Quy hoạch vùng nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bớt nỗi lo cho người nuôi tôm
Đầu năm 2015, Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải tổ chức họp người nuôi tôm nhằm quy hoạch lại vùng nuôi; đồng thời liên kết với Công ty Chế biến thủy sản Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) ký kết bao tiêu sản phẩm. Mô hình này được triển khai trên diện tích hơn 80ha.
Sau đó, Phòng NN&PTNT huyện cùng với Công ty Thiên Phú phối hợp mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi tôm. Các hộ nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm sạch phải sản xuất đồng bộ từ bước cải tạo ao đầm, xử lý nguồn nước, xuống giống đồng loạt, thu hoạch cùng thời điểm…
Công ty Thiên Phú đã lấy mẫu tôm giống đi xét nghiệm và hỗ trợ con giống sạch bệnh, chế phẩm vi sinh cho các hộ nằm trong vùng nuôi. Định kỳ hàng tháng cử chuyên viên kỹ thuật xuống theo dõi, khảo sát lấy mẫu tôm, nước đi xét nghiệm để chủ động xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, tôm trong vùng quy hoạch phát triển rất tốt, đạt kích cỡ từ 15 - 20 con/kg và bắt đầu cho thu hoạch. Công ty Thiên Phú thu mua tôm tại chỗ với giá cao hơn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với mức giá của thị trường. Ông Dương Văn Dũng (xã Định Thành, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Từ khi tham gia vào tổ nuôi tôm sạch, gia đình tôi rất yên tâm. Bởi, sản phẩm làm ra đã có chỗ tiêu thụ ổn định, không còn sợ thương lái ép giá như trước. Bên cạnh đó, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên hầu như tôm nuôi không phát sinh dịch bệnh, tôm đạt đầu con và lớn rất nhanh, bán được giá cao”.
Tôm nuôi trong vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và được Công ty Thiên Phú xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ông Cao Chí Nhã, Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú, cho biết: “Loại tôm sạch được thị trường các nước châu Âu ưa chuộng. Để có đủ nguồn hàng cung ứng, bước vào vụ nuôi mới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải mở rộng thêm 120ha tôm nuôi quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước và sử dụng chế phẩm vi sinh”.
Quy hoạch vùng nuôi, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nuôi tôm như cách huyện Đông Hải đang làm là một giải pháp phù hợp, mang tính bền vững. Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, nhận định: “Quy hoạch vùng nuôi tôm sạch, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm là rất cần thiết. Việc làm này giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất, mạnh dạn áp dụng các mô hình mới vào sản xuất”.
Related news
Vào năm 2006 người chị của Thắng gợi ý anh nuôi ngựa bạch. Anh kể: “Tôi và chị mình sau nhiều ngày bàn bạc, đi tìm hiểu các trại ngựa khắp nơi. Khi đó tổng số ngựa bạch trên cả nước chỉ còn khoảng 400 - 500 cá thể. Ngựa được thịt ra nấu cao ngày một nhiều, còn người đi nhân giống lai tạo ngựa bạch khi đó hầu như không có”. Sau đó, Thắng đã quyết định bán hết gà, vịt cộng với tiền của chị mình để lập trang trại ngựa bạch.
Chi cục Thú y tỉnh An Giang phối hợp UBND xã Hội An (Chợ Mới) tổng kết kế hoạch “Xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp phù hợp trong chế biến phụ, phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò thịt tại huyện Chợ Mới”.
Hiện nay, tôm càng xanh trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bước vào vụ thu hoạch, nhưng giá lại sụt giảm mạnh. Theo thông tin ban đầu là do công ty không thực hiện thu mua, mặc dù đã có làm việc và thỏa thuận giá với người dân...
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2013 người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 217 ngàn tấn thịt heo hơi, tăng hơn 40 ngàn tấn so với năm 2012.
Từ một nông dân lam lũ, ông Nguyễn Văn Nam (63 tuổi, ở thôn Ðông Bình, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã trở thành tỉ phú nhờ chăn nuôi giỏi, đạt hiệu quả cao. Năm 2013, ông Nam vinh dự được Trung ương Hội Nông dân trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.