Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ốc Hương Thương Phẩm

Là địa phương ven biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, xã Thanh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã triển khai mô hình “Nuôi ốc hương thương phẩm” cho bà con, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống.
Mô hình “Nuôi ốc hương thương phẩm” ở xã Thanh Hải được triển khai từ năm 2007, có 25 hộ tham gia, trên 100 lồng với khoảng 10 triệu con ốc hương. Trong quá trình triển khai, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ốc hương thương phẩm, tổ chức tham quan mô hình thực tế để bà con học tập kinh nghiệm.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các hộ nuôi vay vốn thông qua các dự án phát triển sản xuất hàng năm của huyện. Qua các vụ thu hoạch, sản lượng ốc hương đạt trên 6,7 tấn/năm.
Anh Võ Tưởng, thôn Mỹ Tân 2, tham gia thực hiện mô hình cho biết: Gia đình tôi thả nuôi 3 lồng ốc hương, với hơn 70 vạn con. Do được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng ốc hương phát triển tốt, ít bị bệnh. Sau khi thu hoạch, gia đình thu lãi được gần 80 triệu đồng/năm.
Cùng chung niềm vui, anh Dương Văn Minh, ở thôn Mỹ Tân 2 tham gia mô hình chia sẻ: Mỗi một vụ gia đình tôi thả nuôi khoảng 1 triệu con ốc hương giống cho 4 lồng với tổng số tiền đầu tư hơn 100 triệu đồng. Ốc phát triển tốt cho năng suất đạt trung bình là 180 con/kg, với giá bán từ 170.000-210.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi được gần 100 triệu đồng/năm.
Theo anh Minh, ốc hương chủ yếu ăn tôm, cá, ghẹ..., mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn một lần vào sáng sớm lúc thủy triều xuống. Trước khi cho ốc ăn, cần dọn vệ sinh khu vực nuôi để loại bỏ xác thức ăn thừa ra ngoài. Trong quá trình nuôi thấy ốc bị dịch bệnh thì phải xử lý môi trường nuôi, thường xuyên bổ sung các chất bổ dưỡng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng thì ốc phát triển tốt và đạt hiệu quả cao.
Anh Lê Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hải cho biết: Từ hiệu quả của mô hình, đến nay toàn xã đã có 47 hộ nuôi, với 140 lồng ốc hương (khoảng 12 triệu con). Để mô hình phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian tới địa phương có chủ trương quy hoạch vùng nuôi thủy sản, mở thêm các lớp tập huấn để người nuôi nắm bắt được các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho ốc; tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mở rộng thêm diện tích nuôi nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Tại Sóc Trăng, hiện nay, bưởi da xanh đang được thương lái thu mua với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/ kg và từ 43.000 - 50.000 đồng/kg bưởi Năm Roi, cao hơn từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà vườn ở huyện Kế Sách, nguyên nhân bưởi liên tục tăng giá do năm nay thời tiết không thuận lợi, gây ra nhiều dịch bệnh trên cây và trái, làm giảm năng suất và có thể sẽ gây khan hiếm cho thị trường Tết sắp tới.

Theo thông tin từ Hội Sinh vật cảnh thành phố Đà Lạt, khá nhiều nhà vườn trong thành phố đang trồng, chăm sóc loại chanh cho trái khổng lồ và hiện đã ra trái rất đẹp. Cây chanh không quá to, chiều cao chỉ khoảng 1,20m nhưng cho trái chanh rất lớn, có trái nặng tới 1kg, dáng tròn, lúc còn non trái màu xanh, khi chín trái vàng ươm rất đẹp. Cùi và vỏ của trái chanh khổng lồ có vị ngọt the, ruột vàng chua dịu và thơm. Hiện chanh giống có giá 200 ngàn đồng/cây.

Nói về những tấm gương nông dân làm giàu, tích cực tham gia công tác xã hội, giúp bà con xung quanh cùng vượt khó thoát nghèo trên vùng ngập lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang, mọi người hay nhắc đến ông Trịnh Đông Hải, sinh năm 1951, hiện cư ngụ tại ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.

Ước tính năng suất vụ nghịch này khoảng 4 tấn. Hiện có thương lái tới tận vườn nhà ông để đặt mua với giá rất cao. Thanh long loại 1 để xuất khẩu, giá 56.000 - 58.000 đ/kg, loại 2 giá 30.000 đ/kg (tăng 8.000 - 10.000 đ/kg so với dịp tết năm ngoái). Với mức giá trên, ông sẽ thu về từ 65 - 80 triệu đồng.

Huyện Sơn Động có hơn 68,5 nghìn ha đất lâm nghiệp (đất có rừng và chưa có rừng). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 38 nghìn ha gồm rừng gỗ, rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa. 18.657,7/38.188,2 ha đã được quy hoạch thành rừng sản xuất. Đây cũng là diện tích rừng bị xâm hại nhiều nhất năm qua.