Quy Hoạch Vùng Nguyên Liệu Cho Công Nghiệp Chế Biến Chưa Gắn Kết Lợi Ích
Từ khâu quy hoạch (QH) đến khâu thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… chưa được thực hiện theo chuỗi giá trị. Đó là thực tế trong phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Mía, cao su không đạt quy hoạch
Quy hoạch vùng mía tập trung đến năm 2015, Quảng Ngãi phấn đấu đạt diện tích ổn định khoảng 9.000ha, sản lượng mía cây đạt 600-700 nghìn tấn/năm. Thế nhưng dù từng là vùng đất mía, diện tích QH mía của tỉnh không những không đạt mà còn giảm.
Dù có nhiều nhà máy chế biến mì trên địa bàn, nhưng thu nhập của người trồng mì vẫn bấp bênh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích mía trên địa bàn tỉnh luôn biến động giảm qua các năm. Đến niên vụ 2013-2014 chỉ còn trên 5.070ha, so với QH chỉ đạt 56,4%. Năng suất mía đạt 51 tấn/ha, đạt 78,5%; sản lượng đạt trên 258 nghìn tấn, đạt 43,1% QH. Trong số những nguyên nhân khiến QH vùng nguyên liệu mía chưa đạt có nguyên nhân doanh nghiệp chế biến đường và nông dân còn “lấn cấn” ở một số khâu, phương thức thu mua và giá cả thiếu linh hoạt, đồng thời chưa tạo động lực khuyến khích nông dân phát triển trồng mía.
Trong khi đó, QH cây cao su đến năm 2010, định hướng đến năm 2015 được UBND tỉnh thỏa thuận với diện tích 2.866ha, trong đó cao su quốc doanh 2.131ha, cao su tiểu điền 735 ha. Dù vậy, đến nay tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh mới đạt 1.231ha, bằng 42,95% QH. Diện tích cao su đang khai thác mủ chỉ có trên 500ha, sản lượng đạt 416 tấn. Nguyên nhân chính được lý giải là hiện tại Quảng Ngãi chưa có nhà máy chế biến cao su nên cao su tiểu điền gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm mủ thô (chủ yếu bán sản phẩm cho tư thương với giá cả bấp bênh). Đó là nguyên nhân khiến họ chưa mặn mà trong việc phát triển trồng cây cao su.
Người trồng mì vẫn long đong
Hiện nay, diện tích mì trên địa bàn tỉnh khoảng 18.000ha. Con số này “rất đẹp” nếu chiếu theo QH phát triển vùng mì nguyên liệu bền vững tỉnh Quảng Ngãi cho Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất.
Theo QH giai đoạn 2011-2020, để có vùng nguyên liệu tập trung nhằm bảo đảm cung cấp ổn định 100% nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy này, UBND tỉnh thỏa thuận QH tổng diện tích hơn 16.700ha. Thế nhưng, đến nay các bên vẫn chưa xây dựng chuỗi liên kết, tạo sự gắn kết hữu cơ giữa người dân trồng mì và nhà máy sản xuất ethanol. Hiện tại Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung mới phối hợp với huyện Bình Sơn và Sở NN&PTNT Quảng Ngãi triển khai thí điểm phát triển vùng mì nguyên liệu giai đoạn 1 khoảng 1.400ha, chưa bằng 10% so với QH.
Với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm, sử dụng 240 tấn mì lát khô/năm, NM sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất là đơn vị tiêu thụ mì lớn nhất trong cả nước (hơn 260.000 tấn củ/năm). Tuy nhiên, dù đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2013, nhưng giữa công nghệ chế biến của NM sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất và sản phẩm mỳ của tỉnh phục vụ nhà máy đang có những bất cập. Bởi trong khi người trồng mì tại Quảng Ngãi thường thu hoạch và bán mì tươi, thì nhà máy chỉ thu mua mì lát khô để chế biến.
Theo kế hoạch, Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất sẽ xây dựng các trạm thu mua, sơ chế mì khô song vì gặp khó khăn nên hạng mục này chưa đầu tư xây dựng. Đấy là lý do mà Nhà máy này phải tìm mua mì khô ở các tỉnh Tây Nguyên. Còn người trồng mì trong tỉnh thì vẫn phải tự bơi là chính.
Phải gắn kết lợi ích
Bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến vẫn còn chung chung. Đặc biệt, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Chẳng hạn với cây mì, không những năng suất thấp (năng suất bình quân chỉ đạt 17-18 tấn/ha, thậm chí ở miền núi chỉ đạt 11-12 tấn/ha) mà giá mì hiện cũng rất bấp bênh, không tạo ra được mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Theo ông Ngô Văn Tươi-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi thì, với việc Quảng Ngãi chuyển sang sử dụng xăng E5 tạo ra thị trường mới đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp chế biến. Nếu thực hiện tốt vùng nguyên liệu phục vụ chế biến thì sẽ không lo thiếu nguyên liệu.
Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) đề xuất, các bên liên quan cần sớm hoàn thiện văn bản đề nghị xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông dân để giảm sức ép cạnh tranh nguyên liệu. Đồng thời xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết, tạo sự gắn kết hữu cơ giữa người dân và nhà máy sản xuất, cũng như hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Bài toán đặt ra ở đây chính là phải QH các vùng nguyên liệu có năng suất cao, giá thành hạ để doanh nghiệp và nông dân đều có lãi.
Còn trong cuộc làm việc với đoàn khảo sát của HĐND tỉnh, Sở NN&PTNT kiến nghị cần xây dựng quy chế phân công trách nhiệm đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu rõ ràng giữa Nhà nước-Công ty Cổ phần Đường và người trồng mía trong việc thực hiện dự án, chương trình phát triển vùng nguyên liệu. Có như vậy thì việc phát triển vùng nguyên liệu mới đạt QH đề ra.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/quy-hoach-vung-nguyen-lieu-cho-cong-nghiep-che-bien-chua-gan-ket-loi-ich-2353942/
Có thể bạn quan tâm
Tiếp sau sự kiện trái vải tươi được Mỹ và Australia mở cửa, mới đây, Nhật Bản cũng chính thức cấp phép cho các DN nước này nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam.
Một số nhà vườn ở huyện Định Quán (Đồng Nai) đã trồng thành công giống mãng cầu (miền Bắc gọi là quả na) không hạt.
Do giá sen xuống thấp, đầu ra bấp bênh nên HTX sen Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) vừa giải thể.
Trong vòng hai tuần qua, giá hoa cúc bán tại vườn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tăng đột biến, cao nhất trong năm tháng qua. Nhà vườn khẳng định với giá bán hiện tại mỗi sào cúc trừ mọi chi phí thu về không dưới 70 triệu đồng tiền lãi.
Cuối năm 2013, thị xã Ngã Bảy long trọng tổ chức lễ công bố xã Đại Thành hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) và cũng là xã đầu tiên về đích của tỉnh và vùng ĐBSCL. Không dừng lại ở đây, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí, quyết tâm giữ vững danh hiệu NTM.