Nuôi Sò Huyết Giúp Nông Dân Làm Giàu
Những năm gần đây, nông dân huyện Năm Căn không ngừng tìm hướng đi mới trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi sò huyết giờ đã trở thành phong trào và giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định.
Nhiều năm trước, ông Nguyễn Thanh Bào, ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, chỉ nuôi tôm, cua nhưng hiệu quả không cao. Từ khi kết hợp thả nuôi sò huyết, thu nhập tăng lên, kinh tế gia đình ổn định hơn. Gần đây, sau hơn 4 tháng thả nuôi trên dịch tích hơn 2 ha, với 100 kg sò giống, ông thu hoạch gần 200 kg sò thương phẩm, trừ chi phí còn lãi trên 20 triệu đồng.
Theo nhiều nông dân địa phương, sò huyết là đối tượng dễ nuôi, rủi ro thấp, đầu ra đến thời điểm này vẫn ổn định. Qua thống kê của xã Lâm Hải, hơn 1 năm nay, nhiều hộ nông dân có thu nhập khá từ mô hình nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 0,2-0,5 ha, thu nhập hơn 50 triệu đồng/vụ; cá biệt có những hộ nuôi lợi nhuận gấp 3 lần.
Ông Trịnh Hải Ðăng, Trưởng ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, cho biết, khi mô hình phát triển ổn định, địa phương sẽ có kế hoạch nhân rộng, làm mô hình điểm để xoá nghèo trong thời gian tới.
Hiện nay, xã Hàm Rồng cùng với các xã: Lâm Hải, Ðất Mới đang phát triển mạnh với mô hình tôm - sò cho thu nhập khá ổn định. Chỉ tính riêng ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng có đến 20 hộ áp dụng nuôi sò trong đất vuông tôm.
Ông Phan Văn Ðấu, ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng, cũng là người tiên phong áp dụng hiệu quả mô hình này ở địa phương. 2 năm trước, qua thông tin báo, đài, nhận thấy con sò huyết thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, ông tận dụng các khoảng đất cạn nước trong vuông tôm nuôi thử nghiệm và con sò phát triển tốt. Hơn 1 năm nay, ông tăng diện tích lên 3 ha.
Vụ vừa rồi ông thả 100 kg sò giống, sau gần 5 tháng thả nuôi, ông thu 1,8 tấn sò thương phẩm, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.
Bên cạnh con tôm hay con cua là đối tượng lâu năm, thì sò huyết là đối tượng mới được bà con chú trọng. Nhiều hộ dân cho rằng, có thể tận dụng khu vực nước cạn trong vuông để thả nuôi sò huyết, nguồn thức ăn tự nhiên trong môi trường nước, ít tốn kém chi phí, chủ yếu chỉ tốn chi phí con giống.
Vừa qua, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn khảo sát mô hình này và nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê của ngành, trên địa bàn toàn huyện có khoảng 800 ha nuôi tôm - sò kết hợp, tập trung ở các xã như: Lâm Hải, Hàm Rồng, Ðất Mới.
Ông Trương Quốc Duẩn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: “Cùng với con tôm, sò huyết là đối tượng nuôi được nhiều nông dân lựa chọn, bởi hiệu quả kinh tế đem lại từng bước giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Song, do mô hình còn mang tính tự phát nên bà con chỉ nuôi theo kinh nghiệm và chưa có sự kết hợp trong sản xuất và tiêu thụ.
Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn sẽ kết hợp mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về kỹ thuật nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm, cua, giúp bà con sản xuất có hiệu quả hơn và nhân rộng mô hình”.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp từ nấm bào ngư sạch, anh Chung đã thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm, bán nấm phôi, cung cấp ra thị trường thành phẩm hàng tạ nấm bào ngư trắng
Về thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn vào một ngày cuối thu, chúng tôi bị níu giữ bởi sắc đỏ đẹp mắt của những quả thanh long ruột đỏ đang độ thu hoạch
Vú sữa bơ hồng là một trong các loại vú sữa có triển vọng xuất khẩu nhờ trái to, bóng, đẹp, vỏ mỏng, màu hồng tươi đẹp, nhiều cơm, ngọt thanh, thơm mùi bơ sữa
Những người nuôi chim cút liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm sạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con