Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bát Xát (Lào Cai) Có Nguồn Thu Khá Từ Cây Dược Liệu

Bát Xát (Lào Cai) Có Nguồn Thu Khá Từ Cây Dược Liệu
Ngày đăng: 14/08/2014

Huyện Bát Xát (Lào Cai) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Đó là điều kiện khí hậu nhiệt đới và bán ôn đới với độ ẩm cao, diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh chiếm 80% tổng diện tích rừng toàn huyện với thảm thực vật đa dạng, phong phú…

Năm 2013, ông Lý A Hù, thôn Tả Pa Cheo 2, xã Pa Cheo là hộ tiên phong trồng cây đương quy theo hỗ trợ của Dự án phát triển cây dược liệu của huyện. Với 0,5 ha đất trồng màu, ông Hù chuyển sang trồng đương quy, thu về gần 5 triệu đồng, cao hơn 3 lần trồng ngô.

Ông Hù phấn khởi: “Cây đương quy dễ trồng, không tốn công chăm sóc, năm nay gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích lên gấp đôi”.

Kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn, huyện Bát Xát hiện có khoảng hơn 1.000 loài dược liệu, trong đó có 357 loài được sử dụng làm thuốc như: Cẩu tích, song dực Trung Hoa, đẳng sâm, ngũ gia bì gai, chân chim Sa Pa, nhân trần, nghệ đen, bảy lá một hoa, sói rừng, thiên niên kiện...

Những cây thuốc này có trong danh mục các bài thuốc y học cổ truyền đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường và ngành đông y. Các mô hình trồng cây dược liệu đang cho tín hiệu tích cực như: Cây sa nhân tím mang lại nguồn thu 120 triệu đồng/ha, cây đương quy gần 200 triệu đồng/ha, cây gừng 90 triệu đồng/ha, chè dây 75 triệu đồng/ha…

Đến nay, toàn huyện đã có trên 180 ha cây dược liệu, trong đó, diện tích sa nhân chiếm 93 ha, đương quy 29 ha, còn lại là các loại cây khác như xuyên khung, đỗ trọng, bạch truật, chè dây…

Một số loài dược liệu quý có thể phát triển trồng thành vùng chuyên canh hoặc xen dưới tán rừng tự nhiên, mà không ảnh hưởng đất canh tác của các cây trồng khác.

Điển hình là sa nhân tím, cây thuốc rất quý và đang là mặt hàng xuất khẩu. Sa nhân tím được người dân xã Phìn Ngan đưa về trồng dưới tán rừng tự nhiên và vườn nhà, có giá trị làm thuốc chữa nhiều bệnh về đường ruột và dùng để chiết xuất tinh dầu, làm hương liệu, gia vị thực phẩm.

Cây bảy lá một hoa có tác dụng giải độc, trị rắn cắn hoặc chữa mụn nhọt. Cách dùng rất đơn giản là giã nát thân, rễ của cây này, cho thêm dấm thanh rồi đắp vào vết thương. Thân và rễ cây bảy lá sắc uống còn chữa được bệnh động kinh, viêm phổi và viêm họng.

Tuy nhiên, những loài dược liệu nói trên đã và đang bị người dân khai thác một cách triệt để theo hình thức khai thác cả rễ, củ, cây con, nên có nguy cơ tuyệt chủng nếu không kịp thời có biện pháp bảo tồn.

Ông Vũ Xuân Dung, Phó Bí thư huyện ủy Bát Xát cho biết: Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo dự án “Phát triển và bảo tồn cây dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 - 2015 và tầm nhìn 2020” với mục tiêu bảo tồn các nguồn gen quý.

Trong đó có việc dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh kết hợp với việc tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý. Huyện Bát Xát phấn đấu đến năm 2015 trồng mới 270 ha cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Phát GREE Lào Cai, đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm dược liệu tại huyện Bát Xát cho biết: Trong những năm gần đây, Công ty luôn đồng hành với bà con và sẽ tiếp tục duy trì tốt kế hoạch này. Ngoài việc nhận bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp còn hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản dược liệu sau thu hoạch nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp tại huyện Bát Xát đã mở ra, việc trồng và chế biến dược liệu đang tạo ra các sản phẩm đặc trưng và phát huy được thế mạnh của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Nhãn Thái Lan, Trung Quốc gắn mác nhãn lồng Hưng Yên Nhãn Thái Lan, Trung Quốc gắn mác nhãn lồng Hưng Yên

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng nhãn của Hưng Yên năm nay ước đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá khoảng 300-400 tỉ đồng.

09/09/2015
Dừa siêu trái, lãi cao quảng cáo quá lời Dừa siêu trái, lãi cao quảng cáo quá lời

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.

09/09/2015
Cái khó của những hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở huyện Trần Đề Cái khó của những hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch ở huyện Trần Đề

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.

10/09/2015
Mùa nước nổi, cua đồng vẫn khan hàng Mùa nước nổi, cua đồng vẫn khan hàng

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.

10/09/2015
Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản: Cần giải pháp căn cơ và quyết liệt! Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản: Cần giải pháp căn cơ và quyết liệt!

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

10/09/2015