Quản Lý Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Nhiều Hạn Chế Do Thiếu Chế Tài Đủ Mạnh
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, việc quản lý mặt hàng này hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu chế tài đủ mạnh.
Vi phạm diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 129 cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói và hơn 32.000 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Qua thanh, kiểm tra hàng năm, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Cụ thể, trong năm 2014, có 18,8% cơ sở sản xuất thuốc BVTV được kiểm tra vi phạm, chủ yếu là hành vi sản xuất thuốc BVTV có nhãn không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đối với cơ sở buôn bán thuốc BVTV, qua kiểm tra có 13,8% cơ sở vi phạm, các lỗi chủ yếu là không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc ngoài danh mục, thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng…
Ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục BVTV nhận định, công tác quản lý thuốc BVTV vẫn còn nhiều tồn tại chậm được khắc phục. Kết quả đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV cho thấy, tỷ lệ không nhỏ cơ sở xếp loại C (không đạt yêu cầu). Đáng chú ý, thuốc BVTV nhập khẩu tăng về khối lượng và giá trị. Hàng năm có khoảng 1% lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng kiểm tra Nhà nước phải tái xuất hoặc tái chế.
Bên cạnh đó, tình hình buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm cũng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ một lô hàng thuốc BVTV cấm sử dụng (thuốc Endosulfan) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh với số lượng 41 chai loại 100g/chai. Đây là lô hàng thuốc BVTV cấm sử dụng bị thu giữ đầu tiên trong vòng 5 năm qua trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện, thu giữ 400 gói (trọng lượng 10g/gói) thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.
Xử lý vi phạm chưa nghiêm
Thực trạng vi phạm kéo dài trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cho thấy, việc quản lý thuốc BVTV hiện nay đang bộc lộ khá nhiều hạn chế. Lãnh đạo Cục BVTV nhận định, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn, còn tình trạng cả nể, bao che cho người vi phạm. Bởi vậy, việc xử lý vi phạm chưa thực sự nghiêm minh và chế tài chưa đủ sức răn đe.
Ở một góc độ khác, nhiều địa phương cho rằng, vẫn còn "lỗ hổng" trong quy định quản lý mặt hàng thuốc BVTV. Đơn cử như câu chuyện tiêu hủy thuốc BVTV nhập lậu, vi phạm bắt giữ được ở đâu, kinh phí lấy từ nguồn nào cũng đang là bài toán chưa có lời giải của rất nhiều địa phương.
Một vấn đề nữa, theo ông Hoàng Hà - Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành số 2, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, quy định và chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV không nhãn mác còn thiếu chặt chẽ. Do đó, nhiều cơ sở đã "lách luật" bằng cách không sử dụng nhãn mác đối với mặt hàng thuốc BVTV ngoài danh mục hoặc thuốc BVTV cấm sản xuất, kinh doanh khiến cho công tác xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, ông Hoàng Trung cho biết, trong năm 2015, Cục BVTV sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý thuốc BVTV. Đồng thời, tiếp tục siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV ở tất cả các khâu, đặc biệt là khâu khảo nghiệm. Cục cũng chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra thuốc BVTV trong toàn ngành để quản lý chặt thuốc BVTV nhập lậu và thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, rà soát danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam và đề xuất loại bỏ các chất độc hại, hiệu lực thấp ra khỏi danh mục.
Năm 2014, Cục BVTV đã tạm đình chỉ, dừng buôn bán đối với 8 cơ sở không đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV; phạt cảnh cáo, nhắc nhở 675 trường hợp và phạt tiền 1.042 trường hợp.
Có thể bạn quan tâm
Theo UBND tỉnh, tình hình nuôi trồng thủy sản trong tháng 9 tương đối ổn định, khai thác biển thuận lợi. Giá bán các loài thủy sản nuôi ổn định: giá cá điêu hồng thương phẩm tăng nhẹ, người nuôi có lãi nhưng giá cá tra tiếp tục ở mức thấp làm cho người nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Kết quả điều tra của hãng Bloomberg ở các thương gia và nhà phân tích uy tín cho thấy, sản lượng trong niên vụ bắt đầu từ 1/10/2014 có thể đạt 1,69 triệu tấn. Con số này cao hơn mức 1,65 triệu tấn điều tra hồi tháng trước, mặc dù thấp hơn mức cao kỷ lục 1,71 triệu tấn của năm ngoái.
Lợi nhuận thấp do giá giảm mạnh sau nhiều năm dư thừa trên toàn cầu đã khiến nhiều nhà máy đường trên thế giới phải đóng cửa, và xuất hiện trào lưu hợp nhất (M&A) trong ngành đường để vượt qua giai đoạn khó khăn. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới sản lượng đường toàn cầu, và hỗ trợ giá hồi phục trở lại.
Nuôi chim yến trong nhà từng được xem là nghề “hái ra vàng” khí giá tổ yến cao ngất ngưởng, hiệu quả đầu tư nuôi yến rất cao. Tuy nhiên, gần đây người nuôi chim yến gặp khó do áp lực cạnh tranh về giá đối với tổ yến nhập khẩu khiến giá tổ yến giảm mạnh, trong khi đó tỷ lệ thành công trong nuôi chim yến rất thấp.
Những mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là cá tra, cá basa, tôm, một số sản phẩm hải sản đóng hộp như cá ngừ, cá sacdin, cá thu và một số loại cá khô khác. Mặt hàng cá tra của Việt Nam đã có chỗ đứng và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong khu vực.