Quy Trình Nuôi Tôm Công Nghiệp Khép Kín
Sau một thời gian dài đối mặt triền miên với dịch bệnh, hàng loạt đầm tôm công nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bỏ trống. Thế nhưng, những tháng gần đây nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho nông dân mà còn cho nền kinh tế của huyện.
Bắt đầu nuôi tôm công nghiệp từ năm 2003, anh Diệp Văn Vũ, ở ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc, là một trong những người tiên phong nghề nuôi tôm công nghiệp ở vùng này. Năm 2012, dịch bệnh tôm nuôi hoành hành, anh Vũ không thụ động ngồi chờ mà chịu khó đi tham quan học hỏi để tìm những giải pháp, quy trình, công nghệ mới về ứng dụng nhằm phục hồi sản xuất. Tinh thần vượt khó của anh đã mang lại kết quả khả quan.
Sau khi thành công vụ đầu thu hoạch 6 đầm, diện tích 3 ha, sản lượng 10 tấn/ha tại ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc vào cuối năm 2012, anh Diệp Văn Vũ tiếp tục đầu tư vụ 2 tại ấp Chà Là, xã Trần Phán.
Với 4 ao tôm diện tích 3 ha, sau 83 ngày tuổi tôm đạt 60 con/kg, anh thu hoạch đợt đầu bằng cách tỉa thưa được 9 tấn, giá bán 150.000 đồng/kg. Đến 105 ngày tuổi anh thu hoạch đợt hai, tôm đạt kích cỡ 35 con/kg, giá bán 170.000 đồng/kg. Tổng hai vụ nuôi diện tích 4,2 ha, anh thu hoạch gần 50 tấn tôm thẻ chân trắng, bình quân năng suất trên 10 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư anh thu lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Thành công đó trước hết phải nói đến quy trình công nghệ khép kín. Trước hết là thiết kế ao vèo khoảng 1.000 m2, lót bạt đáy chống rò rỉ, phía trên có lưới lan che kín, chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ổn định.
Tôm giống được nuôi trong ao vèo khoảng từ 25-30 ngày tuổi, mật độ 600-800 con/m2. Trong thời gian này tôm con được chăm sóc kỹ lưỡng, khi mạnh khoẻ sẽ được thả ra đầm lớn.
Đầm nuôi tôm thịt cũng được thiết kế kỹ lưỡng hơn so với trước, không chỉ xử lý nước, môi trường bảo đảm các tiêu chuẩn quy định mà còn trải bạt từ đáy lên cao hơn bờ ao khoảng 50 cm để ngăn không cho cua, còng hay các con vật gây hại vào đầm.
Phía trên anh còn che lưới rào, ngăn chim cò xuống đầm. Việc làm này giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan gián tiếp từ các loài chim và các con vật khác từ bên ngoài. Điều quan trọng là trong ao vèo cũng như ao nuôi đều có hệ thống ô-xy đáy chạy suốt trong quá trình thả tôm nuôi, bảo đảm lượng ô-xy cho tôm nuôi mật độ cao.
Theo anh Diệp Văn Vũ, nuôi theo quy trình mới này mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có tốn kém hơn, một ao vèo 1.000 m2 khép kín khoảng 70 triệu đồng, nhưng cái lợi thì lớn hơn rất nhiều.
Thứ nhất là các khâu quản lý, chăm sóc, theo dõi sức khoẻ tôm giống và chi phí thuốc, hoá chất, thức ăn giai đoạn này tốn kém ít, do chủ động kiểm soát được môi trường, nguồn nước và nhiệt độ của ao vèo.
Thứ hai là đối với tôm thẻ chân trắng, thông thường ở đốt từ 25-32 ngày tuổi là giai đoạn dễ sinh dịch bệnh nhất. Nếu chăm sóc tốt, tôm vượt qua giai đoạn này khả năng vụ nuôi thắng lợi rất cao, bởi lúc thả ra đầm lớn con tôm đã đủ sức khoẻ sống với môi trường tự nhiên; mặt khác, tôm đủ lớn nên khâu kiểm soát thức ăn được chính xác và chặt chẽ hơn.
Ngược lại, nếu thấy chất lượng tôm giống phát triển không tốt thì người nuôi có thể huỷ bỏ tại ao vèo, chi phí không nhiều, đặc biệt là không ảnh hưởng đến môi trường của ao nuôi.
Trước đây khâu quản lý ao tôm nuôi chưa thật chặt chẽ, chưa ngăn chặn triệt để các loài chim, cua, còng xâm nhập. Bằng quy trình mới, ao tôm đã được bảo vệ an toàn hơn, ngăn chặn được mầm bệnh tôm chết lây lan từ ao này sang ao khác. Quản lý tốt, chăm sóc tốt mà đặc biệt là nguồn giống tốt, con tôm chân trắng giờ đây đã vượt xa về tốc độ lớn so với tôm sú.
Nếu như một vụ nuôi sú phải mất 6 tháng mới đạt 30 con/kg thì con tôm chân trắng chỉ khoảng 105-110 ngày nuôi. Đồng thời, sản lượng có khả năng đạt cao hơn khi thực hiện biện pháp tỉa thưa.
Cụ thể là ở vụ hai bằng cách tỉa thưa mà sản lượng thu hoạch của anh Vũ đạt trên 16 tấn/ha, tôm đến 105 ngày tuổi đạt kích cỡ 35 con/kg, ngoài ra giá cả thì gần bằng giá tôm sú.
Thành công từ quy trình nuôi tôm công nghiệp khép kín bằng nhà lưới của anh Diệp Văn Vũ không chỉ mở ra cách làm mới bài bản, an toàn, cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao mà nó còn khẳng định một điều, trong điều kiện môi trường, thời tiết, nguồn nước dịch bệnh dễ gây hại cho tôm nuôi như hiện nay, muốn thành công người nuôi tôm công nghiệp cần cải tiến, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Không riêng gì anh Diệp Văn Vũ thực hiện thành công quy trình nuôi tôm công nghiệp khép kín trong nhà lưới trên địa bàn 2 xã Quách Phẩm Bắc và Trần Phán, mà còn có một số hộ ở các xã Tạ An Khương Nam, Tân Dân và thị trấn Đầm Dơi cũng đã áp dụng thành công.
Tuy nhiên, hiện quy trình chưa được triển khai nhân rộng nhiều trên địa bàn huyện Đầm Dơi. Cái khó hiện nay là nguồn vốn đầu tư trong các hộ nuôi tôm công nghiệp cạn kiệt do đã trải qua nhiều vụ nuôi thất bát. Muốn đầu tư tái sản xuất theo quy trình mới họ cần có số vốn nhất định.
Huyện Đầm Dơi hiện có hơn 2.200 ha nuôi tôm công nghiệp. Năm 2012, dịch bệnh hoành hành khiến cho diện tích thả nuôi bị co hẹp. Theo khảo sát hiện tại toàn huyện có khoảng 61% đầm tôm công nghiệp đang thả nuôi, số còn lại phải treo đầm vì thiếu vốn.
Để sớm khôi phục lại sản xuất, rất cần chính sách hỗ trợ tài chính tích cực của Nhà nước và các ngành chức năng, đồng thời tăng cường tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến, nguồn điện 3 pha, kịp thời giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Nắm bắt được thị trường rắn ri tượng có giá và nhu cầu nuôi rắn của người dân ngày càng cao, ông Trần Minh Đẳng ở ấp 15, xã Khánh Thuận (Cà Mau), quyết định đầu tư nuôi rắn sinh sản. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đến nay mô hình nuôi rắn ri tượng của ông Đẳng mang lại hiệu quả cao, trở thành địa chỉ tham quan, cung ứng con giống tin cậy cho người nuôi.
Gần đây, một số nông dân trồng lúa ở xã Lương Quới (Giồng Trôm - Bến Tre) đã chuyển qua trồng cây màu ở vùng ruộng lõm để có lợi nhuận cao hơn. Anh Trần Ngọc Thành (ấp 3, xã Lương Quới), đã chuyển bốn công đất lúa sang trồng cây ớt chỉ thiên, ước năng suất thu hoạch trong ba vụ khoảng trên 10 tấn trái.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công nhận giống Lúa Cẩm Cai Lậy do Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lai tạo và 13 giống lúa do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo là "Giống cây trồng nông nghiệp mới" đồng thời chỉ đạo các sở nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức sản xuất thử nghiệm.
Bất kỳ chứng nhận nào, nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc, nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế?
Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.