TP.HCM nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới

Nâng cao thu nhập, nâng chất lượng sống
Ông có ấn tượng gì với việc người dân xã Phước Kiển (Nhà Bè) đạt thu nhập bình quân 61 triệu đồng/người/năm?
- Mừng, nhưng tôi nghĩ việc này tất yếu sẽ đến bởi đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị; là người dân phát huy được vai trò trách nhiệm của mình; và 5 năm xây dựng NTM là kế thừa chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của thành phố cả 40 năm qua từ sau ngày giải phóng.
Cụ thể mức thu nhập trung bình của người dân nông thôn thành phố hiện nay ra sao?
Ông Võ Văn Thưởng (phải) – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, thăm vườn lan công nghệ cao của nông dân thành phố.
- Tính đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân của người dân nông thôn là 3,34 triệu đồng/tháng. Thu nhập của người dân nông thôn tăng lên khiến khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị thu ngắn lại. Hiện khoảng cách này chỉ còn 1,2 lần.
Thu nhập tăng lên còn thể hiện qua việc chi tiêu của họ cũng tăng dần lên. Điều đó chứng tỏ đời sống người dân nông thôn đang phát triển, kéo giảm đáng kể số lượng hộ nghèo.
Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm, theo chuẩn của TP.HCM giai đoạn 2014 - 2015) chỉ còn 3,93% (12.810 hộ). Thành phố đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Những yếu tố nào tác động làm thu nhập của người dân tăng cao, thưa ông?
- Theo tôi thì có nhiều yếu tố, nhưng tập trung vào các yếu tố sau: Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, như: Tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ ngày càng cao, nhiều người chuyển sang làm công nhân trong các khu công nghiệp – khu chế xuất, xí nghiệp, nhà hàng, làng nghề… Vì thế, số hộ nông dân ngày càng giảm. Nếu năm 1990 thành phố có hơn 100.000 hộ nông dân thì hiện nay chỉ còn khoảng 20.000 hộ.
Việc tái cơ cấu sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi những loại cây, con giá trị kinh tế thấp sang cây, con giá trị kinh tế cao, với nông nghiệp công nghệ cao cũng đẩy nhanh việc tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, việc hạ tầng nông thôn thành phố ngày càng hoàn thiện cũng góp phần thuận lợi cho việc tăng thu nhập của người dân nông thôn.
Vậy môi trường sống của người dân nông thôn thành phố có tương xứng với thu nhập đang tăng cao không?
- Tôi nghĩ rằng điều đó là tất nhiên. Khi thu nhập tăng cao người dân sẽ ý thức hơn đến môi trường sống. Đấy là chưa nói trong 5 năm xây dựng NTM, thành phố đã nỗ lực cải thiện môi trường sống cho khu vực nông thôn bằng công tác tuyên tuyền và đầu tư cơ sở vật chất…
Hiện, thành phố có 54/56 xã đạt tiêu chí môi trường. Về môi trường tự nhiên, rác thải không còn là vấn đề đáng lo ngại. Việc thu gom rác thải của các đội vệ sinh tự quản phủ khắp các huyện ngoại thành. Với môi trường xã hội, đã có 56/56 xã đạt tiêu chí an ninh, trật tự xã hội. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên tình hình an ninh chính trị được giữ vững; công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội chuyển biến tích cực ở các xã.
Với môi trường văn hóa đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực khi người dân nông thôn chi tiền nhiều hơn cho du lịch, thể thao, giải trí… Bên cạnh đó, qua 5 năm xây dựng NTM đã có hàng trăm công trình văn hóa được xây dựng ở nông thôn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thực ra vẫn còn một số xã NTM ở TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn từ chăn nuôi và các khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường...
- Đúng là như vậy. Thành phố đã có kế hoạch kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý, di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Đối với vùng chăn nuôi, thành phố đang cho rà soát, quy hoạch, khuyến khích đưa công nghệ cao vào sản xuất… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Được biết, thành phố đang xây dựng đề án nâng chất tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Xin ông cho biết đề án này có gì đặc biệt?
- Nếu trước đây, Chương trình xây dựng NTM tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa nhà dột nát… trên địa bàn thành phố, thì đề án này tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tất nhiên những tiêu chí khác vẫn phải tiếp tục phát triển.
Chúng tôi đang rất kỳ vọng vào đề án này khi triển khai, nhất là quy hoạch lại việc xây dựng sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thành phố và mang tính liên kết, bền vững. Nếu làm tốt, thành phố sẽ có một nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô và thành chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến tiêu thụ.
Như vậy, tiêu chí thu nhập cũng sẽ được nâng lên?
- Tất nhiên! Theo kế hoạch, trong bộ tiêu chí đặc thù của thành phố, đến năm 2020, thu nhập bình quân người dân nông thôn phải đạt 60 triệu đồng/người/năm (tức 5 triệu đồng/người/tháng). Chúng tôi đang xem xét mức thu nhập này để tính đến xây dựng mức tiêu chí thích hợp trong đề án.
Tuy nhiên, dù mức thu nhập bình quân được ấn định thế nào thì tôi cũng tin rằng sắp tới đời sống nông thôn thành phố cũng sẽ tốt hơn, với môi trường sống cũng tốt hơn nhiều so với hiện nay.
Doanh nghiệp thành phố đã góp phần khá lớn để Chương trình NTM thành phố cơ bản hoàn thành. Sắp tới, với đề án mới, mục tiêu mới, vai trò doanh nghiệp sẽ được thành phố chú trọng ra sao?
- Theo tôi, doanh nghiệp sẽ được khuyến khích tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp thành phố vươn lên phát triển bền vững, giúp nông dân tăng thu nhập...
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

“Xuất khẩu lúa gạo bạc bẽo lắm, 1 kg chẳng đáng bao nhiêu tiền. Trên thế giới không mấy nước có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu gạo như ta trừ phi không làm được ngành khác”.

Tính đến năm 2014, tỉnh Sóc Trăng có gần 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản các loại, 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, 4 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và các doanh nghiệp còn lại xuất khẩu mặt hàng bánh pía - lạp xưởng, vàng, ngọc trai...

Thị trường XK gạo đang gặp khó trở lại khi nguồn cung trên thế giới tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trong khi nhu cầu NK đã giảm sau mấy tháng sôi động vừa qua.

Dù đã bước vào niên vụ sản xuất mía đường chính vụ, nhưng không khí tranh thu mua nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL năm nay không tái diễn. Hiện tượng này được đánh giá là khá “lạ”, bởi 15 năm qua, các nhà máy đường ở khu vực luôn trong cảnh tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu khi vào vụ. Năm nay, phải đến giữa tháng 10, các nhà máy đường mới bắt đầu vào vụ, trong khi đó, vụ mía đường chính hàng năm mở màn từ tháng 9.

Từ đầu năm tới nay, trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc và EU cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ thì giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản sụt giảm do các hàng rào kỹ thuật và sang Nga, Australia thiếu ổn định.