; dưa, bắp, đậu nành, đậu phộng là 3.780 ha, chiếm 26% diện tích hỗ trợ.

Tại tỉnh Hậu Giang, qua rà soát có 318 ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây màu đủ điều kiện được nhận hỗ trợ về giống theo Quyết định 580 của Thủ tướng Chính phủ.

Để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho nông dân, UBND tỉnh Hậu Giang đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 627 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, các địa phương đã thống kê diện tích chuyển đổi và đề xuất mức hỗ trợ cụ thể. Trong đó, nhiều nhất là huyện Long Mỹ 543,8 triệu đồng, tiếp đến là TP Vị Thanh 41,3 triệu đồng, Châu Thành 34,7 triệu đồng, TX Ngã Bảy gần 7,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai nhanh hay chậm, đến nay nông dân đã nhận được tiền hỗ trợ hay chưa là do phía Sở Tài chính thực hiện.

Tương tự, nông dân tỉnh Kiên Giang đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ về giống theo Quyết định 580 của Thủ tướng Chính phủ, do địa phương triển khai rất chậm trễ.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Bông Lài Giúp Nhiều Đồng Bào Khmer Có Cuộc Sống Sung Túc Trồng Bông Lài Giúp Nhiều Đồng Bào Khmer Có Cuộc Sống Sung Túc

Cũng là làm nông, nhưng từ lâu trồng cây bông lài đối với những người ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, được xem là một nghề truyền thống. Bởi, cây bông lài được trồng tập trung ở một vài khu vực vùng ven thành phố và hầu hết các hộ trồng lài đều đã có thâm niên trong nghề ít nhất là từ 10 - 40 năm. Nghề trồng bông lài không phải nhọc nhằn một nắng hai sương, nhưng nguồn thu mang lại khá cao và ổn định.

31/07/2013
Nông Dân Bỏ Mía Ở Hậu Giang Nông Dân Bỏ Mía Ở Hậu Giang

Trước tình hình sản xuất mía gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư tăng cao, giá cả trồi sụt thất thường, đầu ra bấp bênh, điều kiện tự nhiên không phù hợp,... khiến cho nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thua lỗ, buộc lòng phải chuyển sang cây trồng khác.

27/05/2013
Toàn Tỉnh Thu Hoạch Được 1.988 Ha Tôm Nuôi, Sản Lượng 4.546 Tấn Toàn Tỉnh Thu Hoạch Được 1.988 Ha Tôm Nuôi, Sản Lượng 4.546 Tấn

Hiện nay, mùa mưa lũ đang đến gần, ngành Thủy sản tỉnh yêu cầu người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khẩn trương thu hoạch những diện tích tôm còn lại và có biện pháp bảo vệ an toàn những diện tích nuôi tôm trên cát, nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ.

29/09/2013
Nhập Lậu Cá Trắm Nhập Lậu Cá Trắm

Không chỉ dừng lại ở cá tầm, cá quả, cá trê, ốc, ếch... mà vừa có thêm cá trắm được đưa vào danh sách vật nuôi được cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng nhập lậu từ nước ngoài.

31/07/2013
Tăng Cường Kiểm Tra Việc Sử Dụng Lưới Lồng Trong Khai Thác Thủy Sản Tăng Cường Kiểm Tra Việc Sử Dụng Lưới Lồng Trong Khai Thác Thủy Sản

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, qua kiểm tra tình hình sử dụng lưới lồng (hay còn gọi là lờ dây, lờ bát quái) đã phát hiện trên địa bàn 26 xã, phường ven biển có 1.205 hộ ngư dân với 85.057 phương tiện lưới lồng đang sử dụng để khai thác thủy sản.

29/09/2013