Chủ động trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc

Anh Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia súc có sừng trên địa bàn huyện có trên 31.510 con, trong đó đàn trâu bò trên 13.400 con, đàn dê cừu 18.800 con.
Nhằm bảo vệ đàn gia súc trong thời gian hạn hán gay gắt, huyện đã vận động những hộ chăn nuôi di chuyển gia súc về vùng chủ động nguồn nước và tích cực trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Từ đầu mùa hạn đến nay, nông dân huyện Ninh Sơn đã trồng được 184,9ha cỏ, chủ yếu chuyển đổi từ những vùng đất không chủ động nguồn nước tưới sang trồng cỏ nên đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn và duy trì được đàn gia súc trong mùa nắng hạn.
Đơn cử như xã Nhơn Sơn có tổng đàn gia súc có sừng 11.282 con, xã đã tích cực vận động, khuyến khích những hộ chăn nuôi chủ động trồng cỏ, nên trong mùa hạn này đã trồng được 59ha cỏ. Trồng nhiều nhất là cỏ voi, vì loại cỏ này dễ trồng, lại chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, cách làm này hiệu quả nên ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng.
Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn, cho biết: Xác định chỉ có việc trồng cỏ mới có đủ thức ăn cho đàn bò, gia đình quyết định chuyển 2 sào đất trồng hoa màu sang trồng cỏ voi, nên không còn lo thiếu cỏ như trước nữa, 6 con bò cái của gia đình phát triển tốt.
Huyện Ninh Sơn cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Theo kế hoạch tiêm phòng gia súc năm 2015, huyện đã triển khai tiêm 4.808 liều lở mồm long móng đàn trâu, bò.
Anh Dương Đăng Minh, cho biết thêm: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mưa sẽ xuất hiện ở tỉnh ta bắt đầu vào tháng 9. Trên cơ sở đó, để tiếp tục đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, vận động bà con trồng cỏ trên những vùng đất trống, gò đồi và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Có như vậy, mới bảo đảm duy trì đàn gia súc trong tình hình khô hạn còn diễn biến phức tạp”.
Có thể bạn quan tâm

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng loại khá, từng đi làm cho một vài công ty với thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, ước mơ muốn làm giàu trên chính quê hương mình đã thôi thúc anh Đỗ Kim Tuyến quay về mở trại chăn nuôi gà thả vườn.

Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học là mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học của vi sinh vật sống trong đệm lót nền chuồng để xử lý chất thải của vật nuôi, cải thiện môi trường chăn nuôi, có tác dụng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường chuồng nuôi, đồng thời vật nuôi có môi trường tự nhiên để vận động, giúp đàn heo ăn nhanh chóng lớn, tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa và hô hấp giảm. Qua mô hình cũng giúp tiết kiệm một phần chi phí sản xuất.

Điều gì làm cho một tỉnh nằm ở cực Nam Trung Bộ được mệnh danh là xứ sở “thừa nắng” trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước? Câu trả lời đơn giản là tỉnh ta đã khai thác được lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm để sản xuất tôm giống mà nhiều nơi khác không sánh kịp.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 102 cơ sở sản xuất cá tra giống, với sản lượng từ 25 - 28 tỉ con cá tra bột. Các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất giống cá tra bột như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Tiền Giang.

Đến hết năm 2014, diện tích mặt nước, ao nuôi thủy sản toàn tỉnh đã đạt 1.875 ha, tăng 59 ha so với năm 2013, thủy sản Lào Cai không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng ra một số địa phương lân cận như Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái... Cùng với mở rộng diện tích, người nuôi thủy sản đã chú trọng chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh...