Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quy Trình Sinh Sản Nhân Tạo Giống Cá Nước Lạnh Hồi Vân

Quy Trình Sinh Sản Nhân Tạo Giống Cá Nước Lạnh Hồi Vân
Ngày đăng: 20/02/2013

Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, đề tài “Nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân tại Lâm Đồng” do Trạm Nghiên cứu Cá nước lạnh Tây Nguyên chủ trì đã thực hiện trong 3 năm qua và vừa được Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng nghiệm thu với kết quả đạt loại tốt.

Đề tài phục vụ cho yêu cầu thực tiễn

Triển khai đề tài nghiên cứu này, trong 3 năm qua, cùng với kết quả là đã xây dựng được quy trình nuôi vỗ thành thục và quy trình kích thích sinh sản nhân tạo cá hồi vân - một trong 2 giống cá nước lạnh đang được khuyến khích nuôi thả tại Lâm Đồng (cùng với cá tầm), Trạm Nghiên cứu Cá nước lạnh Tây Nguyên còn tạo được 1,4 vạn con cá giống, 2 vạn con cá bột và hơn 200 con cá bố mẹ.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả nghiên cứu còn đưa ra một số kết luận quan trọng về quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân như: Tỷ lệ thành thục sinh dục cá hồi vân từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau đạt 92%; thời gian bắt đầu ấp trứng trong điều kiện nhiệt độ 11 - 12 độ C đến khi nở dài khoảng 23 - 25 ngày; cá nuôi ở nhiệt độ 8 - 11 độ C cho tỷ lệ thành thục cao nhất là 94,7%; cá ương ở mật độ 1.000 con/m2 và 1.500 con/m2 cho tỷ lệ sống cao nhất là 95,47% và 93,77%.

Theo quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 do Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng làm chủ đầu tư, có 2 phương án đã được đưa ra là: theo phương án 1, đến năm 2015, sản lượng cá nước lạnh của tỉnh đạt 2.500 tấn (gồm 1.000 tấn cá hồi vân và 1.500 tấn cá tầm); đến năm 2020, con số này là 3.000 tấn (1.000 tấn cá hồi và 2.000 tấn cá tầm). Theo phương án 2, đến 2015 đạt 600 tấn cá hồi và 900 tấn cá tầm (tổng sản lượng 1.500 tấn); năm 2020, con số này là 3.000 tấn, bao gồm 1.000 tấn cá hồi và 2.000 tấn cá tầm. Qua trưng cầu ý kiến đóng góp của quần chúng và xét tình hình thực tiễn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chọn phương án 1 để triển khai thực hiện.

Không dễ đạt 3.000 tấn cá nước lạnh vào năm 2020

Hiện tại, nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng tuy có tốc độ phát triển nhanh bởi đây là một nghề khá mới mẻ và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng so với tiềm năng thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng cho thấy: Cả năm 2012 vừa qua, Lâm Đồng chỉ đạt sản lượng cá nước lạnh (cá hồi vân và cá tầm) khoảng 360 tấn trong tổng sản lượng 8.005 tấn thủy sản của cả tỉnh. Sản lượng 8.005 tấn của năm 2012 này tuy có đạt 100% kế hoạch và tăng 6,7% so với năm 2011 nhưng nếu tính riêng sản lượng cá nước lạnh 360 tấn thì đây vẫn là một con số quá nhỏ (kế hoạch đặt ra cho năm 2012 là 400 tấn) và càng nhỏ so với lộ trình 2.500 tấn cá nước lạnh vào năm 2015 và 3.000 tấn vào năm 2020 theo phương án 1 mà tỉnh đã chọn.

Bên cạnh đó, diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn là một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng: chỉ chiếm khoảng 200 ha trong tổng số 3.130 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh trong hiện tại. Trong khi đó, kết quả khảo sát của ngành chuyên môn cho thấy, Lâm Đồng có đến 20.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản (hiện chỉ mới sử dụng 3.130 ha); trong đó, diện tích có khả năng nuôi cá nước lạnh là 3.000 ha (trong khi cả tỉnh chỉ mới “trưng dụng” được khoảng 200 ha). Từ thực tế này, không ít người lo ngại rằng con số 2.500 tấn vào năm 2015 và 3.000 tấn vào năm 2020 về sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng không dễ gì đạt được.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tính đến đầu năm 2013, cả tỉnh Lâm Đồng có gần 40 dự án đăng ký đầu tư nuôi cá nước lạnh với tổng vốn trên 1.100 tỷ đồng và diện tích nuôi thả theo dự kiến là 350 ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những con số được triển khai trong thực tế tính đến đầu năm 2013 còn khá thấp: chỉ chưa đến 50% dự án đã triển khai với tổng vốn không đến 200 tỷ đồng và diện tích không đến 200 ha.

Nguyên nhân khiến cho nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng (mặc dù được đánh giá là nghề “hái ra tiền” - doanh thu mỗi năm không dưới 4 tỷ đồng cho 1 ha mặt nước) thì có nhiều, trong đó, hai nguyên nhân được nhiều người quan tâm nhất là nguồn vốn đầu tư (khá lớn) và quy trình kỹ thuật nuôi thả. Từ yêu cầu của thực tế này, các nhà quản lý và nhà khoa học chuyên ngành cho rằng đề tài “Nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân tại Lâm Đồng” của Trạm Nghiên cứu Cá nước lạnh Tây Nguyên tiến hành trong 3 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc “giải tỏa” phần nào những vướng mắc về kỹ thuật cho những người sản xuất của địa phương trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi thả cá nước lạnh nói riêng.


Có thể bạn quan tâm

Tổng kết mô hình phân viên NPK nhả chậm Tổng kết mô hình phân viên NPK nhả chậm

Với phương pháp này, người nông dân đã giảm được đáng kể ngày công lao động, giảm hao hụt và tăng năng suất lúa.

06/10/2015
Giống mía lai VN 09-108 Giống mía lai VN 09-108

VN 09-108 có hình thái đẹp, thân cây trung bình, dáng bụi hơi xòe. Lóng hình chùy xuôi, nối zigzag. Thân có màu xanh ẩn vàng, dãi nắng màu xanh, có nhiều sáp che phủ, không bị xốp và bấc ruột.

06/10/2015
Phát triển chăn nuôi và bài toán môi trường Phát triển chăn nuôi và bài toán môi trường

Phù Ninh (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) là một xã đông dân cư, với dân số trên 10.000 người. Song song với phát triển kinh khu vực công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh tế.

06/10/2015
Đầu tư nghiên cứu SX giống cây Đầu tư nghiên cứu SX giống cây

Trong 2 năm tới, thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm 4 loài cây thuốc: Xạ đen, lá khôi, bình vôi, lan một lá tại Vườn Quốc gia Cát Bà” với tổng kinh phí trên 740 triệu đồng.

06/10/2015
Tôm nước lợ vượt khó Tôm nước lợ vượt khó

Vụ tôm 2015, ngay từ đầu năm, người nuôi đã phải đối mặt với các khó khăn do thời tiết gây ra.

06/10/2015