Quy hoạch vùng nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bớt nỗi lo cho người nuôi tôm
Đầu năm 2015, Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải tổ chức họp người nuôi tôm nhằm quy hoạch lại vùng nuôi; đồng thời liên kết với Công ty Chế biến thủy sản Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) ký kết bao tiêu sản phẩm. Mô hình này được triển khai trên diện tích hơn 80ha.
Sau đó, Phòng NN&PTNT huyện cùng với Công ty Thiên Phú phối hợp mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi tôm. Các hộ nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm sạch phải sản xuất đồng bộ từ bước cải tạo ao đầm, xử lý nguồn nước, xuống giống đồng loạt, thu hoạch cùng thời điểm…
Công ty Thiên Phú đã lấy mẫu tôm giống đi xét nghiệm và hỗ trợ con giống sạch bệnh, chế phẩm vi sinh cho các hộ nằm trong vùng nuôi. Định kỳ hàng tháng cử chuyên viên kỹ thuật xuống theo dõi, khảo sát lấy mẫu tôm, nước đi xét nghiệm để chủ động xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, tôm trong vùng quy hoạch phát triển rất tốt, đạt kích cỡ từ 15 - 20 con/kg và bắt đầu cho thu hoạch. Công ty Thiên Phú thu mua tôm tại chỗ với giá cao hơn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với mức giá của thị trường. Ông Dương Văn Dũng (xã Định Thành, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Từ khi tham gia vào tổ nuôi tôm sạch, gia đình tôi rất yên tâm. Bởi, sản phẩm làm ra đã có chỗ tiêu thụ ổn định, không còn sợ thương lái ép giá như trước. Bên cạnh đó, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên hầu như tôm nuôi không phát sinh dịch bệnh, tôm đạt đầu con và lớn rất nhanh, bán được giá cao”.
Tôm nuôi trong vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và được Công ty Thiên Phú xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ông Cao Chí Nhã, Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú, cho biết: “Loại tôm sạch được thị trường các nước châu Âu ưa chuộng. Để có đủ nguồn hàng cung ứng, bước vào vụ nuôi mới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải mở rộng thêm 120ha tôm nuôi quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước và sử dụng chế phẩm vi sinh”.
Quy hoạch vùng nuôi, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nuôi tôm như cách huyện Đông Hải đang làm là một giải pháp phù hợp, mang tính bền vững. Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, nhận định: “Quy hoạch vùng nuôi tôm sạch, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm là rất cần thiết. Việc làm này giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất, mạnh dạn áp dụng các mô hình mới vào sản xuất”.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đảm bảo phát triển thanh long bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng quy hoạch chung phát triển sản xuất thanh long. Định hướng phát triển thanh long tại các vùng truyền thống như Bình Thuận, Tiền Giang và Long An...
Kiên Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có số lượng nuôi cá lòng bè trên biển lớn nhất, tập trung nhiều nhất là huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Mỗi năm đóng góp sản lượng cá nước mặn lên hàng triệu tấn tiêu thụ trong nước và phục vụ nhu cầu XK rất lớn.
Phòng NN-PTNT H.Bình Tân cho biết, vụ này trên địa bàn huyện có khoảng 7.000 ha trồng khoai lang. Trong đó, đợt 1 có khoảng 4.000 ha đã thu hoạch xong với giá bán khoảng 700.000 - 800.000 đồng/tạ. Đợt 2 còn khoảng 3.000 ha đang thu hoạch. Tuy nhiên việc giá liên tục giảm làm cho bà con nông dân rất bất an.
Sau thời gian hồ hởi “được giá”, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL lại đang đứng ngồi không yên vì giá rớt thê thảm, trong lúc năng suất và chất lượng chưa được nâng lên.
Làm thế nào để tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH- HĐH) nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới là đề tài xuyên suốt tại Hội thảo “CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL - 30 năm nhìn lại”.