Quảng Ninh thí điểm kế hoạch phát triển nguồn lợi thủy sản Vịnh Hạ Long-Cát Bà

Tiểu dự án 2 được triển khai thực hiện từ năm 2014 đến tháng 7/2017 là một trong 2 tiểu dự án của “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà”.
Tiểu dự án 2 tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý theo hướng tiếp cận tổng hợp và nuôi trồng thủy sản bền vững trên Vịnh Hạ Long gắn với bảo tồn di sản; cộng đồng tham gia quá trình quy hoạch kế hoạch và thực hiện thí điểm trình diễn nuôi trồng thủy sản bền vững; tăng cường tuyên truyền thúc đẩy hợp tác đa ngành và sự tham gia của các bên liên quan...
Tại cuộc họp thông qua kế hoạch triển khai tiểu dự án 2 “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà”, do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng 20/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu yêu cầu Sở NN&PTTNT phối hợp với các đơn vị liên quan trong tháng 8/2015 phải phê duyệt xong dự án.
Trong đó có quy hoạch điểm nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch; chất liệu làm các nhà bè, ô lồng nuôi thủy sản, chủng loại thủy sản cần nuôi; lựa chọn doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án (chọn doanh nghiệp du thuyền Đông Dương); quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời giao cho TP. Hạ Long lựa chọn số hộ dân tham gia dự án và lưu ý TP. Hạ Long quan tâm ưu tiên 18 hộ dân đang làm nghề tại khu vực Cửa Vạn; giao cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng quy chế hoạt động, tham quan của du khách đối với khu vực thực hiện dự án.
Về nguồn lực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tham gia chủ động nguồn vốn và giao Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh nguồn vốn hỗ trợ dự án.
Dự án “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Kinh phí tài trợ dự án hơn 691.000 USD, trong đó vốn không hoàn lại khoảng 623.000 USD, vốn đối ứng hơn 68.000 USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017.
Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ở địa phương trong và ngoài nước và đại diện cộng đồng có liên quan mật thiết đến quản lý và khai thác Vịnh Hạ Long phát huy tinh thần hợp tác tích cực và có năng lực duy trì tính bền vững của cơ chế hợp tác.
Đồng thời, nâng cao nhận thức xã hội và sự quan tâm, nhìn nhận của công chúng, cơ quan quản lý Nhà nước về vai trò và sự hợp tác của các bên liên quan, đặc biệt là từ các tổ chức ngoài Nhà nước và cộng đồng trong việc bảo vệ và khai thác bền vững Vịnh Hạ Long.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Khu phố 5 và Khu phố 6 (phường IV, thành phố Tây Ninh) tận dụng khoảng trống ít ỏi trước hoặc bên hông nhà để trồng nha đam Thái (Lô hội) bán cho thương lái, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Năm nay, tỉnh Thái Nguyên sẽ trợ giá giống chè với số tiền gần 6,65 tỷ đồng cho các hộ trồng chè ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn. Các giống chè được hỗ trợ giá là LDP1 và Kim tuyên. Với giá 735 đồng/cây chè giống LDP1 và 755 đồng/cây chè giống Kim tuyên, các hộ dân sẽ được hỗ trợ 50% giá giống/cây.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhiều giống cây dược liệu quý hiếm như nấm lim xanh, ba kích... đang dần mai một do người dân chưa quan tâm bảo tồn, phát triển. Để khôi phục nguồn gen quý này, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, cây giống, đồng thời mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn nhân giống cho người dân về loại cây dược liệu quí hiếm.

Những cơn mưa trên địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai) bắt đầu xuất hiện nhiều với tầng suất và lượng mưa tương đối lớn, cũng là lúc các loại bệnh trên cây trồng xuất hiện nhiều hơn.

Trong sản xuất mía hiện nay, chữ đường (CCS) được xem là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đến giá mía và nguồn thu nhập của người dân. Do đó, với sự hỗ trợ tích cực từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện người trồng mía trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để cây mía đạt CCS tốt nhất đến ngày thu hoạch.