Quỹ Hỗ Trợ Nông Dân Phát Huy Hiệu Quả
Với phương châm xây dựng mô hình và đầu tư không dàn trải để đồng vốn vay phát huy hiệu quả, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Điện Biên đã tăng cường quản lý tốt các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, giúp các hộ được vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Gia đình anh Lò Văn Thanh, bản Tà Bung, xã Nà Nhạn những năm trước đây gặp rất nhiều khó khăn, xoay xở đủ nghề nhưng cái nghèo cứ đeo bám. Năm 2012, gia đình anh được Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện cho vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ đồng vốn này, gia đình anh đầu tư mua 1 cặp bò nái và đắp đập tạo ao thả cá. Đến nay sau hơn một năm phát triển, từ một cặp bò sinh sản ban đầu gia đình anh đã có đàn bò 4 con và hoàn trả vốn vay từng phần theo đúng điều lệ của Quỹ.
Cùng hoàn cảnh như gia đình anh Thanh, gia đình chị Lò Thị Hiêng ở bản Tà Bung, xã Nà Nhạn cũng được Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện cho vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền là 30 triệu đồng. Ngoài vốn vay, chị Hiêng được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi do Hội Nông dân huyện tổ chức. Chị đã tự tin đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại. Lấy ngắn nuôi dài, đến nay quy mô gia trại của gia đình chị không ngừng được mở rộng, với mức thu nhập mỗi năm trên 40 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong tổng số 20 hộ nông dân thuộc Chi hội nghề nghiệp của bản Tà Bung, Nà Nhạn thực hiện xoá đói, giảm nghèo có hiệu quả từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Điều đáng nói hơn cả là từ nguồn Quỹ này đã giúp nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi, chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp và có sự liên kết nhóm cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lò Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên cho biết: "Để quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân huyện Điện Biên thường xuyên tổ chức kiểm tra nâng cao chất lượng tín dụng, giúp cho quỹ hoạt động đúng hướng, bảo đảm an toàn nguồn vốn. Ngoài ra, Hội còn kết hợp với một số phòng, ban tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thuỷ sản cho những đối tượng được hưởng lợi, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước nhân ra diện rộng.
Nhờ đó đến hết năm 2012, nguồn quỹ cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện vay đạt 1,2 tỷ đồng”. Đi đôi với việc huy động, sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân có hiệu quả, Hội Nông dân huyện còn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cung cấp nguồn vốn lớn cho nông dân nghèo, tạo điều kiện để người dân đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Kết quả trong 9 năm qua (từ 2003 - 2012) đã giải quyết cho trên 13.000 lượt hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất và chăn nuôi, tổng dư nợ đạt 135 tỷ đồng. Nhìn chung, những hộ được tiếp nhận vốn vay đã tích cực phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Thông qua sự hỗ trợ của nguồn quỹ, hội viên nông dân hăng hái thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Với những giải pháp thiết thực và cụ thể, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Điện Biên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh về mọi mặt, phát huy vai trò trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Ông Shuntaro Ise, Phó chủ tịch Tập đoàn ISE Food cho biết, ISE Food tại Nhật đã hình thành được hơn 100 năm qua và hiện là tập đoàn có lượng gà đẻ trứng lớn nhất thế giới. Chỉ riêng tại Nhật, ISE Food có các trang trại với khoảng 120 triệu con gà đẻ trứng, và ở Mỹ có trang trại 12 triệu con.
Gia đình anh Phúc có 3 công ruộng ở vị trí không được tốt nên hiệu quả canh tác lúa không cao, anh phải tìm kế sản xuất (SX) khác để nuôi sống 4 miệng ăn. Tình cờ anh xuống thăm mấy người bạn ở Cà Mau, thấy mô hình nuôi cá bống tượng nên về làm thử. Nào ngờ, con cá bống tượng làm vợ chồng anh bao phen hoảng hồn, do cá chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân. Rồi anh kiên nhẫn học hỏi kinh nghiệm, tìm tài liệu nghiên cứu. Từ chỗ nuôi lỗ, anh hòa vốn và có lời.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau và dịch lở mồm long móng xảy ra tại 16 hộ chăn nuôi ở 4 xã, thị trấn (Bằng Vân, thị trấn Nà Phặc, Đức Vân và Vân Tùng) thuộc huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn chưa qua 21 ngày.
Trong những năm gần đây, người dân ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng vải thiều sang trồng các loại cây ăn quả khác đem lại thu nhập cao, ổn định. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nơi đây là một trong những "vựa" quả lớn nhất của tỉnh Bắc Giang.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Vê, ở thôn Jang Cách, từ lâu đã ấp ủ đầu tư chăn nuôi bò, nhưng mãi chưa thể thực hiện được vì không đủ vốn. Tuy nhiên, sau khi trình bày nguyện vọng tại các buổi sinh hoạt chi đoàn thôn, năm 2013, anh được Đoàn xã xét để được vay nguồn vốn từ Dự án chăn nuôi bò của huyện do tổ chức Đoàn quản lý. Với khoản vốn vay gần 13 triệu đồng, cộng thêm tiền của gia đình, anh đã mua một cặp bò mẹ về nuôi.