Quảng Sơn Mùa Mía Chín

Trở lại xã Quảng Sơn vào những ngày giữa tháng ba, chúng tôi gặp nông dân địa phương khẩn trương thu hoạch mía đường. Hàng chục chiếc xe tải xuôi ngược đi về chở mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường Phan Rang.
Cây mía đem lại hiệu quả kinh tế ổn định trong nhiều năm qua là nguồn thu nhập chính giúp bà con nông dân nâng cao đời sống, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Anh Hoàng Lê Hải, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Quảng Sơn đưa chúng tôi đi giữa những ruộng mía bạt ngàn trên vùng đất tục danh Suối Mây. Cây mía cao quá đầu người, ngã màu nâu sẫm đang chờ Công ty Cổ phần mía đường Phan Rang “phát lệnh” thu hoạch. Niên vụ 2012- 2013, nông dân xã Quảng Sơn trồng1.850 ha đạt sản lượng khoảng 140 ngàn tấn, chiếm 70% diện tích mía đường của toàn huyện Ninh Sơn.
Quảng Sơn được gọi là “thủ phủ” của nghề trồng mía cung cấp trên 60% nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường Phan Rang. Cây mía tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động nông nghiệp có thu nhập 120- 150 ngàn đồng/ngày. Các nông hộ Nguyễn Thất, Nguyễn Hùng, Phùng Cường, Trần Thái Hải…là những điển hình vươn lên làm giàu trong nghề trồng mía đường ở xã Quảng Sơn.
Vừa kiểm tra lao động chất mía lên xe tải, anh Nguyễn Thái Hải 48 tuổi ở thôn Thạch Hà 2 vừa cho biết gia đình canh tác 5 ha mía đường giống K 88-92. Đây là giống mía mới trồng trên vùng đất ăn nước trời cho năng suất 80 tấn/ha. Với gía thu mua mía tại ruộng của Công ty Cổ phần mía đường Phan Rang hiện nay là 880 ngàn đồng/tấn 10 chữ đường, anh có lãi 30 triệu đồng/ha. Cây mía đường cho thu nhập ổn định giúp anh xây dựng nhà ở khang trang và nuôi ba con học phổ thông tại huyện Ninh Sơn và một con học đại học sư phạm chuyên ngành Vật lý tại TP. Hồ Chí Minh.
Mía đường giống K 88-92 và K 95-84 được du nhập trồng tại Quảng Sơn với diện tích 350 ha. Đây là hai giống mía mới không trổ cờ, thân cao trung bình 3 mét, chăm sóc chu đáo sau 12 tháng cho năng suất trên 100 tấn/ha. Số đông nông dân địa phương vẫn còn trồng mía giống MI với diện tích 1.500 ha qua nhiều năm canh tác đã thoái hóa, năng suất chỉ đạt 45- 50 tấn/ha, lợi nhuận 5-10 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế cây mía năm nay đạt thấp ngoài yếu tố giống MI thoái hóa còn có nguyên nhân doanh nghiệp thu mua hạ giá 170 ngàn đồng/tấn so với niên vụ 2011- 2012.
Ông Văn Hữu Thận, Phó giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần mía đường Phan Rang cho biết giá tiêu thụ đường RS hiện nay là 13.600 đồng/kg, giảm 3.400 đồng so với cùng kỳ năm 2012. Trung bình 1 tấn mía nguyên liệu cho ra 60 kg đường thành phẩm, trị giá 800 ngàn đồng. Do đó, Công ty phải giảm giá thu mua nguyên liệu theo biến động giá của thị trường mía đường trong nước.
Để mùa mía đường trong những năm tới thật sự “ngọt ngào”, nông dân vùng nguyên liệu Quảng Sơn mong được chính quyền địa phương tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư mở rộng hệ thống tưới kênh Tây. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc đầu tư thâm canh cây mía đạt năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty Cổ phần mía đường Phan Rang cần liên kết với các nhà khoa học đưa giống mía mới, phương thức canh tác mới vào đồng ruộng nâng cao chất lượng mía hàng hóa. Đồng thời đầu tư thiết bị phân tích chữ đường hiện đại tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân gắn bó làm ăn bền vững với doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nhiều năm nay, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch và đưa nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện xã có 412 ha đạt giá trị 120 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 260 ha cánh đồng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, 30 ha dưa chuột, hơn 10 ha ớt xuất khẩu...

Ông Đào Anh Thư, 58 tuổi, một người dân đã có nhiều năm trồng cà phê ở huyện Đác Hà cho biết, đây là những cơn mưa trái mùa, thường niên khi bước vào tháng 12 ở Tây Nguyên rất hiếm khi xảy ra mưa vì thời tiết đã chuyển hẵn sang mùa khô. Mưa trái mùa làm cho không khí dịu xuống, thời tiết mát mẻ. Nhưng đối với những người dân trồng cà phê thì đây là những trận mưa không như mong muốn.

Dù ủng hộ chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển dần sang đóng tàu vỏ sắt, nhưng nhiều ngư dân và chuyên gia cho rằng cần tránh chạy theo phong trào đóng tàu vỏ sắt, bởi tàu gỗ công suất lớn vẫn mang lại hiệu quả cao tùy theo mô hình, phương thức đánh bắt...

Ngoài 2 vụ lúa chính trong năm, 5 năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm sạch.

Sử dụng phương pháp sạ hàng có nhiều ưu điểm như: giảm được lượng giống so với sạ lan khoảng 5 - 10 kg/công, sạ hàng dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí giảm, nhưng năng suất từ bằng đến cao hơn sạ lan. Ngoài ra, sạ hàng khi bị mưa dập thì tỷ lệ chết giống cũng ít hơn sạ lan.