Nhiều Quyền Lợi Khi Tham Gia Mô Hình Hợp Tác Chăn Nuôi
Tổ viên được lợi gì khi tham gia mô hình hợp tác chăn nuôi? Đó là câu hỏi của hầu hết người chăn nuôi heo có quy mô nhỏ lẻ khi được vận động tham gia tổ hợp tác sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) cho biết: Cái hay đầu tiên khi tham gia mô hình hợp tác là tổ viên được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Kinh nghiệm từ việc cho vật nuôi ăn, uống, tiểu tiện đến theo dõi bệnh, nhận biết các triệu chứng ban đầu và phát hiện, điều trị kịp thời. Tổ viên được họp, rút kinh nghiệm và chia sẻ cái hay cho nhau thường xuyên mỗi tháng. Có tổ viên cho rằng kiến thức chăn nuôi đúc kết thực tế kết hợp với kỹ thuật rất hữu ích. Vào tổ, tổ viên còn được tập huấn nghề chăn nuôi và thú y theo Chương trình đào tạo nghề 1956.
Thực hiện tiêu chí số 13 (Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới) về thành lập mô hình sản xuất hợp tác, tổ hợp tác chăn nuôi heo Đa Phước Hội được thành lập vào tháng 4-2014, với 15 hộ tham gia, trong đó chủ yếu là hộ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn mở rộng quy mô. Bình quân mỗi hộ nuôi 50 - 80 con.
Nếu trước đó, tổ viên phải mua thức ăn qua đại lý, cửa hàng bán lẻ với giá cao thì khi tham gia mô hình hợp tác, tổ viên sẽ được hỗ trợ vốn, mua hàng trực tiếp của công ty với giá gốc. Đặc biệt, tổ viên sẽ được hưởng phần chiết khấu đầu vào được Ban quản lý tổ chia đều sau mỗi tháng hoặc quí.
Ngoài ra, tổ viên được vay vốn theo hình thức hạn mức tín dụng, do Hội Nông dân xã, Hội Nông dân huyện liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho tổ vay. Theo đó, tùy theo khả năng mở rộng quy mô sản xuất, ngân hàng sẽ phân bổ vốn một lần cho tổ viên vào tài khoản. Thời hạn vay ngắn, trung, dài do tổ viên đăng ký. Theo ông Nguyễn Văn Viễn, tổ viên thuận lợi hơn khi vay theo hình thức này, vì chủ động được vốn ở mọi thời điểm. Khi cần thiết, tổ viên có thể rút tiền để trang trải, đầu tư. Rút vay bao nhiêu, ngân hàng tính lãi bấy nhiêu và ngược lại. Nếu số vốn vẫn còn trong tài khoản, tổ viên không phải đóng lãi suất. Tuy nhiên, hình thức cho vay này có quy định: tổ viên phải hoàn trả tiền vào tài khoản sau 6 tháng rút vốn (tính theo chu kỳ của vòng nuôi) mới có thể rút vay lại.
Tính từ khi thành lập đến nay, tổ viên được giải ngân từ 1,2 - 2 tỷ đồng. Đây là khoản tiền lớn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, tổ đã chia đều chiết khấu hoa hồng, khuyến mãi cho tổ viên với tổng số tiền trên 80 triệu đồng. Phần lợi ích này, hộ chăn nuôi sẽ không được hưởng nếu không tham gia mô hình hợp tác sản xuất. Đàn heo khi xuất chuồng cũng được thương lái ưu tiên mua với giá cao hơn bình thường do đàn heo tập trung, sản lượng cao.
Nhận thấy tham gia tổ hợp tác thật sự có nhiều quyền lợi, nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn đã tự nguyện đăng ký tham gia vào tổ. Ông Nguyễn Văn Viễn phấn khởi: Bây giờ vận động hộ chăn nuôi tham gia hợp tác không còn khó khăn, phải mời họp tới, họp lui như trước nữa. Hộ chăn nuôi chủ động đến đăng ký tham gia. Để tạo niềm tin cho tổ viên, tổ có Ban quản lý ghi chép đầy đủ, minh bạch và tập hợp đầy đủ các chứng từ cho tổ viên tham gia giám sát.
Có thể bạn quan tâm
Tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - ông Nguyễn Hùng Linh vừa cho biết, VFA đã thống nhất chọn giống Jasmine 85 để xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Với hơn 1ha trồng chè, mỗi năm gia đình anh Phan Đình Nhàn ở thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh thu trên 140 triệu đồng.
Dù người trồng dưa ở nhiều địa phương bị thua lỗ, thì những nông dân (ND) trồng dưa lưới xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn thu lãi 100 – 150 triệu đồng/ha.
Ở vùng ĐBSCL,vừng (mè) thường trồng trong vụ xuân hè, hoặc hè thu thay cây lúa giúp cải tạo đất và cắt nguồn sâu bệnh duy trì trên lúa.
Ở điều kiện nuôi vỗ trong giai lưới (đặt trong ao) và lồng bè (trên sông) đạt hệ số thành thục thấp hơn có sức sinh sản tuyệt đối 3.773 trứng/cá cái và sức sinh sản tương đối 128.000 trứng/kg/cá cái.